1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cơ hội ứng dụng công nghệ di động trong quản lý giao thông

(Dân trí) - Các đơn vị cung cấp dịch vụ di động tại Việt Nam vừa công bố những tiện ích trong hoạt động điều hành và giám sát giao thông, đồng thời kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xem xét triển khai từ năm 2016.

Vấn đề này được đưa ra tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam, hôm qua (18/3).

Hiện nay Việt Nam đã có hơn 130 triệu sim điện thoại di động, các thiết bị di động khác cũng có thể gắn sim vào. Nếu như tích hợp được trên điện thoại cầm tay thì sẽ có nguồn dữ liệu về trạng thái giao thông trên đường.

Sẽ điều hành, giám sát giao thông từ điện thoại di động
Việc tích hợp dữ liệu từ điện thoại di động được cho là sẽ giúp giám sát tốt hơn hoạt động giao thông

Theo các đơn vị cung cấp dịch vụ di động, việc tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên taxi, xe buýt, xe con và từ dữ liệu điện thoại trực tuyến của người đi xe máy tạo nên bức tranh chung về thực trạng giao thông đô thị để phục vụ giám sát các tuyến đường, nút giao thông, điều hành đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người tham gia giao thông...

Tại Hội nghị, nhóm nghiên cứu của Học viện Quốc tế Berlin gGmbh (INA - Đức) đã trình bày dự án REMON (giám sát giao thông đô thị trực tuyến- giải pháp quản lý giao thông và phát triển giao thông đôthị Hà Nội). Dự án REMON do 10 cơ quan, đơn vị của Đức và Việt Nam thực hiện nhằm theo dõi và xác định trực tuyến lưu lượng phương tiện giao thông được thiết lập dựa trên “Dữ liệu xe con di động“ (FCD) và “Dữ liệu điện thoại trực tuyến“ (FPD).

Nhóm nghiên cứu cho rằng, dựa trên thông tin vị trí các phương tiện nói trên cung cấp, dữ liệu sẽ được xử lý để chuyển đổi thành các thông tin (cập nhật 2 phút/lần) như: Thông báo tình hình hiện trạng tuyến đường, điều hành kiểm soát đèn tín hiệu giao thông phù hợp với mật độ xe, thông báo vào biển báo giao thông bên đường... đề xuất giải pháp quy hoạch dài hạn để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông. Trong quá trình thực hiện, Dự án đã sử dụng dữ liệu từ 3.000 taxi ở Hà Nội để cập nhật hiện trạng giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết, Việt Nam đang chập chững những bước đầu so với các quốc gia khác trong việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết các vấn đề về giao thông. Hiện nay, Việt Nam chưa thể giám sát giao thông trực tuyến và cũng chưa thể cung cấp trạng thái giao thông cho người dân thông qua những kênh như internet, điện thoại di động. REMON kết nối giữa một bên là giải pháp tổng thể quản lý giao thông, một bên là giải pháp liên quan đến việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô và dữ liệu từ điện thoại di động.

“Chỉ cần 10% của vài chục triệu thuê bao di động có kết nối với trung tâm của dự án thì chắc chắn toàn bộ tình trạng giao thông trên đất nước Việt Nam được phản ánh với chất lượng cao và hỗ trợ rất nhiều trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự ATGT” - ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cho biết sau hội nghị, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa Tổng cục Đường bộ tham gia dự án REMON với tư cách là cơ quan đại diện Bộ Giao thông Vận tải tiếp nhận thông tin dự án để phục vụ quản lý giao thông.

C.N.Q