Nghệ An:

CLB những người vợ... bị bạo hành

(Dân trí) - Họ đã từng bị bạo hành bằng nhiều cách khác nhau và chỉ biết âm thầm chịu đựng. Cho đến một ngày, họ được biết rằng, mình có những quyền lợi mà không một người đàn ông nào, dù đó là chồng mình có thể xâm phạm.

Nhận diện bạo hành gia đình

CLB phụ nữ tự lực phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) hiện có 12 thành viên. 12 thành viên là 12 người phụ nữ, người vợ đã từng bị chồng mình bạo hành với những mức độ và hình thức khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ nhiệm CLB phụ nữ tự lực phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò)

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ nhiệm CLB phụ nữ tự lực phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò)

Chị N.T.T vẫn còn hằn nguyên nỗi sợ hãi khi nhớ về chồng mình. Chồng chị tên Thủy, một người đàn ông sẵn sàng đánh đập vợ tàn nhẫn chẳng vì lý do gì cả. Cuộc sống gia đình đối với chị chẳng khác gì địa ngục khi phải thường xuyên hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng.

Sau nhiều năm âm thầm chịu đựng, trải qua nhiều đắn đo và cả sợ hãi, chị quyết định đệ hơn ly hôn. Xét thấy tình cảm gia đình chị không thể hàn gắn được nữa, tòa chấp thuận cho chị ly hôn. Cứ tưởng ly hôn là chị đã được giải thoát khỏi cuộc sống địa ngục nhưng gã chồng vẫn về, “nọc” chị ra đánh tùy hứng. Đỉnh điểm là gã đã chém hàng chục nhát dao vào người vợ cũ. Chị thoát chết nhờ may mắn nhưng gã chồng vũ phu đã phải trả giá bằng án tù giam.

Còn hoàn cảnh của chị N.T.M lại khác. Chị kiếm sống bằng nghề bán cá ở chợ. Anh chồng làm thợ xây, công việc không ổn định nên thu nhập cũng bấp bênh. Khó khăn về kinh tế chẳng thấm tháp gì so với nỗi khổ tâm của chị. Quần quật cả ngày nhưng cứ đêm về chị lại lo thon thót bởi những đòi hỏi quá đáng từ chồng. Và khi không được thỏa mãn thì anh chồng quay sang chì chiết cho rằng vợ ngoại tình và đánh đập.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN phường Nghi Tân kiêm Chủ nhiệm CLB phụ nữ tự lực cho biết: “Nhiều chị em bị chồng đánh đập, chửi mắng nhưng không dám chia sẻ mà cứ âm thầm chịu đựng một mình. Còn các ông chồng thì mặc nhiên cho mình các quyền được đánh chửi vợ. Mà lý do của các cuộc bạo hành gia đình thì vô cùng lắm. Bất đồng quan điểm nuôi dạy con, đánh vợ. Kinh tế khó khăn, đổ tội cho vợ. Thậm chí khi nhu cầu tình dục không được thỏa mãn, người đàn ông cũng sẵn sàng “lôi” vợ ra đánh…”.

Phải biết cách tự bảo vệ mình

Tại thị xã Cửa Lò hiện có 6/7 phường thành lập được CLB phụ nữ tự lực. Đây là mô hình nhằm bảo vệ người phụ nữ trước nạn bạo hành gia đình. Thời gian đầu, rất ít chị tham gia CLB, một lẽ vì ngại không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, mặt khác sợ chồng biết sẽ “xuống tay” mạnh hơn.

Chị Hà kể: “Có những chị không dám đi họp CLB, hoặc muốn đi thì phải trốn chồng. Có chị vận động mãi mới chịu tham gia, đến tham dự các buổi sinh hoạt CLB chỉ ngồi im, không nói năng gì. Không những phải làm công tác tư tưởng cho các bà vợ mà chúng tôi phải đến từng nhà thuyết phục chồng để các chị được tham gia CLB. Sau mấy buổi sinh hoạt, nhận được sự chia sẻ từ những chị em cùng cảnh ngộ và Ban chủ nhiệm CLB mới chịu mở lòng. Chống bạo hành gia đình, phải tìm được nguyên nhân của bạo hành rồi mới có thể đưa ra được các giải pháp”.

Tham gia CLB phụ nữ tự lực, các chị hiểu rằng mình đến đây không phải là để kể tội chồng mà đến để tìm kiếm sự đồng cảm, chia sẻ và hơn ai hết, phải học cách để tự bảo vệ mình và “tháo ngòi nổ” trong xung đột gia đình. Và điều quan trọng hơn, các chị đã biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội.

“Trong gia đình, người vợ phải là “lạt mềm”, là người hóa giải những cái đầu nóng của chồng. Thay vì thách thức, lu loa lên mỗi khi chồng nổi giận, các chị biết lánh đi nơi khác, đợi chồng nguôi giận trở về dùng lời lẽ để hai vợ chồng cùng nhìn nhận vấn đề, biết người này đúng chỗ nào, người kia chưa đúng chỗ nào”, chị Hà cho biết thêm.

Từ chỗ nhẫn nhục và cam chịu, các chị hiểu được quyền và trách nhiệm của mình, biết tự mình giải quyết các mâu thuẫn gia đình. Và thậm chí còn tham gia hòa giải cho những gia đình khác khi có xung đột.

“Cái được lớn nhất của mô hình CLB phụ nữ tự lực là trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình cho người phụ nữ - những đối tượng vốn được xem là yếu thế. Bên cạnh đó, nó đã góp phần thay đổi nhận thức của cả người chồng lẫn người vợ. Tính từ khi CLB ra đời (năm 2011) tới nay tình trạng bạo hành gia đình đã giảm tới 50-60%”, chị Hà phấn khởi cho biết.

Hoàng Lam