1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện về những vị vua “kỳ lạ” trên cao nguyên

(Dân trí) - Ngoài vua Nước, vua Lửa, ở Gia Lai còn có vua Gió - được xem là sức mạnh giúp người J’Rai chống lại hạn hán, mùa khô khắc nghiệt. Hiện nay ở Gia Lai vẫn còn một vị vua Gió còn sống song đã... "từ chức".

Ở vùng đất Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cùng lúc tồn tại nhiều vị vua mà không hề có sự tranh giành quyền lực, đó là vua Lửa, vua Nước và vua Gió. Các vị vua luôn tôn kính nhau. Trong Đại Nam liệt truyện - sử quán Triều Nguyễn có 2 chương viết về Thủy xá và Hỏa xá (vua Nước và vua Lửa) nhưng lại không có dòng nào nhắc đến vua Gió. Mặc dù “triều đại” của vua Gió cũng tồn tại đến hàng trăm năm, trải qua 5 đời vua chính thức và 1 đời vua “dự bị”.

Và vị vua “dự bị” hiện vẫn đang sống khỏe mạnh tại làng Plei Măng (Ia Ke, Phú Thiện), đó là ông Siu Pon (SN 1930). Ông Pon là cháu gọi vua Gió đời thứ 5 - ông Siu Bam - là cậu ruột. Ông Pon kể, ông là người được ông Siu Bam truyền lại cách cúng cầu mưa. Năm 1989, ông Bam mất nhưng vì nhiều lý do mà “ngôi vị” vua Gió không được truyền ngay cho người kế vị. Sau nhiều năm vắng bóng ngôi vị vua Gió, thời tiết của mùa khô nơi đây ngày càng khắc nghiệt, hạn hán liên miên, người dân thấy rằng họ cần một vị vua giúp họ “thay đổi” thiên nhiên.

Năm 1991, được sự đồng ý của người dân trong vùng, ông Siu Pon được các già làng cúng heo, gà để tổ chức làm lễ “lên ngôi” vua Gió. “Sau khi cúng xong, các già làng bắt tay tôi và nói từ giờ phút này ông Pon là vị vua Gió của chúng tôi” ông Pon kể lại.

Vua Gió đời thứ 5 - Siu Bam
Vua Gió đời thứ 5 - Siu Bam

Có một điều đặc biệt là vua Gió phải sống ở một ngôi nhà nằm ở rìa làng, vẫn lao động chân tay như mọi người. Trong khi vua Lửa và vua Nước được cưỡi voi đi thăm làng thì vua Gió không được dùng bất kì phương tiện gì mà phải đi bộ. Không chỉ vậy, vua Gió còn phải kiêng ăn một số thực phẩm như thịt dê, ếch, bò vì người dân nơi đây cho rằng ăn chúng cúng sẽ mất thiêng. Ngôi nhà vua Gió ở, trẻ em và phụ nữ không được bước vào; vua cũng không được ở chung với vợ con.

Bà H’Nhriu, con gái vua Gió Siu Bam kể lại, có lần cha bà đi làm lễ cầu mưa cho làng Brok, do đường xa nên ông đã đi xe đạp; đi được một đoạn thì trời bỗng dưng tối sầm, một trận gió lớn đã cuốn phăng cả người và xe ngã xuống đường. Từ đó trở đi vua Gió chỉ đi bộ.

Bà H'Nhriu (bên trái) kể về thời gian làm vua của cha mình
Bà H'Nhriu (bên trái) kể về thời gian làm vua của cha mình

Bà H’Nhriu kể tiếp, mỗi lần xảy ra hạn hán, già làng sẽ thông báo cho dân làng góp lễ vật như gạo, gà, dê, rượu… để mời vua đến cúng cầu mưa. Nếu sau lễ cúng trời vẫn không mưa, mỗi làng sẽ dựng một ngôi nhà tạm ở rìa làng để cho vua đi qua ở. Vua sẽ đi hết làng này đến làng khác nhưng không được đi vào trong làng mà chỉ đi qua rìa làng để làm lễ cúng. Sau khi đi một vòng hết huyện Ayun Pa (cũ), vua sẽ quay về làng mình. Người dân tin rằng lúc này trời sẽ có mưa.

Để giúp cho việc cầu cúng của mình, vua Gió còn có các “báu vật” đi kèm gồm một nồi đồng, hai ghè rượu lớn, một bát đồng, một đĩa lớn, 3 chiêng đồng, 3 lục lạc tròn và một thanh gươm. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các “báu vật” trên đã mất, chỉ còn lại 2 ghè rượu cổ và chiếc chén đồng mà bà Ksor H’Nhiu còn cất giữ.

2 chiếc ghè cổ của Vua Gió còn được giữ lại đến bây giờ
2 chiếc ghè cổ của Vua Gió còn được giữ lại đến bây giờ

Không chỉ là vị Vua được các dân làng kính trọng, mà theo bà H’Nhiu, vua Gió Siu Bam trong suốt thời gian “tại vị” (từ năm 1969- 1989) không hề bị đau ốm. Chỉ đến năm 1989, trong một cơn sốt, vua Gió Siu Bam đã từ giã cõi trần. Theo nghi lễ ông được chôn theo khu nhà mồ riêng của các vị vua, nhưng ông Bam lại có di nguyện được chôn chung nhà mả với vợ mình ở khu vực nhà mồ của làng.

Là con vua nhưng cuộc sống của bà H’Nhiu và em trai cũng không khác gì những người dân trong làng. Việc chọn người “kế vị” không nhất thiết phải là con trong nhà, nên trước đó, ông Bam đã chọn cháu ruột mình là ông Pon là người kế tiếp mình nên đã dạy cho ông cách cúng cầu mưa.

Ông Siu Pon kể về thời gian làm vua của mình
Ông Siu Pon kể về thời gian làm vua của mình

Quay trở lại với vị vua “dự bị” Siu Pon, ông Pon cho biết, do nhiều năm bị gián đoạn nên việc ông quay trở lại với “chức vị” vua Gió cũng có phần khác những vị vua trước đó. Ông Pon không phải sống tách biệt ở rìa làng mà được sống ở nhà với vợ con. “Trong thời gian làm vua Gió, có làng mời mình đi cúng, lúc thì có mưa, lúc thì không có mưa”, ông Pon kể.

Dù vẫn được dân làng tin giao chức vua Gió nhưng vì cuộc sống và quan niệm đã dần thay đổi nên ông Pon đã "từ chức". Từ đó đến nay, người J’Rai không còn bầu ai lên làm vua Gió nữa. Nhưng lễ cúng cầu mưa vần còn tồn tại và diễn ra ở mỗi bản làng vào mùa khô, già làng sẽ là người đứng ra cầu cúng.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm