Cô giáo trẻ dành tuổi thanh xuân "gieo chữ" cho học sinh vùng cao
(Dân trí) - Trong 4 năm gắn bó, cô giáo Giàng Thị Mỷ trải qua bao khó khăn, vất vả, song người giáo viên trẻ luôn tâm huyết mở ra cánh cửa tri thức cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa.
Khi đến thăm điểm trường Hoàng Trù Văn (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), mọi người vẫn thường nhắc đến cô giáo trẻ Giàng Thị Mỷ (SN 1995) - người luôn tâm huyết với nghề và dành tình yêu thương cho các em học sinh.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Lai Châu, cô giáo Giàng Thị Mỷ thi đỗ viên chức và nhận công tác tại chính quê hương mình.
Cô Mỷ cho hay, Hoàng Trù Văn là điểm bản khó khăn nhất của xã, cách trung tâm thành phố 20km, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Sau 3 năm gắn bó, cô giáo trẻ tự nguyện xin ở lại để tiếp tục được giảng dạy tại điểm trường xa nhất của xã. Được biết, bản có 34 hộ dân, nằm rải rác dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, 100% cư dân là đồng bào dân tộc H'Mông.
Cô Mỷ tâm sự: "Hàng ngày, các em học sinh 3 - 6 tuổi phải đi bộ khoảng 4km đến trường học". Nhiều gia đình nơi đây chưa coi trọng việc học tập, cô giáo Mỷ phải đi bộ, trèo đèo, lội suối đến từng nhà, lên tận nương rẫy gặp phụ huynh vận động cho con em đi học.
Trong thời gian đầu mới về nhận công tác, cô Mỷ phải gửi con để nhờ ông bà chăm sóc. "Mỗi lần tôi đi dạy, con lại khóc. Vì trường không có sóng điện thoại nên rất khó liên lạc về với gia đình", cô Mỷ ngậm ngùi.
Nhớ lại thời điểm khó khăn ban đầu, cô giáo trẻ xúc động: "Mọi sinh hoạt của tôi vỏn vẹn trong căn phòng 3m2, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa đông lạnh thấu xương. Nhiều lúc tôi tủi thân, cảm thấy nản lòng nhưng nghĩ thương các em học sinh nên tự động viên mình cố gắng".
Trước đây, cơ sở vật chất tại điểm trường còn thiếu thốn, có duy nhất khung nhà và ít đồ dùng dành cho học sinh mầm non. Hằng ngày, các em phải tự mang cơm đựng trong âu nhựa, túi nilon để ăn.
Bằng tình yêu thương với học sinh, cô giáo trẻ đã chủ động tìm sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, thông qua việc chia sẻ hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt, bữa ăn của các em.
Hiện tại, ngôi trường đã được xây dựng lại khang trang, sạch sẽ, cơ sở vật chất được trang bị đáp ứng nhu cầu học tập. Những bát cơm nguội với muối trắng của học sinh được thay bằng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Sau 4 năm gắn bó, cô Mỷ chia sẻ, nếu năm tới tiếp tục được phân công ở lại trường giảng dạy vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Cô Mỷ bày tỏ: "Tất cả hành động của tôi bắt nguồn từ tình yêu với nơi mình sinh ra, các em học sinh trở thành một phần tuổi trẻ. Tôi hy vọng các em học sinh sẽ chăm ngoan, giữ gìn cơ sở vật chất tốt, học tập ngày càng tiến bộ."