1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có dấu hiệu “chạy” quy hoạch ở nút giao thông Thanh Xuân

Dự án xây dựng nút giao thông Thanh Xuân trên đường vành đai 3 Hà Nội là một trong những dự án lớn của Thủ đô. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được gấp rút tiến hành. Tuy nhiên, 250 hộ dân tại 3 tổ dân phố của phường Thanh Xuân Trung đang rất bức xúc vì không hiểu tại sao, nút giao thông này lại được xây dựng theo kiểu rất lạ mắt: hai góc to và hai góc bé.

Đây là sự cách tân trong thiết kế giao thông nội đô, hay là đã có sự bất minh trong dự án này…? 

Những thắc mắc không hề vô lý

Ngày 30/7/2006, đại diện 250 hộ dân tại 3 tổ dân phố 56, 57 và 58 phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gửi đơn tới báo chí thắc mắc xung quanh việc GPMB phục vụ Dự án xây dựng nút giao thông Thanh Xuân. Có nhiều nội dung được nêu trong lá đơn đó, nhưng tựu trung, những thắc mắc của các hộ dân nơi đây toát lên một điều: thông tin mà họ được cung cấp rất mập mờ.

Tháng 7/2003, các hộ dân nơi đây được yêu cầu kê khai đất để phục vụ công tác di dời, GPMB cho Dự án xây dựng nút giao thông Thanh Xuân với chỉ giới đỏ tiếp giáp đường vành đai 3 Hà Nội theo quy hoạch của Thành phố Hà Nội tới năm 2020. Tài liệu được phát cho người dân bao gồm nhiều văn bản khác nhau, trong đó có bản đồ chi tiết nút giao Thanh Xuân và hồ sơ thiết kế nút giao đó.

Không cần phải có kiến thức về quy hoạch, về năng lực thẩm mỹ của ngành kiến trúc hay kiến thức về vận tải và giao thông đô thị, những người dân cũng có thể phát hiện ra ngay rằng, đường vành đai 3 được thiết kế có sự chênh lệch rất lớn: chiều đi từ Hà Nội đến Hà Đông chỉ bằng 1/3 chiều ngược lại.

Với thiết kế “lệch” như thế, 2/4 góc của nút giao sẽ có diện tích cần phải GPMB lớn gấp nhiều lần phần đối diện và vì thế, người dân nơi đây cho rằng, đáng lẽ họ sẽ không phải di dời, nếu cơ quan lập quy hoạch và nhà thiết kế xây dựng một nút giao cân bằng như vẫn thường thấy ở khắp nơi.

Đơn thư khiếu nại được gửi đi khắp các cơ quan có liên quan, từ UBND Thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đến Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT)… Cuối cùng, nhận ra sự lệch bất thường đó, ngày 26/8/2003, Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 401/TB-UB-BGTVT kết luận: “Giao cho Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) điều chỉnh nút giao thông Thanh Xuân theo hướng thiết kế hoàn chỉnh cân đối 4 góc của nút, thỏa thuận với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, sớm trình Bộ quyết định”.

Lệch vẫn hoàn lệch

Sau khoảng 3 năm, kể từ cái ngày mà người dân ở đây nhận thấy “sự công bằng được tái lập”, đầu tháng 6/2006, các hộ dân trên lại nhận được yêu cầu kiểm kê đất ở, tài sản trên đất để chuẩn bị giải tỏa và hoàn thành công tác di dân trong tháng 9/2006. Điều đáng nói là, danh sách những hộ dân nằm trong diện giải tỏa theo phương án “lệch” trước đây… vẫn y nguyên.

Hay nói đúng hơn, sau những nỗ lực của người dân, ý kiến kết luận của các cơ quan hữu trách, nghiên cứu của cơ quan quy hoạch và thiết kế, nút giao Thanh Xuân… vẫn lệch như cũ. Tuy nhiên, theo những thông tin riêng mà phóng viên Báo Đầu tư có được, nút giao Thanh Xuân sẽ vẫn xây cân bốn góc cắt, chỉ có GPMB là lệch.

Theo đơn thư kiến nghị của người dân, phía cơ quan thực hiện công tác GPMB (Ban quản lý Dự án Thăng Long - Bộ GTVT) còn định lừa dân bằng cách cắt đuôi văn bản nọ ghép vào đầu văn bản kia.

Ông Nguyễn Đức Tảo (số nhà 42 ngõ 335 đường Nguyễn Trãi) cho biết: “Cán bộ của Ban quản lý Dự án Thăng Long đưa tài liệu cho các hộ dân, nhưng lại ghép tờ cuối cùng của văn bản số 401 của Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội vào sau Công văn số 406/QHKT/P1 để đánh lừa dân, coi như không có sự chỉ đạo thay đổi nào hết trong quá trình thực hiện dự án”.

