Cô giáo Việt 14 năm cống hiến nơi xứ người
(Dân trí) - Đến nay, 14 năm xa Tổ quốc thì có đến 10 năm cô giáo Phương cống hiến cho nền giáo dục Ănggola. Xa gia đình nhưng bà vẫn tự hào là hậu phương vững chắc nuôi dưỡng tài năng cho ba nhà khoa học của gia đình.
Người phụ nữ Việt với sứ mệnh cầu nối bang giao Việt Nam - Ănggola
Bà Nguyễn Lan Phương sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình có bảy anh chị em. Ngay từ nhỏ, cô bé Nguyễn Lan Phương đã biết tạo cho mình một cuộc sống tự lập. Bố đi làm cách mạng triền miên không về nhà, một mình mẹ vất vả nuôi bảy anh chị em. Thương bố mẹ, cô bé Phương tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để không phụ công sinh thành dưỡng dục. Và những nỗ lực không ngừng của Phương đã đơm hoa kết trái.
Bà Nguyễn Lan Phương là một trong 2 Việt kiều Ănggola được Ủy ban nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài (Bộ Ngoại Giao) mời tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội dịp vừa qua. |
Những năm tháng học trò, dù vừa học tập, vừa phải sơ tán chạy máy bay giặc khắp các vùng quanh Hà Nội, cô bé Nguyễn Lan Phương vẫn liên tục đoạt danh hiệu học sinh xuất sắc và được cử đi thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc năm 1966. Ngay năm sau, trong niềm hạnh phúc vỡ òa, Phương nhận được giấy triệu tập của Bộ Đại học và chuyên nghiệp quyết định cử đi học đại học chuyên ngành Vật lý lí thuyết tại Rumani.
Năm 1971, sau bốn năm học tập trên đất bạn và trở về với tấm bằng xuất sắc, bà được phân về giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Đam mê tìm tòi và nghiên cứu khoa học, năm 1977 bà đã trở thành một trong những lớp thạc sĩ đầu tiên được đào tạo thành công tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Gần hai mươi năm giảng dạy và cống hiến tại ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trong quãng thời gian dài cần mẫn với sự nghiệp “trồng người”, những danh hiệu cao quý như: Giáo viên dạy giỏi toàn thành phố, Người tốt việc tốt Thủ đô… là sự động viên tinh thần thiêng liêng và cao quý nhất đối với cô giáo Nguyễn Lan Phương.
Rồi một bước ngoặt lớn đã khiến cuộc đời bà rẽ sang một hướng khác để trở thành chiếc cầu nối cho mối bang giao và tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam - Ănggola. Năm 1989, khi mối quan hệ hữu nghị hai nước đã trở nên thân thiết, nhà nước Ănggola quyết định nhờ Chính phủ Việt Nam tập hợp giúp một đội chuyên gia trẻ sang nước bạn giúp cải tiến và nâng cao nền giáo dục. Ngay sau khi thi tuyển thành công, cô giáo Phương đã cùng đoàn chuyên gia Việt Nam lên đường sang nước bạn.
Người phụ nữ thầm lặng phía sau ba nhà khoa học
Ở tuổi 61, vẻ đẹp mặn mà của người con gái Hà Thành vẫn còn vương vấn trên khuôn mặt bà Nguyễn Lan Phương. 15 năm xa gia đình, xa Tổ quốc, hạnh phúc lớn nhất của bà là trở thành “hậu phương” vững chắc và thầm lặng nuôi dưỡng tài năng cho ba nhà khoa học cống hiến cho Tổ quốc.
Nói về chồng, dịch giả - kiến trúc sư Lê Phục Quốc, giọng bà sôi nổi, không giấu được niềm tự hào. Cho đến tận bây giờ, trải qua bao gian truân và thử thách, ông vẫn mãi là người chồng mà bà thần tượng: một nhà khoa học tài năng và cần mẫn đến “không thể tưởng tượng nổi” như lời bà nói. Bà nâng niu mang từ giá sách cho chúng tôi xem công trình mới nhất của kiến trúc sư Lê Phục Quốc: Cuốn “Bách khoa thư kiến trúc, hội họa, điêu khắc, đồ họa, nghệ thuật trang trí” vừa xuất bản năm 2010 dày gần 1.300 trang với một nguồn kiến thức tưởng như vô tận từ đông, tây, kim, cổ của khắp các nền văn hóa trên thế giới.
Tình yêu bà dành cho ông hàm chứa biết bao niềm cảm phục tài năng. Là một trong những dịch giả đầu tiên được nhà nước cử đi học tiếng Nga tại Moscow, kiến trúc sư Lê Phục Quốc đã dịch 15 cuốn sách tiếng Nga cùng nhiều tài liệu về kiến trúc bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ba Nha, Trung Quốc… sang tiếng Việt.
Niềm tự hào thứ hai của bà Phương là sự thành đạt của hai người con trai: Anh Lê Thanh Hà và anh Lê Quốc Cường. Cả hai anh em cùng học đại học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Công nghệ thông tin. Anh cả Lê Thanh Hà đã bảo vệ thành công thạc sĩ tại Sydney - Úc, hiện làm việc cho hãng máy tính IBM chi nhánh tại Việt Nam. Em trai Lê Quốc Cường bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tại Paris - Pháp, hiện vừa nghiên cứu vừa làm việc cho tập đoàn điện tử Panasonic.
Thế Cường