Chuyện tình đẹp của cô gái bị tạt axit
Những tưởng với khuôn mặt biến dạng và đôi mắt mù lòa sau lần bị kẻ ác tâm tạt axit, mọi ước mơ đã khép lại với cô gái 20 tuổi. Nhưng không, Lê Thị Ánh Dương (Hội Người mù Thanh Hóa) đã vượt lên những bất hạnh để viết nên một cuộc đời đẹp.
Một đêm tháng 2/2001, cô giáo Dương trên đường đi dạy tiếng Anh về nhà (ở khu tập thể trường trung học phổ thông Đào Duy Từ, Ba Đình, Thanh Hóa) thì bị một kẻ tạt axít vào mặt. Dương ngã xuống, toàn thân đau rát rồi ngất lịm.
Tỉnh dậy, Dương nghĩ, chắc ai đó tạt nhầm vì cô chưa từng gây thù chuốc oán với ai. Chẳng bao lâu sau, công an đã tóm được kẻ ác tâm kia. Đó chính là người đã theo đuổi Dương nhưng bị cô từ chối. Sáu tháng sau, trước vành móng ngựa, kẻ đó lãnh án chung thân.
Suốt ba năm trời gian nan từ Viện Bỏng 108 ở Hà Nội đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM, Dương trải qua nhiều cơn đau tê tái. Những cái sẹo nổi to trên mặt luôn ám ảnh cô. Nhưng kỳ lạ thay, giờ đây, sự căm uất trong lòng cô gái tật nguyền đã tiêu tan. “Mọi sự đã qua rồi. Tôi đã quên sự hận thù để sống nhẹ nhàng hơn”, Dương nói.
Gặp tai họa, mẹ của Dương phải xin nghỉ dạy học để làm một lúc nhiều việc: đưa con đi viện, tìm thuê nhà cho con ở, chăm sóc con... Bị bục giác mạc, Dương không còn nhìn thấy gì, chân tay cũng không cử động được, mọi việc đều phải nhờ mẹ. Những lúc ấy, Dương tuyệt vọng, luôn nghĩ về cái chết, bởi biết mình không thể trở lại với nghề giáo.
Sau khi bán nhà mặt phố, bố mẹ Dương lùi vào khu tập thể nhà máy gỗ Điện Biên thuộc phường Lam Sơn, Thanh Hóa, mua lô đất nhỏ hơn để xây nhà. Lô đất mà bố mẹ Dương mua nằm trong khu vườn của bố mẹ Nguyễn Mạnh Cường - người đã đem đến tình yêu bất ngờ và kỳ diệu cho Dương sau này.
Dương nhớ lại: “Đầu năm 2004, anh đến. Tôi không thể tin trên đời này có người lại dám yêu một cô gái tật nguyền mang gương mặt biến dạng. Anh sinh năm 1980, nhỏ hơn tôi một tuổi. Mẹ tôi còn nói, Cường rất bảnh trai. Đến giờ, tôi chưa biết khuôn mặt chồng mình ra sao, nhưng chỉ biết anh có một tâm hồn đẹp và một tấm lòng vị tha cao cả”.
Tình cảm chân thành của chàng trai đã làm trái tim cô gái tật nguyền rung động. Nhưng chuyện tình của họ gặp sự phản đối của gia đình hai bên. Tháng 8/2005, Cường giấu bố mẹ, đem hộ khẩu cùng Dương tới UBND phường đăng ký kết hôn, rồi ra ngoài thuê nhà trọ ở tạm. Mỗi ngày, Cường tranh thủ lúc rảnh rỗi chở Dương đi dạy tiếng Anh bằng chữ nổi cho Hội Người mù Thanh Hóa. Chiếc giường con của hai vợ chồng kê bằng gạch, bát đĩa mượn của bà chủ nhà trọ, vậy mà hạnh phúc ngập tràn.
Cường nói, tình cảm của Cường dành cho Dương thật giản dị: từ tâm hồn trong sáng và nghị lực phi thường của Dương. Dù trải qua bao đớn đau và gương mặt không dễ nở nụ cười, nhưng Dương luôn muốn tặng cho người đối diện nụ cười để nói với họ rằng, mình có thể vượt qua tất cả.
Những ngày đầu vào Hội Người mù, Dương đã quên mất mình là người tật nguyền, cô chỉ đau đáu một điều: muốn được dạy tiếng Anh vì biết hàng trăm người cùng cảnh ngộ với mình không biết ngoại ngữ. Ban đầu, Dương tập dạy đơn lẻ cho từng người. Về sau, cô mạnh dạn đề nghị mở các lớp học. Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện để Dương có thể thực hiện mong muốn của mình. Dương là người khiếm thị duy nhất ở Thanh Hóa được đặc cách vào biên chế của ngành giáo dục.
Rồi cô được đi học lớp chữ nổi. Sau khi tốt nghiệp, cô giáo Dương đã trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ bằng chữ nổi duy nhất ở Thanh Hóa. Hai lớp tiếng Anh dành cho người mù với 100 học sinh đã chính thức hoạt động từ tháng 6/2008, trong niềm vui của cả cô lẫn trò.
Đôi vợ chồng trẻ “khoe” đã sinh con đầu lòng hồi tháng 10/2008. Tên cháu là Nguyễn Lê Bảo Ngọc. Mẹ của Dương cảm động: “Có cháu ngoại, tôi hạnh phúc lắm. Mong sao con gái được các bác sĩ ghép lại giác mạc, có chút ánh sáng là mãn nguyện lắm rồi. Từ ngày Dương gặp nạn, tôi không nghĩ sẽ có ngày hôm nay”.
Tình yêu và hạnh phúc của các con đã làm thay đổi suy nghĩ của cha mẹ Cường. Giờ đây, ông bà rất yêu quý các con và tự hào về họ.
Theo Phụ Nữ TPHCM