1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Chuyện về cây Gạo 300 năm tuổi chết sau khi được vinh danh

(Dân trí) - Từng che chắn cho dân làng trong những đợt bom đạn của giặc ngoại xâm, từng chứng kiến bao thế hệ con cháu của làng lớn lên, gắn bó với làng hơn 300 năm; vậy mà sau khi được vinh danh Cây Di sản, “cụ” Gạo đã chết.

Người dân làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, không biết cây Gạo có từ khi nào, cụ già nhất làng cũng cho biết khi lớn lên đã thấy cây Gạo đứng sừng sững, vươn rễ, vươn cành ra khắp một khoảnh đất rộng lớn.

Theo những nhà nghiên cứu thì cây Gạo này có độ tuổi khoảng hơn 300 năm. Đã từng chịu rất nhiều những trận bom mìn dội xuống, từng trải qua hàng trăm năm với những khắc nghiệt của thời gian, cây Gạo vẫn sừng sững hiên ngang bảo vệ dân làng.

Với độ tuổi hơn 300 năm, gốc cây có rất nhiều những ụ cục xù xì 
Với độ tuổi hơn 300 năm, gốc cây có rất nhiều những ụ cục xù xì 

Thế nhưng một điều đáng buồn là vào cuối năm 2012, cây Gạo được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng chứng nhận “Cây Di sản Việt Nam” thì đến tháng 3/2013, cây Gạo bỗng nhiên bị chết khiến dân làng Cẩm Bào tiếc thương đến mất ăn mất ngủ.

Một số cụ cao niên trong làng Cẩm Bào cho biết, “cụ” bỏ dân làng đi do nhiều nguyên nhân. Có thể khi đào đất làm tường rào bao quanh, người ta đã chặt vào rễ cây, làm rễ bị xót. Không những thế, khi chuẩn bị được vinh danh, “cụ” đã được chính quyền đào hố dưới gốc và đổ vào đó khoảng 4 tạ phân lân, có thể vì thế mà cây bị “bội thực”, dẫn đến chết dần chết mòn. Ngoài ra, cũng có thể do Nhà máy giấy gần đó trực tiếp xả chất thải ra dòng sông Yên, làm nhiễm độc dẫn đến thối rễ cây...

Cây Gạo 300 năm tuổi chết khiến dân làng tiếc thương
Cây Gạo 300 năm tuổi chết khiến dân làng tiếc thương

Sau khi “cụ” cây có biểu hiện chết, nhân dân và chính quyền đã tìm mọi cách để cứu cây, thậm chí nhiều người còn mang đồ lễ đến cầu xin cây sống trở lại. Cho đến bây giờ, đã 1 năm trôi qua kể từ ngày “cụ” cây chết, người dân làng Cẩm Bào vẫn chưa nguôi ngoai nỗi tiếc thương. Chiều chiều, các cụ cao tuổi vẫn dẫn các cháu nhỏ chơi dưới gốc cây như hồi tưởng lại những hồi ức đẹp về cây trăm tuổi.

Cây chết, người đau thắt ruột gan!

Câu đầu tiên nói về việc cây Gạo rời bỏ dân làng, cụ Trần Văn Tại rơm rớm nước mắt: “Người dân làng Cẩm Bào tiếc thương cây Gạo đến đau thắt ruột gan. Một năm qua rồi nhưng tôi vẫn thương nhớ cây gạo đến không ăn không ngủ được. Đêm nằm tôi mơ cây Gạo vẫn đang còn sống...”. Rồi cụ dẫn chúng tôi ra phía sân chỉ vào cây gạo nhỏ cụ trồng nói: “Con của “cụ” (ý nói cây Gạo - PV) đấy. May mà ngày trước tôi mang một cây con về trồng nên bây giờ mới còn chứ không thì giờ biết làm sao”.

Nhà cụ Tại ở cách cây Gạo không đầy chục mét. Cụ bảo thời kháng chiến chống Pháp, chính ở tại nơi này có công trường 252 chế tạo bom đạn có hàng nghìn công nhân, nhà cụ là nơi nấu ăn, ngay dưới gốc cây gạo là kho chứa vũ khí. Dường như biết điều này, máy bay giặc liên tục nhằm nơi này để tấn công.

Cụ Tại rưng rưng khi hồi tưởng lại ký ức về cây Gạo
Cụ Tại rưng rưng khi hồi tưởng lại ký ức về cây Gạo

Dân làng Cẩm Bào lúc nào cũng cử người trèo lên tận những cành cao nhất của cây Gạo để theo dõi tình hình. Cứ quan sát thấy bóng dáng máy bay từ xa là người ở trên cây dùng loa thông báo cho cả làng đi trốn. Mọi người đều tập trung núp dưới những chiếc hầm nằm dưới gốc cây Gạo.

Những trận bom dội xuống từ máy bay giặc cũng nhờ có những tán Gạo xum xuê chằng chịt cản nên giảm sức sát thương. Trải qua vô số lần bị tấn công nhưng hầm chứa bom đạn dưới gốc cây vẫn được đảm bảo an toàn.

Cụ Tại rưng rưng khi hồi tưởng lại ký ức về cây Gạo
Dù cây Gạo đã chết nhưng dân làng Cẩm Bào vẫn để thân và gốc lại như để nhắc nhớ con cháu về một chiến tích lịch sử không thể quên

Cũng theo cụ Tại thì sau những trận bom như thế, cuộc sống của dân làng Cẩm Bào lại trở lại bình yên, gốc cây Gạo là nơi nhộn nhịp nhất làng. Ngày rằm, ngày lễ người dân lại tập trung nấu ăn, mổ gà, mổ lợn cúng bái ngay dưới gốc cây gạo này. Hồi đó, bên cạnh cây Gạo còn có một cái đình. Trải qua thời gian, đình làng không còn nữa nhưng cây Gạo thì vẫn vươn mình đầy sức sống. Vậy mà sau hơn 300 trăm năm bao bọc, che chở dân làng, cây Gạo - báu vật của người dân làng Cẩm Bào đã chết sau khi được vinh danh!

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm