Cô gái Việt bên dòng sông Chao Phraya
Trương Thị Ái Vy đến Trung tâm Bảo vệ và cơ hội việc làm Kredtrakarn (tỉnh Nonthaburi, Thái Lan) đã tám tháng nay. Nụ cười tươi thật khác với câu chuyện buồn của cuộc đời cô gái 23 tuổi này.
Cuộc trốn thoát và giấc mơ về nước
Ái Vy hiện đang sống tại nhà dành cho phụ nữ và trẻ em thuộc Trung tâm Kredtrakarn. Mỗi ngày Vy đến trung tâm huấn luyện học nghề thêu, may.
Thời gian rảnh, Vy chăm sóc một đứa bé VN 6 tuổi tên Trang, con của một phụ nữ Việt lỡ có thai khi hành nghề mại dâm tại Thái Lan (theo lời Vy, hiện không biết đang sống ở đâu).
“Tôi trốn từ Malaysia” - Vy kể. Những tháng cuối năm 2004, Ái Vy đang làm tiếp viên tại một quán karaoke ở Malaysia. Chuẩn bị cho bầu cử nên tất cả hàng quán karaoke nước này đều bị ngưng hoạt động.
“Tôi bị ép đến đây làm việc nên lúc nào cũng muốn bỏ trốn” - Vy nhớ lại. Cô cùng ba người VN nữa leo cửa sổ phòng trọ (nhà trọ luôn bị chủ quán karaoke khóa trái cửa) thoát ra ngoài. Một người đàn ông Trung Quốc tên Khiêm đã giúp cô mua vé xe đò sang Thái Lan.
Vừa đến đây cô bị cảnh sát giữ lại, đưa về Trung tâm Kredtrakarn. “Tôi chỉ muốn về nước” - Vy lặp đi lặp lại mãi câu nói này.
Nhà Vy ở Buôn Ma Thuột, có bốn chị em. Mẹ mất khi Vy 6 tuổi, còn em út của Vy mới được 15 ngày tuổi. 10 năm sau, cha có vợ khác. Người mẹ kế thường xuyên đánh đập, la mắng chị em Vy. 16 tuổi, Vy xách giỏ nhảy lên xe đò vào Sài Gòn, trong túi chỉ đủ tiền xe và bữa ăn đầu tiên tại bến xe miền Đông.
“Nghe nói ở thành phố có nhiều việc làm” - Vy nghĩ vậy. Đi bộ hết đường này đến đường khác, từ Bình Thạnh sang tận quận Tân Bình, gặp đâu có bảng “cần người” là vào hỏi. Một quán cà phê ở Tân Bình nhận Vy vào làm.
Bốn năm làm ở Sài Gòn cô thay đổi nhiều công việc: giúp việc nhà, phụ bán phở, nhiều nhất là bán cà phê, thay đổi quán liên tục. Một lần, một người đàn ông tới uống cà phê và hỏi cô có muốn đi Malaysia làm việc với mức lương 2.000-3.000 USD/tháng không.
Suy nghĩ, tưởng tượng, náo nức..., sau đó cô gật đầu. Cô không biết rằng cái gật đầu ấy đã đẩy cô vào một con đường khác để bây giờ trở thành số phận của Vy nơi xứ người.
Ác mộng
Người đàn ông đưa Vy sang Campuchia bằng xe đò. Ở Campuchia một tuần, Vy được đưa sang Malaysia cũng bằng xe đò. “Trong suốt thời gian đó tôi được gặp mặt ông ta đúng hai lần” - Vy kể. Tại Malaysia, cô được dẫn tới một quán karaoke. Lúc này Vy mới biết mình bị bán.
Ông chủ quán karaoke giải thích: người đàn ông nọ trích ra 500 USD để lo chi phí cho cô từ VN sang đây. Chủ quán mua lại Vy với số tiền 2.000 USD. Và Vy phải làm việc không lương cho đến khi trả hết 2.000 USD cho chủ quán karaoke.
“Tôi sống giống như ở tù” - Vy nói. Vy và 16 tiếp viên khác (trong đó có 12 người VN) sống trong một căn phòng khoảng 24m2. Các cô phải trả tiền nhà trọ ngay trong căn nhà cửa luôn bị khóa trái!
Mỗi ngày có người đến đưa cơm cho ăn, nói giá bao nhiêu phải trả bấy nhiêu, thường cao gấp đôi so với giá đúng của nó. 17h họ lại tới dẫn tất cả đến quán karaoke làm việc. Khoảng hai tháng một lần, tất cả mới được ra ngoài đi chợ mua sắm những vật dụng cần thiết.
“Không có lương, chúng tôi chỉ sống bằng tiền boa” - Vy nói. Công việc của tiếp viên là đứng phục vụ ở các bàn có khách uống cà phê.
Những người khách chọn lựa cô nào tùy ý để cùng vào phòng hát karaoke. “Khi đèn bàn chỗ tôi đứng bật sáng nghĩa là có khách gọi - Vy kể - Chúng tôi ngồi gần khi khách hát karaoke, hát cùng họ, nói chuyện và lả lơi với họ”.
Khi mới vào Vy phải học những bài hát tiếng Malaysia hoặc Trung Quốc và tập uống thuốc lắc. “Không thể không uống vì tất cả những người khách vào đây đều uống” - Vy nói. Lần đầu tiên cô uống 1/4 viên, “tôi thấy người mình lâng lâng và chỉ muốn khóc”.
Giờ đây Vy kể lại nhưng tay trái có vết xăm hình ngôi sao trên cổ tay của cô vẫn nắm chặt lại: “Thật khủng khiếp. Đó là một người đàn ông Mỹ to lớn. Tôi sợ quá, hét lên và chạy ra ngoài. Những tiếp viên khác bảo rằng tôi không thể nào làm gì khác đâu. Và tôi phải quay về phòng”.
Những ngày sau đó cô gái mới qua tuổi trăng tròn này tăng đô thuốc lắc lên một viên, hai viên, ba viên. “Rồi một lúc năm viên vẫn không thấy “xi nhê” gì” - Vy nói và cho biết thêm có nhiều tiếp viên bị xỉu vì uống quá nhiều thuốc.
Sau mỗi lần tiếp khách, có khách sộp “boa” 100 đồng tiền Malaysia, có khách cho 50 đồng, có khách chỉ 20 đồng, có khách không cho đồng nào cả. Làm thế nào để bảo vệ mình khỏi bị bệnh? “Tất cả chúng tôi được dạy phải bắt khách dùng bao cao su” - Vy cho biết.
Khiêm - người đàn ông thường cho đèn sáng ở bàn của Vy - đã giúp Vy trốn thoát. “Đó là người đàn ông tốt bụng nhất mà tôi gặp trong suốt một năm ở Malaysia. Ngoài tiền mua vé xe đò sang Thái, ông còn cho tôi thêm 500 đồng tiền Malaysia để tiêu dọc đường” - Vy nói. Thời điểm đó Vy đã trả nợ đủ 2.000 USD tiền “bị bán” mình.
Không thể nhớ hết đây là lần thứ mấy Vy lặp lại ước mơ của mình: “Nay tôi đang ở Thái Lan nhưng gia đình tôi không còn ở Buôn Ma Thuột nữa. Trung tâm Kredtrakarn đang tìm địa chỉ mới của gia đình tôi nhưng chưa ra. Tôi chỉ muốn về VN”.
Trung tâm Kredtrakarn, nơi chúng tôi trò chuyện nằm bên dòng sông Chao Phraya êm đềm. Cơn mưa đầu mùa ập đến trên mặt sông. Khi chúng tôi rời khỏi Kredtrakarn, Vy vẫn ở đó với dòng sông chìm trong cơn mưa mới. Ước muốn của Vy còn bao lâu nữa sẽ đến?
Theo Tuổi Trẻ