Khánh Hòa:
Chuyện về những “cứu tinh” của ngư dân trên vùng biển Trường Sa
(Dân trí) - Khi những cơn bão ập tới, tàu cá của ngư dân hỏng máy, phá nước trên vùng biển Trường Sa... khi ấy cũng là lúc những “người lính” cứu nạn hàng hải lập tức xuất hiện, để đưa ngư dân về nơi an toàn. Nhờ những người lính ấy, mỗi năm cả trăm ngư dân đã được cứu khi sinh mạng cận kề lưỡi hái “tử thần”…
Trong câu chuyện về cứu nạn trên biển, nhiều thủy thủ ở Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực IV (Nhatrang MRCC, thuộc Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam), tâm sự rằng, ký ức về những lần cứu nạn xuyên ngày đêm, khoảnh khắc vỡ òa khi cứu được ngư dân ở Trường Sa có lẽ là những kỷ niệm khó quên. “Cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản và lâng lâng niềm vui là tâm trạng của chúng tôi mỗi khi cứu thành công ngư dân trên biển”, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Nhatrang MRCC xúc động nói.
Một ngày của tháng 9 vừa qua, một tàu cá cùng 15 ngư dân của tỉnh Bình Định đánh bắt cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 30 hải lý về hướng Đông thì va mạnh vào đá ngầm, máy chết. Tàu chìm nhanh khiến thuyền trưởng chỉ kịp báo cho cho một tàu bạn đánh bắt ở gần đó.
“Lúc đó, tôi trực chỉ huy và xử lý vụ này nhưng thấy lo lắng. Chúng tôi lên các phương án hỗ trợ và phối hợp cùng các lực lượng khác để có thể cứu ngư dân nhanh nhất có thể. Với tinh thần khẩn trương, kịp thời và quyết liệt chỉ sau 4 giờ, toàn bộ số thuyền viên của tàu bị nạn đã được cứu sống”, ông Bình hồi tưởng.
Vào mùa biển động, có bão hay áp thấp cũng là lúc các thủy thủ gặp nhiều khó khăn khi triển khai cứu nạn. Nhiều thủy thủ “cứng nghề” nhưng đứng trên tàu cứu nạn SAR 27-01 cũng khó vững. “Giữa giông bão, tàu cá của ngư dân mình nhìn nhỏ nhoi lắm! Nhìn từ xa bằng mắt thường thì có khi thấy hoặc không do bị sóng che, con tàu chỉ là một chấm đen giữa biển”, ông La Trần Quang, Trưởng phòng phối hợp TKCN Nhatrang MRCC kể về giây phút tìm kiếm ngư dân.
Ông Quang tâm sự, thông thường khi thấy tàu cứu nạn xuất hiện, các thuyền viên trên tàu cá bị nạn đều đổ dồn về một phía để chào đón. “Nét mặt ai cũng hân hoan, vui mừng xua tan nỗi sợ hãi trước đó. Có lẽ, họ đã đợi giây phút này từ lâu lắm rồi”, ông Quang xúc động chia sẻ.
Khi tiếp cận, thuyền trưởng tàu cứu nạn nói bằng loa phóng thanh công suất lớn: “Đây là tàu cứu nạn SAR 27-01. Tàu bị nạn hãy bình tĩnh. Chúng tôi yêu cầu tàu bị nạn thực hiện các biện pháp an toàn…”. Tuy nhiên, có lúc do gió to, sóng dữ, tàu cứu nạn phải quay vòng nhiều lần để thả dây buộc cứu người. Nếu công tác tiếp tế bằng canô khó khăn hoặc không an toàn, các thủy thủ sẽ phải lấy thực phẩm như: mì tôm, thuốc lá, nước ngọt… chuyển bằng dây qua cho ngư dân tàu cá bị nạn.
Với các trường hợp bị tai nạn lao động trên biển như: gãy tay, gãy chân, tai biến… thì lực lượng cứu nạn hàng hải còn phải đánh giá mức độ tai nạn, có phương án cứu chữa tối ưu nhất. “Những trường hợp như thế không phải cứ chạy tàu ra và đưa người ta qua tàu mình là được. Chúng tôi phải chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về y tế để việc cứu chữa làm sao đảm bảo sức lao động cho ngư dân sau này, nhất là các trường hợp tai biến”, ông Quang chia sẻ.
Trong hành trình cứu nạn ngư dân trên biển, nhiều thủy thủ đến bây giờ vẫn không thể quên giây phút cứu 47 ngư dân của tàu cá tỉnh Quảng Nam năm 2012 bị hỏng máy, trôi dạt trong tình trạng nguy cấp. Họ không thể quên vì đây là lần cứu nạn nhiều ngư dân nhất trong đời làm nghề của mình. Trong vô vàn những câu chuyện xúc động về cứu nạn ngư dân ở vùng biển quần đảo Trường Sa, không ít trường hợp thuyền trưởng tàu cá khi đã về bờ an toàn nhưng vẫn không tin đó là sự thật. Họ xúc động ôm chầm lấy lãnh đạo Nhatrang MRCC bằng sự cảm kích, hạnh phúc.
Được cho là nghề đi vào “vùng nguy hiểm”… nhưng mỗi khi ngư dân cần là họ luôn có mặt. Họ thầm lặng đồng hành cùng ngư dân miền Trung trên mỗi hành trình đánh bắt, bám biển, giữ vững ngư trường Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!
Phạm vi cứu nạn bắt đầu từ phía Bắc tỉnh Phú Yên đến phía Nam tỉnh Ninh Thuận và toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực IV được xem là “cứu tinh” của ngư dân Nam Trung Bộ trên vùng biển Trường Sa. Trong năm 2012, Nhatrang MRCC 7 lần điều động phương tiện, cứu trực tiếp 84 người; năm 2013 có 4 lần điều động phương tiện, cứu trực tiếp 21 người; năm 2014 có 12 lần điều động phương tiện, cứu trực tiếp 90 người; năm 2015 có 15 lần điều động phương tiện, cứu trực tiếp 125 người và trong 9 tháng năm nay có 5 lần điều động phương tiện, cứu trực tiếp 4 người.
Viết Hảo