Có hay không việc một học sinh trường Xiếc tự tử vì không được thi tốt nghiệp?
(Dân trí) - Dư luận vừa qua rộ lên thông tin học sinh Ngô Đắc Thắng của Trường Xiếc Việt Nam “tự tử bất thành” sau khi tác phẩm dự thi tốt nghiệp của em bị nhà trường đình chỉ. Theo hiệu trưởng nhà trường thì đây là vụ việc chưa từng có trong lịch sử trường Xiếc.
Sáng qua 20/8, lãnh đạo nhà trường đã có buổi làm việc với báo chí về vụ việc này.
Nội dung “bế tắc”, nhạc nền tục tĩu
Bài dự thi tốt nghiệp của em Ngô Đắc Thắng là tác phẩm “Xếp gạch”, với sự hướng dẫn của giáo viên Dương Văn Tạo. Theo báo cáo của ông Tạo thì nội dung tác phẩm phản ánh hiện thực cuộc sống của một trẻ đi nhặt rác, có giấc mơ trở thành diễn viên xiếc. Thể hiện giấc mơ, em bé chui ra ra từ trong túi vải, biểu diễn các động tác xiếc (động tác xếp gạch). Tỉnh giấc mơ, em bé trở lại với thực tế cuộc sống là kẻ lang thang cơ nhỡ đi nhặt rác.
Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh cho biết: Từ ngày 18/6, ông đã nhận xét tác phẩm “Xếp gạch” được dàn dựng với chủ đề tư tưởng không trong sáng, phần kết thúc không lối thoát và không có hậu.
Ngày 27/7, ông Khánh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thi, yêu cầu ông Tạo phải bỏ chi tiết cho học sinh xuất hiện trên sân khấu bằng hình thức chui ra từ trong túi vải mô phỏng một túi nhặt rác; nếu không thay đổi sẽ không cho “chạy” chương trình vào hôm sau.
Tuy nhiên, theo ông Khánh thì đến hôm sau, ông Tạo báo cáo lại với Hội đồng thi là “không sửa nội dung chủ đề tư tưởng, cho thi thì cho, không cho thi thì thôi”. Tác phẩm sau đó đã không được “chạy”. Những người trong hội đồng cũng như các giáo viên tiếp tục vận động ông Tạo sửa tác phẩm, nhưng không có kết quả.
Chiều 28/7, Hội đồng nghệ thuật họp và nhất trí ra quyết định đình chỉ tiết mục. Trong cuộc họp, một thành viên đã đề nghị thẩm định lại ca từ nhạc nền của tác phẩm vì có “nhiều tiếng khạc, nhổ”. Chiều cùng ngày, Hội đồng thống nhất ca từ tác phẩm không lành mạnh.
Sáng 29/7, bà Lê Hằng - Phó Phòng đào tạo nhà trường - đã thông báo trực tiếp với ông Tạo rằng ngày hôm sau vào nhận quyết định đình chỉ tiết mục. Bà Hằng cũng đề cập ca từ của tác phẩm dùng làm nhạc nền có vấn đề. Ông Tạo nói đã biết điều này, nhưng ông bảo nhạc nền chính thức là một bản khác, lời Việt, ông muốn được giữ bí mật đến hôm thi.
Theo ông Khánh và bà Hằng, nhà trường đã quy định các tác phẩm phải được duyệt tổng thể mới được thi, chứ không thể “giữ bí mật”. Hơn nữa, những buổi “chạy” chương trình sẽ được chấm điểm vòng 1, trong trường hợp học sinh bị chấn thương vào hôm thi thì điểm vòng 1 sẽ được dùng làm kết quả tốt nghiệp.
Ngày 30/7, ông Tạo gửi đơn đề nghị xem xét lại lần cuối bài thi “Xếp gạch” đã được chỉnh sửa. Đơn đề nghị này đã được đọc trước Hội đồng nghệ thuật. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, thực tế ông Tạo không hề chỉnh sửa tác phẩm. Cùng ngày, quyết định đình chỉ tiết mục thi tốt nghiệp “Xếp gạch” đã được Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh ký. Ông Khánh cho biết, chiều hôm đó, em Thắng đã được gọi lên để thông báo.
Cũng theo ông Khánh, quyết định đình chỉ thi tốt nghiệp được đọc lên trước hội trường vào ngày 31/7 - ngày thi tốt nghiệp - vì ông Tạo coi như không biết quyết định này, vẫn cho em Thắng đi thi.
Ông Khánh nhấn mạnh, việc đình chỉ thi một tác phẩm phản cảm, bế tắc và có nhạc nền tục tĩu như “Xếp gạch” là hoàn toàn đúng.
“Không có việc tự tử”
Cả ông Hoàng Minh Khánh lẫn bà Lê Hằng cùng khẳng định: không hề có việc em Ngô Đắc Thắng tự tử ngay sau khi nghe đọc quyết định đình chỉ thi. Nhà trường có băng ghi hình toàn bộ buổi thi tốt nghiệp hôm đó; theo băng hình này thì em Thắng có mặt tại đó đến tận trưa rồi cùng các bạn trở lại lớp.
Ông Quản Trọng Hiếu, người quản lý học sinh ngoài giờ, cho biết không hề nghe thông tin về vụ tự tử nào trong khu ký túc. Giáo viên chủ nhiệm lớp em Thắng cũng thừa nhận chỉ biết thông tin qua báo chí.
Chị Hồng Thuý, công tác tại đội an ninh, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), phụ trách tại khu văn công Mai Dịch cho biết, các bạn của em Thắng đều khẳng định không hề có chuyện Thắng đâm đầu vào cửa tự tử. Thực tế khi về phòng, do bức bối vì không được thi, Thắng có đấm tay vào cánh cửa phòng và bị trầy da, chảy máu.
Hiệu trưởng Hoàng Minh Khánh bày tỏ, điều ông lo ngại nhất chính là việc một số người có tư tưởng không lành mạnh có thể làm em Thắng hoang mang, bị áp lực và thiếu định hướng, thậm chí có suy nghĩ cực đoan.
Về giáo viên Dương Văn Tạo, ông Khánh cho rằng, trong lịch sử ngành xiếc, lần đầu tiên có một giáo viên chống đối cực đoan như vậy. Ông Khánh cũng khẳng định giữa ông và giáo viên Tạo chưa từng có mâu thuẫn gì. “Kể cả khi anh Tạo có những câu nói khiếm nhã, không đúng mức độ tôi vẫn không cho đó là mâu thuẫn” - ông Khánh nhấn mạnh.
Kim Tân