Có căn cứ pháp luật để công khai danh tính người đẹp bán dâm không?
(Dân trí) - Việc công khai thông tin của người bán dâm, người mua dâm không được pháp luật quy định cụ thể nên thông tin danh tính của những người này rất có thể sẽ không được công bố chính thức.
Liên quan đường dây môi giới mại dâm có một số người đẹp trong giới showbiz tham gia với giá lên tới 15.000 USD vừa bị Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá, dư luận đang xôn xao bàn tán, đồn đoán về danh tính hai người đẹp có tên viết tắt là T.T. và T.H. được cho là khá nổi trong giới showbiz, từng đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi hoa hậu, bị bắt vì hành vi bán dâm.
Đáng chú ý, nhiều người đẹp có tên bắt đầu bằng các chữ cái T.H. và T.T. bị dân mạng "réo tên" trong sự vụ ồn ào này, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường -Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết, dưới góc độ pháp lý thì pháp luật Việt Nam không cho phép hành vi mua dâm, bán dâm, môi giới mại dâm, chứa mại dâm. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, văn hóa, đạo đức con người Việt Nam.
Bởi vậy người thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm, môi giới mại dâm, chứa mại dâm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hành vi cụ thể.
Theo ông Cường, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định nghiêm cấm hành vi mua bán dâm và có nhiều biện pháp để giảm thiểu, kiểm soát hoạt động mua bán dâm tự phát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là thời gian gần đây Cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra những đường dây mua bán dâm có sự tham gia của nhiều người đẹp, người mẫu, thậm chí có những người đạt danh hiệu cao trong các cuộc thi hoa hậu.
Không chỉ Việt Nam, ở một số quốc gia cũng đã xuất hiện hiện tượng những người đẹp, thậm chí những người đã từng đạt giải cao trong các cuộc thi sắc đẹp tham gia vào các đường dây bán dâm giá cao khiến dư luận không khỏi bức xúc. Thêm vào đó là ở Việt Nam những năm gần đây có rất nhiều cuộc thi người đẹp, rất nhiều danh hiệu hoa hậu khác nhau. Số người từng dự thi hoa hậu ở Việt Nam hiện nay là rất lớn, trong đó hoàn toàn có thể xảy ra khả năng một số người sa ngã và trở thành gái bán dâm nên ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của những người đẹp chân chính.
Ở góc độ dư luận xã hội mà nói rằng "chân dài" cặp với đại gia hay những người đạt giải trong các cuộc thi sắc đẹp bán dâm thì rất nhiều người không bất ngờ, thậm chí tin ngay là sự thật bởi trong thời gian qua đã có nhiều vụ án môi giới mại dâm có những người đẹp có thứ hạng tham gia bán dâm với giá hàng ngàn USD đã bị phát hiện, bóc gỡ, bị phơi bày trước dư luận.
Bởi vậy trước những thông tin từ vụ án hình sự khiến nhiều người đồn đoán gái bán dâm có thể là những người đã đạt giải cao trong các cuộc thi hoa hậu.
"Để kết luận cá nhân nào tham gia bán dâm, bán cho ai giá bao nhiêu thì phải có chứng cứ và do cơ quan có thẩm quyền kết luận trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự hay trong các vụ việc phát hiện xử lý vi phạm hành chính về hành vi mua dâm, bán dâm", ông Cường nói.
Ông Cường cho biết thêm, dưới góc độ pháp luật thì đến nay hoạt động phòng chống mại dâm ở Việt Nam vẫn thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 14/3/2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2003 Và một số văn bản có liên quan.
Tuy nhiên, những người bán dâm không vì sợ phạt mà không bán, họ sợ nhất là bị công khai danh tính, bị mọi người phát hiện, cười chê, lên án. Bởi vậy các giải pháp phòng chống mại dâm không chỉ là xử phạt mà còn là thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trong đó có giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đặc biệt là cần siết chặt công tác quản lý những người đẹp, những người nghệ sĩ, người của công chúng.
Trong vụ việc môi giới mại dâm mà cơ quan điều tra vừa khởi tố có liên quan đến danh tính của một số cô gái đã từng đạt giải trong các cuộc thi người đẹp khiến dư luận nghi ngờ, đồn đoán về các hoa hậu, á hậu trong các cuộc thi gần đây, bởi vậy ban tổ chức đề nghị công khai danh tính của người bán dâm trong vụ án này.
Tuy nhiên yêu cầu này không có cơ sở pháp lý để cơ quan điều tra thực hiện. Việc công khai thông tin của người bán dâm, người mua dâm không được pháp luật quy định cụ thể nên thông tin danh tính của những người này rất có thể sẽ không được công bố chính thức.
Bởi vậy, cơ quan điều tra không thể công bố cụ thể thông tin của người bán dâm trong vụ án hình sự này là ai, theo quy định của pháp luật thì hành vi bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính và chưa có quy định, cơ chế để công khai thông tin người bán dâm nhằm bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của công dân.
Tuy nhiên, đối với người thực hiện hành vi môi giới mại dâm thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, để phòng ngừa chung cho xã hội thì có khi bị can trong vụ án môi giới mại dâm sẽ bị công khai danh tính.
"Mọi người cẩn thận trọng trước những thông tin trên không gian mạng, đồng thời thận trọng trong việc đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực tránh làm ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của người khác và bản thân có thể phải chịu những chế tài của pháp luật", ông Cường khuyến cáo.