Chuyện tình đặc biệt của cô gái cao 1,1m lấy chồng trẻ hơn 9 tuổi
(Dân trí) - Di chứng từ bố nên Xuân chỉ cao 1,1m. Tự ti về ngoại hình nên Xuân chẳng dám nghĩ đến tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, khi chàng trai trẻ hơn mình đến 9 tuổi bày tỏ tình cảm, Xuân cũng không dám tin và luôn tìm cách né tránh. Nhưng tình yêu có lý lẽ riêng của nó để gắn kết Xuân với chàng trai trẻ kia lại với nhau.
Đám cưới diễn ra vào một ngày đầu tháng 10/2015 khiến dân tình không khỏi xôn xao bàn tán. Cô dâu mặc váy cưới được may riêng bởi chiều cao hết sức khiêm tốn 1,1m. Chú rể trong chiếc áo sơ mi trắng, thắt nơ đỏ dắt tay cô dâu đi chào khách mời hai bên. Để đến được đám cưới này, Lê Văn Công (SN 1993) và Nguyễn Thị Xuân (SN 1984) trải qua không ít rào cản từ phía gia đình. Giờ đây, Xuân và Công đã làm bố mẹ của một bé gái xinh xắn. Câu chuyện tình của họ khiến nhiều người không khỏi thán phục.
Nguyễn Thị Xuân (quê xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) bị di chứng từ căn bệnh của bố nên cơ thể chỉ cao 1,1m là không thể cao hơn được nữa. Tự ti về ngoại hình của mình cộng với gia cảnh khó khăn nên Xuân chỉ học hết lớn 9 rồi xin vào sinh hoạt tại Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Tân Kỳ. Công việc chính của Xuân là sản xuất tăm rồi mang đi bán. Sống cùng những người cùng cảnh ngộ nên Xuân bớt dần sự tự ti về bản thân và hòa đồng hơn với mọi người. Cô gái chăm chỉ cần mẫn này ngoài tự nuôi được bản thân thỉnh thoảng còn tích lũy được một ít gửi về phụ giúp bố mẹ ở quê.
“Sống giữa sự yêu thương, thấu hiểu của những người cùng cảnh ngộ, em thấy cuộc đời mình nhiều thay đổi lắm, không còn ngại ngùng, xấu hổ về vẻ bề ngoài của mình như trước đây nữa. Nhưng nói thật, em chưa bao giờ dám nghĩ đến tình yêu đôi lứa, nói gì đến lấy một chàng trai ít hơn mình đến cả chục tuổi”, chị Xuân tâm sự.
Tại Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Tân Kỳ, Xuân đã gặp Lê Văn Công. Công quê ở Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn, Nghệ An), bị căn bệnh còi xương do uống quá nhiều kháng sinh nên chỉ cao 1,45m. Học hết lớp 7, Công phải nghỉ học rồi xin vào sinh hoạt ở Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Tân Kỳ. Công ít hơn Xuân 9 tuổi, lại vào Hội sau nên gọi Xuân là chị.
“Hai “chị em” mới gặp nhau nhưng nói chuyện hợp lắm rồi yêu “chị” lúc nào không hay. Nhưng phải “tán” gần 1 năm “chị” mới đổ đấy”, Lê Văn Công hài hước.
Chị Xuân tiếp lời chồng: “Không phải là em không có tình cảm với Công mà mình như thế này liệu có làm tròn được bổn phận của người vợ, người mẹ, người con dâu trong gia đình hay không. Lo lắng những điều này khiến em không dám đón nhận tình cảm của Công dù trong lòng luôn muốn có một bờ vai để mình dựa vào”.
Lo lắng của Xuân không phải là không có cơ sở. Khi Công đưa bạn gái về nhà ra mắt, gia đình đã phản đối kịch liệt bởi sợ sức khỏe của hai người kém như thế có nuôi nổi nhau không, có sinh con đẻ cái rồi chăm lo cho các con được không? Nhưng rồi chính bố mẹ Công cũng phải đồng ý trước tình cảm mà Công và Xuân dành cho nhau. Một lễ cưới giản dị, ấm áp diễn ra, Công và Xuân về chung một nhà trong sự chúc phúc của bạn bè, cán bộ Hội bảo trợ và gia đình hai bên.
Xuân mang thai, cơ thể vốn chỉ cao 1,1m khiến việc đi lại khó khăn hơn trước rất nhiều bởi vậy hai vợ chồng quyết định về nhà ngoại sống. Công vẫn đi bán tăm cho Hội, thỉnh thoảng mới có thể về thăm vợ con. Hiểu sự vất vả nhọc nhằn của chồng, chị Xuân cũng không nỡ trách móc mà luôn động viên chồng dành thời gian cho công việc để có thể chuẩn bị tốt nhất khi đứa bé chào đời.
Tháng 2 vừa rồi chị Xuân chuyển dạ, bố mẹ chồng cũng từ Nghĩa Đàn bắt xe xuống động viên tinh thần. Sau ca sinh mổ, một bé gái xinh xắn ra đời, nặng 2,6kg, được đặt tên Lê Thị Hồng Hà. “Em hạnh phúc quá. Em không dám nghĩ mình có niềm vui được làm cha. Bé giống em như đúc”, Công không dấu được niềm hạnh phúc lớn lao mà mình đang có.
Công quyết định tạm thời nghỉ công việc ở Hội để dành thời gian, tâm trí chăm sóc vợ con. Thương vợ sinh mổ đau đớn, vất vả, Công giành hết công việc nhà để vợ nghỉ ngơi. Anh chàng cũng chăm sóc con gái khéo léo không kém một ông bố nào. Bố mẹ Công cũng thay đổi cái nhìn đối với con dâu, cháu nội. Mỗi khi có thể, hai ông bà lại bắt xe buýt từ Nghĩa Đàn xuống Đô Lương thăm cháu, mua bao nhiêu là sữa, thức ăn để tẩm bổ cho con dâu.
Bế con trên tay, Xuân không dấu được niềm vui vô bờ mà người chồng trẻ tuổi mang lại cho mình. “Có nằm mơ cũng chưa bao giờ em dám nghĩ đến những gì mình có như ngày hôm nay. Anh Công giờ không đi bán tăm mà ở nhà phụ bố mẹ em công việc đồng áng. So với sức khỏe của anh thì công việc cũng có phần hơi vất vả nhưng đi làm về, dẫu mệt mỏi anh luôn phụ giúp em làm công việc nhà, chơi với con, kể chuyện cười cho vợ. Có anh ấy, em thấy cuộc đời mình thật may mắn”, Xuân tâm sự.
Hai vợ chồng tạm nghỉ công việc bán tăm nên kinh tế cũng chật vật hơn trước nhưng nhờ sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại cũng bớt được phần nào. “Lúc nào Hồng Hà cứng cáp hơn thì em mới yên tâm mà đi làm”, Công nói. Khó khăn vẫn đang ở phía trước nhưng nhìn cái cách mà họ yêu thương, chia sẻ với nhau tôi tin rằng, với tình yêu, họ có thể vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để vun đắp hạnh phúc đơn sơ của mình.
Hoàng Lam