Ngay sau khi sự bất thường đó bị các hộ dân phát hiện, các cán bộ của Ban quản lý Dự án Thăng Long cho rằng, đó là “lỗi của văn thư khi phô tô tài liệu” (!?).

Ngày 18/8/2006, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Hải Đông, Trưởng phòng quản lý Dự án 3, người trực tiếp phụ trách vấn đề này của Ban quản lý Dự án Thăng Long. Ông Đông cho rằng, Ban quản lý Dự án Thăng Long hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật và theo sự chỉ đạo của cấp trên trong việc thực hiện công tác kiểm đếm để di dân phục vụ cho dự án này. Vậy “cấp trên” là ai? Ông Đông giải thích, “cấp trên” là Bộ GTVT và UBND Thành phố Hà Nội.

Theo thông tin mà ông Đông cung cấp, “cấp trên” đã quyết định đường vành đai 3 của Hà Nội sẽ được tiến hành xây dựng theo hai giai đoạn: giai đoạn I là xây dựng cầu vượt trực thông, giai đoạn II là xây dựng cầu vượt liên thông. Vì thế, công tác GPMB được Ban quản lý Dự án Thăng Long tiến hành là phù hợp với quy hoạch trên.

Đây là thông tin hoàn toàn mới, nếu so với những thông tin mà 250 hộ dân phường Thanh Xuân Trung đã nhận được và cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư. Vì thế, sự nghi hoặc của những người dân nơi đây về sự mập mờ, khi úp khi mở trong việc cung cấp thông tin cho người bị tác động bởi dự án là hoàn toàn có cơ sở.

Trả lời câu hỏi, tại sao lại có phương án xây dựng nút giao thông “lệch” lạ kỳ như vậy, có tiến hành cân chỉnh hay không và cân chỉnh theo hướng nào, ông Đông cho rằng, đó là quyết định của cấp có thẩm quyền. Mặc dù vậy, hiện tại, công tác GPMB vẫn đang được thực hiện theo phương án “lệch”.

Có dấu hiệu “chạy” quy hoạch?

Trao đổi với chúng tôi, ngày 12/8/2006, các ông Lê Anh Đào (nhà 24/335 đường Nguyễn Trãi), ông Đinh Mạnh Thiện (18/335 đường Nguyễn Trãi), bà Phạm Thị Diên (333 đường Nguyễn Trãi), đại diện cho hộ dân phải di dời của 3 tổ dân phố thuộc phường Thanh Xuân Trung cho biết, tại buổi trao đổi ngày 27/7/2006, hầu hết các cán bộ của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đều không biết rằng, đã từng có văn bản số 401. Thậm chí, ông Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội còn phải xin các hộ dân được phô tô văn bản đó… để nghiên cứu (!).

Vậy thì làm sao và ai có thể đưa ra được lời giải thích về sự vô hiệu của một văn bản quan trọng đến vậy?

Sự nghi hoặc của người dân nơi đây có lẽ xuất phát từ một thực tế là, sau khi làm “lệch” góc của nút giao thông thì nhà của một nguyên Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và nguyên Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cùng một số nhân vật “đi xe hơi biển xanh” khác tại khu vực sẽ ra mặt đường.

Bất ngờ là, ngay cả Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng có những ý kiến... rất lạ. Ngày 18/8/2006, cơ quan này đã có văn bản số 1336/QHKT-P1 kiến nghị thực hiện xây dựng nút giao này theo "phương án cân", nhưng phân kỳ nên giai đoạn đầu… tạm lệch. Sự lệch đó sẽ được duy trì cho tới khi các khu nhà cao tầng ở Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam… được đầu tư cải tạo và xây dựng lại.

Không chỉ nghi hoặc về việc “chạy” quy hoạch của một số cá nhân có chức quyền tại địa phương, những người dân quanh khu vực này có lẽ đã rất bức xúc khi biết rằng, một cơ quan xuất nhập khẩu và một tổng công ty xây dựng khá nổi tiếng của Bộ Xây dựng đã có dự án xây dựng những tòa nhà cao tầng vào chỗ giải phóng mặt bằng “thừa” ra sau khi nút giao thông Thanh Xuân hoàn thành.

Vì thế, dư luận đang đặt câu hỏi: những nghi ngờ của 250 hộ dân trên là có cơ sở hay không? Nút giao thông Thanh Xuân sẽ được xây dựng như thế nào? Ai là người có thể giải đáp được những nghi ngờ đó và quan trọng hơn, sau khi đưa ra những lời giải đáp, liệu những kết luận ấy có bị quên như văn bản số 401 hay không?

Theo Đầu tư