1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Chuyện về tấm bia cổ độc nhất trong khu di tích Bác Hồ

(Dân trí) - Trải qua bao thăng trầm biến cố, chùa Bảo Quang đã không còn nhưng tấm bia cổ có tuổi đời gần 400 năm vẫn sừng sững "thi gan cùng tuế nguyệt". Một tấm bia cổ có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa đang rất cần được quan tâm gìn giữ.

Tấm bia cổ gần 4 thế kỷ

Ngôi chùa Bảo Quang từng hiện diện trên núi Chung (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) - ngọn núi gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ - từ lâu lắm rồi. Vật chuyển sao dời, ngôi chùa đã biến mất, dấu vết duy nhất để lại là tấm văn bia cổ. Theo dòng lạc khoản trên văn bia, tấm bia này có niên đại đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 3. Tính tới thời điểm hiện tại, văn bia có niên đại 391 năm.

Chuyện về tấm bia cổ độc nhất trong khu di tích Bác Hồ
Tấm bia cổ gần 400 năm tuổi vẫn "thi gan cùng tuế nguyệt" trên đỉnh núi Chung

Bia cao khoảng 1,6m và rộng khoảng 0,9m đứng trơ trọi giữa một bãi đất bằng phẳng rộng rãi dưới chân núi Chung, xung quanh là những cây bụi cỏ mọc um tùm kín lối. Dựa vào nội dung văn bia có thể phỏng đoán chùa Bảo Quang có quy mô rất lớn. Theo dòng đầu tiên trên văn bia “Trùng tu Chung sơn Bảo Quang tự ký” và niên hiệu khắc, đoán định được rằng chùa xây dựng từ rất lâu trước thời vua Thần Tông triều Lê. Chính vì vậy mà ít nhất hơn 400 năm về trước, trên núi Chung đã có mặt một ngôi chùa quy mô bề thế này.

Tấm bia gồm có 2 mặt, mặt trước là dòng chữ to “Chung sơn Bảo Quang tự bi” còn mặt sau là dòng chữ “Thập phương tín thí công đức”. Diềm bia trang trí hoa lá uốn lượn rất tinh vi và mềm mại, xen lẫn là hình ảnh chim trĩ đang đậu. Đặc biệt ở trán bia điêu khắc hình Lưỡng long triều nhật. Còn ở chân bia là hình sóng biển rất uyển chuyển và thanh thoát. Tất cả đều mang dấu ấn và phong cách điêu khắc thời Lê rõ nét.

Mặt trước tấm bia gồm 25 hàng còn mặt sau 11 hàng, toàn bộ văn bia gồm khoảng hơn 1.500 chữ. Nét chữ Hán ở bia được khắc đều đặn và sâu, bởi vậy trải qua 4 thế kỷ vẫn còn rõ ràng. Tuy nhiên do không có nhà bia nên trên bề mặt đã có dấu hoen rêu bám phủ. Toàn bộ văn bia đều nguyên vẹn và bảo toàn được những chi tiết ban đầu mà không hề có dấu hiệu nào của việc khắc lại hay khắc mới. Do đó tấm bia này thực sự là bia gốc có xuất xứ và niên đại rõ ràng. Có thể nói, đây là một trong những văn bia quý nhất Nghệ An xét cả về giá trị lịch sử cũng như giá trị văn học.

Và câu chuyện về tác giả tấm văn bia cổ

Nội dung tấm văn bia cho thấy: triều đình Lê Trịnh sau khi đánh đuổi họ Mạc, khôi phục kinh thành Thăng Long liền chủ trương xây dựng và sửa sang lại đất nước, tiến hành xây dựng lại các công trình văn hóa, trong đó có việc trùng tu chùa Bảo Quang. Dòng lạc khoản cuối văn bia ghi rõ bài văn do Tuyết Đường Nguyễn Lễ Thuần giữ chức Tế tửu (tương đương chức Hiệu trưởng ngày nay) trường Quốc tử giám soạn. Ngoài chức tế tửu, ông còn giữ chức Thượng thư bộ Hình (tương đương Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày nay).

Chuyện về tấm bia cổ độc nhất trong khu di tích Bác Hồ
Trải qua nhiều biến thiên của cuộc sống, những dòng chữ trên văn bia vẫn còn rõ nét

Trong văn bia còn cho biết một số nhân vật có danh tiếng đứng ra trùng tu chùa như Quang tiến Thận lộc đại phu Nguyễn Hoành Tài, Đô chỉ huy sứ Hoàng Nghĩa Phúc hay Dũng Trí hầu phu nhân Hoàng Thị Ngọc Bảo... Những nhân vật này đều sinh ra trong gia đình danh gia thế phiệt ở đất Nghệ An và có công lớn trong việc trung hưng nhà Lê.

Theo cuốn Di sản văn chương Văn miếu Quốc tử giám thì Quốc tử giám nước ta từ khi thành lập cho tới lúc cáo chung có 45 vị Tế tửu và Tư nghiệp. Trong số 45 vị này chúng tôi không thấy ghi tên Tuyết Đường Nguyễn Lễ Thuần. Có thể vào giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ, vua Lê và Trịnh Tùng vừa mới khôi phục lại kinh đô Thăng Long, đang phải lo tập trung binh nhung để đối phó với triều đình nhà Mạc tại Cao Bằng cũng như kiềm chế sự cát cứ của Nguyễn Hoàng tại Thuận Quảng nên việc thi cử và học hành đã bị ảnh hưởng. Việc biên soạn và ghi chép vì thế mà không đầy đủ.

Các tài liệu khác ghi chép về Nguyễn Lễ Thuần cũng rất ít nên tiểu sử về vị Tế tửu này chưa thật đầy đủ và chính xác. Do đó tấm bia này đã cung cấp thêm thông tin về vị Tế tửu trường Quốc tử giám mà xưa nay sử sách chưa biết tới. Qua đó tiến hành tìm hiểu và sưu tầm các tài liệu có liên quan để ghi chép lại tiểu sử và hành trạng cũng như chức vụ Tế tửu của nhân vật quan trọng này.

Do tầm quan trọng của tấm văn bia nên thời gian qua, Thư viện tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Kim Liên tiến hành sao dập tấm bia, đồng thời sưu tầm thêm tài liệu có liên quan. Trước tiên khôi phục lại ngôi chùa lịch sử này, sau đó tiến hành xây dựng hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xin công nhận thêm di tích chùa Bảo Quang nằm trong Khu Di tích Kim Liên. Nhưng việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng nhà bia để tránh mưa nắng bào mòn cũng như chống lại sự tác động của ngoại cảnh nhằm lưu giữ di sản quý báu này.

Trần Tử Quang