1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Có hiện tượng lũng đoạn thị trường chứng khoán để trục lợi

Năm 2006 là một năm phát triển rất mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị vốn hóa của thị trường đã vượt mục tiêu của năm 2010. Tuy nhiên, thị trường còn chưa ổn định, hoạt động trong cơ chế nhập nhằng nhiều kẽ hở, xuất hiện tin đồn thất thiệt để trục lợi cá nhân.

Ngày 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hội nghị triển khai hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2007. Đây là một hội nghị đưa ra nhiều số liệu thống kê cũng như các phát biểu rất ấn tượng.

 

Những con số ấn tượng...

 

Theo số liệu của UBCKNN, năm 2006 là một năm phát triển rất mạnh của TTCK Việt Nam. Đến 31/12/2006, TTCK đã có 193 công ty niêm yết vào đăng ký giao dịch, tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 221.000 tỉ đồng (tương đương 14 tỉ USD), chiếm 22,7% GDP 2006. Giá trị vốn hóa của thị trường đã vượt mục tiêu của năm 2010 (từ 10 -15% GDP).

 

TTCK Việt Nam đã có tới 100.000 tài khoản giao dịch, tăng gấp 30 lần so với năm đầu tiên. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là 1.700, nắm giữ từ 25-30% số lượng cổ phiếu của toàn thị trường. Trong 6 năm hoạt động, tổng giá trị thanh toán của TTCK qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (ngân hàng chỉ định thanh toán của TTCK) đạt 240.000 tỉ đồng thì chỉ riêng trong năm 2006 giá trị thanh toán đã là 150.000 tỉ đồng.

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN - cho biết, hướng sắp tới là Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDK) TPHCM sẽ được chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán. Trong giai đoạn đầu, Sở giao dịch sẽ được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH và đến năm 2010 thì tiến hành cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán. TTGDCK Hà Nội cũng sẽ được tách ra khỏi UBCKNN thành công ty TNHH do Nhà nước sở hữu.

 

Ông Bằng nhấn mạnh: “Năm 2007, TTCK sẽ tập trung vào chất lượng phát triển nhiều hơn, thị trường OTC (các loại cổ phiếu chưa niêm yết - PV) sẽ được đưa vào khuôn khổ để giảm rủi ro cho nhà đầu tư”.

 

... và những phát biểu gây sốc

 

Trong phần phát biểu của mình, ông Vũ Bằng thừa nhận: “TTCK vẫn chưa phải là phong vũ biểu của nền kinh tế do các tập đoàn lớn của Việt Nam vẫn chưa được gia nhập. Thị trường OTC thì cực kỳ rủi ro vì hoạt động theo tin đồn và nhiều tin rất không chính xác. Bên cạnh đó, công tác giám sát thị trường còn nhiều hạn chế...”.

 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn nhận xét: “TTCK thì có phát triển nhưng nếu như nhà đầu tư nước ngoài mua thì giá lên, còn bán thì giá xuống. Rõ ràng là thị trường không ổn”.

 

Trong phần tham luận của mình, ông Trần Bắc Hà - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam nhận xét ngắn gọn: “Ấn tượng, phấn khởi nhưng còn đôi chút băn khoăn”. Cụ thể: “TTCK phát triển rất nhanh nhưng số lượng vốn được huy động phục vụ cho tăng trưởng trực tiếp của nền kinh tế là bao nhiêu? Đây là một điều khiến chúng tôi băn khoăn”.

 

Tiếp đó, ông Hà đặt câu hỏi: “Trong cơ chế nhập nhằng và còn nhiều kẽ hở này, cần phải kiểm tra xem liệu có sự liên minh, thao túng giá cả cổ phiếu để trục lợi cá nhân trên TTCK hay không?”. Ông Hà cũng nhận xét là các thông tin từ các công ty niêm yết thường không được giám định: “Tôi cũng có biết một số người trục lợi cá nhân ở đây chứ không phải là không biết. Nhưng tôi biết nói sao đây về chuyện này?”. Ông Hà cũng kiến nghị UBCKNN cần phải đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng lũng đoạn, làm giá trên thị trường như hiện nay.

 

Đặt vấn đề này với ông Vũ Bằng, ông Bằng từ chối trả lời. Tuy nhiên, trong phần phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Anh Bắc Hà có nói đến chuyện lũng đoạn thị trường, tôi nghĩ chắc là có nhưng quy mô đến mức nào thì phải phân tích thêm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhà đầu tư cứ lao vào mua cổ phiếu mà không cần biết công ty đó có doanh thu, lợi nhuận... ra sao thì là một vấn đề rất cần suy nghĩ”.

 

Theo H.L

Thanh Niên