1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Thanh Hóa

Cô đồng chữa bệnh bằng... nước lã

Tin đồn về cô đồng Huế ở thôn Thạch Lỗi, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) chữa bách bệnh bằng... nước lã được lan truyền rộng rãi. Ngày ngày hàng trăm người bệnh từ các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa lũ lượt đổ về nhà cô đồng Huế để xin... “nước thánh”.

Hàng trăm người bệnh "chầu chực" quanh căn nhà lá lụp xụp của vợ chồng cô đồng Huế để chờ lấy... nước. Một người hàng xóm của cô đồng Huế cho biết, vào khoảng tháng 2, sau một cơn mơ, Quách Thị Huế (sinh năm 1976) đã tự xưng là đệ tử của ông Hoàng Mười, được giao "nhiệm vụ" xuống trần để chữa bệnh cứu dân. Thuốc chữa bệnh chỉ là nước lã đun sôi, để nguội lấy tại giếng nhà, rồi được cô đồng Huế niệm chú, phù phép, các con bệnh uống vào thì bách bệnh sẽ tiêu tan. Thời gian đầu, mỗi ngày cũng chỉ có khoảng vài chục người đến lấy nước, nhưng gần đây, số người đến tăng lên một cách đột ngột, bình quân khoảng 300 người/ngày, ngày cao điểm có khi lên tới cả 500 người.

 

Sau khi đăng ký tên, địa chỉ, ghi rõ căn bệnh đau dạ dày mãn tính vào một tờ giấy, khách phải chầu chực gần 3 giờ đồng hồ mới được người giúp việc của cô đồng cho phép vào "diện kiến". Trước mắt là một điện thờ với 7 bát hương nghi ngút khói, trước điện đặt 4 thùng nước, mỗi thùng khoảng 50 lít (chẳng biết có được đun sôi thật hay không). Cô đồng Huế là một nông dân gầy đen đang chắp tay trước điện lầm rầm cầu khấn, rồi cô lấy một tấm gương soi vào các thùng nước làm phép ra điều huyền bí lắm. Bên cạnh cô đồng là hai đệ tử thành kính múc từng cốc nước đặt lên điện thờ, rồi lại lấy xuống đưa cho các con bệnh uống, bôi, hoặc đổ vào lọ đem về. Cái bệnh đau dạ dày mãn tính, cùng với các loại bệnh khác như ung thư vú, vô sinh, mắt mù, tràn dịch màng phổi, tai biến mạch máu não và cả bệnh nghiện rượu cũng được cô đồng Huế "diễn" một quy trình và uống cùng một loại nước. Lấy nước xong, người bệnh sẽ tùy tâm đặt tiền vào chiếc khay trên điện.

 

Hiện tượng mang tính chất mê tín dị đoan như vậy đã xảy ra trong nhiều tháng nhưng các cấp chính quyền ở Thạch Thành vẫn không hề có động thái kiên quyết nào để xử lý. Bác sĩ Lê Văn Lộc - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành, không giấu được sự bức xúc: "Chuyện chữa bệnh bằng nước lã của cô đồng Huế thật là hoang đường và nhảm nhí hết sức. Nó diễn ra trong một thời gian khá dài, Trung tâm y tế huyện cũng đã nhiều lần có kiến nghị nhưng vẫn không được chính quyền sở tại ra tay xử lý. Nhiều người bệnh sau một thời gian được cô đồng “chữa trị”, bệnh cũ lại càng tái phát nặng thêm...". Còn ông Hà Nguyễn Hồng - Chủ tịch UBND xã Thành Tân thì thừa nhận: "Bản thân cô Huế không phải là một lang y, không có giấy phép hành nghề chữa bệnh. Chính quyền cũng đã xuống kiểm tra và ra thông báo yêu cầu cô Huế không được hành nghề mê tín dị đoan, chữa bệnh trái quy định, thế nhưng cô Huế vẫn ngang nhiên hành nghề".

 

Việc hành nghề mê tín dị đoan, tự xưng là thần thánh của Quách Thị Huế đã kéo theo một số dịch vụ ăn theo phát sinh như nhà trọ, bảo vệ, giữ xe, hàng quán. Các hộ kinh doanh này thường tranh khách, tranh mối làm cho đời sống yên bình của bà con bị xáo trộn, gây tâm lý hoang mang cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự, vệ sinh môi trường của địa phương.

 

Nhiều người dân ở xã Thành Tân khẳng định, việc chữa bệnh của cô đồng Huế chỉ là một trò lừa đảo, bởi ở xã này chẳng có ai đến nhà Huế lấy nước chữa bệnh cả. Người đến nhà Huế chủ yếu là những người nghèo và đồng bào dân tộc ở các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình mù quáng tin vào thần thánh mà thôi.

 

Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm