1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nam:

Có bỏ lọt tội phạm vụ em chồng “giết” chị dâu? (kèm video)

(Dân trí) - Kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án em chồng “giết” chị dâu tại TAND TP Phủ Lý (chiều 16/2), hàng trăm người dân và luật sư tham dự tòa đều bày tỏ quan điểm, các cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.

Có bỏ lọt tội phạm vụ em chồng “giết” chị dâu? (kèm video) - 1
Mẹ nạn nhân Lại Thị Mai: ''Hãy trả lại sự công bằng cho con gái tôi''.
Đi tìm bản chất vụ án

Thôn Thái Hòa, xã Châu Sơn (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), vốn là một vùng quê yên ả thanh bình. Thế nhưng khung cảnh thanh bình đó phần nào bị phá vỡ bởi một vụ án “chưa từng có” - lời cụ bà Vũ Thị Tụy, 81 tuổi.

Vụ án xẩy ra ngày 6/8/2008, khi Chu Thắng Huế gọi điện cho 2 em ruột là Chu Thị Hưng (SN 1977) và Chu Văn Thao (SN 1981) đến nhà mình khuân đi chiếc sập gỗ là tài sản chung của 2 vợ chồng trước ngày ly hôn.

Mặc cho chị Mai ngăn cản, Huế vẫn sai các em mình kiên quyết thực hiện bằng được hành vi bê chiếc sập ra khỏi nhà bằng lời nói: “Mày không cho tao mang đi tao đánh chết”. Sau một hồi giằng co, Hưng đã xô chị dâu ngã đập đầu xuống đường và tử vong sau đó. Cái chết của chị Mai được CQĐT xác định do một mình Hưng gây ra.

Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của chị Mai bắt nguồn từ đâu thì CQĐT cho rằng không có đủ căn cứ. Chính vì lý do này nên CQĐT đã không khởi tố bị can đối với Chu Thắng Huế trong vai trò “đồng phạm” và Chu Văn Thao về tội “gây rối trật tự công cộng”. Đồng thời Huế, Thao và Hưng cũng không bị khởi tố về hành vi “công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Vì thế Huế, Thao có mặt tại phiên tòa với tư cách là những nhân chứng trực tiếp liên quan của vụ án “cố ý gây thương tích” mà bị cáo Chu Thị Hưng gây ra. Kết thúc phiên tòa, Huế và Thao thản nhiên ra về đã khiến hàng trăm người tham dự tòa tỏ ra bức xúc!

Luật sư “truy kích” công tố

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phía bị hại, tại TAND TP Phủ Lý (ngày 16/2) có 3 luật sư của đoàn Luật sư Hà Nội và đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang tham gia bào chữa miễn phí cho gia đình nạn nhân Lại Thị Mai.

Phiên tòa bắt đầu căng thẳng khi bước vào phần tranh luận, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa luận tội: Trong vụ án “cố ý gây thương tích” này không có đồng phạm. Còn việc tẩu tán tài sản là có và gây bức xúc dư luận, đề nghị xử lí hành chính là phù hợp.

Vị Công tố vừa dứt lời cả phiên tòa ồ lên phản đối, khiến Chủ tọa phải dừng lại nhắc nhở mọi người giữ trật tự.

Bảo vệ quyền lợi cho bị hại, Luật sư Nguyễn Văn Tú (đoàn Bắc Giang) “truy kích”: Trong vụ án này có 7 nhân chứng thì 4 nhân chứng gồm: cháu Hoài, cháu Hào và bác Sủng, bà Yến (2 người hàng xóm - PV) đều khai tại tòa là trực tiếp nhìn, nghe thấy Huế chửi vợ “mày không buông nó ra (chiếc sập) tao đánh chết”, đồng thời Huế lao lên đánh vợ một cái vào người.

“Phía công tố bác lời khai của 4 nhân chứng này nhưng lại không giải thích được vì sao bác. Đồng thời cũng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh những lời khai của 3 người còn lại (Huế, Thao, bị cáo Hưng) là có cơ sở” - Luật sư Tú tranh tụng.

Luật sư Tú khẳng định, chính hành động và lời nói của Chu Thắng Huế vào thời điểm đó đã kích động Hưng có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn dẫn đến hậu quả chị Mai bị tử vong. Vì vậy không thể nói Huế không là đồng phạm.

Cả phiên tòa vỗ tay tán thành khiến cho Chủ tọa một lần nữa lại phải dừng để nhắc nhở giữ trật tự.

Về hành vi gây rối trật tự công cộng (TTCC), vị Công tố cho rằng, vụ án xẩy ra tại nhà Chu Thắng Huế nên không có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Cách giải thích đó bị cho là “thiếu chín chắn” bởi theo Luật sư Tú, TTCC được Bộ luật Hình sự xác lập trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam và được nhà nước bảo vệ. Huế gọi Thao đến nhà gây ra một cuộc ẩu đả làm náo loạn khu vực suốt thời gian dài, gây bức xúc cho nhân dân… vì vậy phải truy tố Thao về hành vi “gây rối TTCC”.

Về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, các vị Công tố lập luận, ChuThắng Huế là đồng sở hữu chiếc sập trong khối tài sản chung vợ chồng. Vì vậy, việc Huế gọi 2 em vào khênh chiếc sập đó đi là thực hiện quyền quyết định của mình. Do vậy không thể “khép” Huế, Thao, Hưng vào tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác”.

Quan điểm này của Công tố tiếp tục bị luật sư “truy”: Huế không phải là chủ sở hữu duy nhất mà chiếc sập là tài sản thuộc sở hữu chung của cả Huế và chị Mai (tại tòa Huế thừa nhận). “Vì vậy, việc Huế sai 2 em thực hiện bằng được việc mang chiếc sập đó đi khi chị Mai không đồng ý chính là hành vi “công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác”.

Luật sư Tú ví dụ: “Nếu lập luận như Công tố thì bất cứ gia đình nào có tài sản chung của hai vợ chồng, mà vợ hoặc chồng gọi người ngoài đến để mang tài sản đó đi, không cần sự đồng ý của đồng sở hữu còn lại vẫn được coi là hợp pháp?”. Cả hội trường tòa lại vỗ tay.

Kết thúc phần tranh luận, các luật sư bảo vệ “chốt” lại: Việc Chu Thắng Huế công nhiên chiếm đoạt tài sản của chị Mai dẫn đến xô xát làm chị Mai chết là hậu quả nghiêm trọng, do đó Huế, Thao cần phải bị xử lí hình sự để răn đe…

… HĐXX đã tuyên án cho bị cáo “cố ý gây thương tích”, đại diện gia đình bị hại cho biết sẽ kháng án, phiên tòa tạm khép lại nhưng những người theo dõi phiên tòa và dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu công lí đã thực sự sáng tỏ?

Hồng Ngân - Quốc Cường