Chuyện tình cổ tích của người vợ sinh đôi với chồng đã khuất
(Dân trí) - Biết ý định tiến hành thụ tinh nhân tạo với người chồng quá cố của chị, mẹ chị nước mắt ngắn dài vì thương con, còn bố chồng chị Dung cũng lặng người đi vì xúc động...
Câu chuyện về người phụ nữ sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng đã chết cách đây gần 4 năm khiến nhiều người rơi nước mắt. Hai bé trai sinh đôi chào đời ngày 9/12 tại bệnh viện Phụ sản TW nặng 2,4 kg và 2,9kg. Mẹ hai bé là chị Kim Dung, 33 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Điều đặc biệt của ca song sinh này, đó là chị Dung được thụ thai với tinh trùng lấy từ cơ thể người chồng chỉ 6 tiếng sau khi người chồng tử vong do tai nạn giao thông
Mối tình đẹp như thơ
Trong căn hộ nhỏ ở khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội, chị Dung đang bận rộn chăm sóc hai thiên thần nhỏ. Chị tất bật thay tã, vỗ vễ các con yên giấc rồi lại tranh thủ pha sữa, dọn dẹp căn phòng. Trên đầu giường, ảnh cưới của hai vợ chồng chị Dung vẫn hiện hữu như một minh chứng về một câu chuyện tình yêu đẹp. Chỉ có điều khác lạ, bố của các cháu – anh Hồ Sỹ Ngọc đã qua đời vì tai nạn giao thông.
Kể về mối tình đặc biệt của mình, chị Dung xúc động cho biết, cả hai vợ chồng đều học chung lớp chất lượng cao của ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Yêu nhau 7 năm rồi đi đến kết hôn nhưng thời gian bên nhau của hai anh chị chỉ tính bằng ngày. Sau khi tốt nghiệp Đại học, chị Dung đi Pháp du học rồi ở lại làm luận án tiến sỹ.
Nhiều năm trời đằng đẵng xa nhau, hai người chỉ liên lạc bằng điện thoại và internet nhưng cả hai chưa bao giờ giận dỗi, phai nhạt tình yêu: “Hồi em du học, dù đang vui vẻ với bạn bè ở đâu, khi nào, hễ người yêu báo tin lên mạng chat là anh ấy bỏ hết mọi thứ lao về trước màn hình máy tính để tâm sự. Cưới xong, anh ấy chu đáo, lo toan mọi thứ cho gia đình.
Bác sĩ Vệ thăm ba mẹ con chị Dung tại Bệnh viện Phụ sản Trung ươngSau khi con gái nhỏ là bé Hồ Hoàng Hải Bình chào đời, anh Ngọc một mình làm hết mọi việc trong gia đình, từ nấu cơm, giặt giũ, rửa bát, lau nhà đến cả việc pha sữa cho con anh ấy cũng nhận làm. Hồi đấy anh Ngọc cũng có lời mời đi học tiếp ở Áo, nhưng thấy con còn nhỏ, sợ em vất vả nên anh ấy hoãn lại...”.
Mối tình đẹp như thơ nhưng lại kết thúc bằng một câu chuyện buồn. Ngày anh Ngọc qua đời vì tai nạn giao thông, con gái lớn của anh chị bé Hải Bình mới tròn 6 tháng tuổi. Đứng trước thi thể chồng, chị Dung như ngất lịm, điều làm chị day dứt nhất là mình chưa kịp làm tròn bổn phận của người vợ, chưa kịp bù đắp cho chồng những năm tháng đằng đẵng xa nhau.
“Hồi du học bên Pháp làm nghiên cứu sinh em có biết đến trường hợp của một vận động viên trượt tuyết bị cát vùi lấp một thời gian dài nhưng sau đó cũng thực hiện thành công việc lưu giữ tinh trùng. Ngay lập tức, em quyết định, phải làm một điều gì đó cho anh ấy...”. Sau đó, chị liên hệ với Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ (Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội) thực hiện việc phẫu thuật và lưu trữ tinh trùng của chồng, chờ thời gian để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.
Biết ý định của chị, hầu như tất cả bạn bè đồng nghiệp, anh em đều phản đối. Việc sinh con với người chồng quá cố là quá mạo hiểm, chị còn quá trẻ để bắt đầu lại từ đầu, xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân. Hơn nữa, công nghệ sinh con bằng việc thụ tinh trong ống nghiệm không phải lúc nào cũng thành công. Đằng này lại là sinh con từ tinh trùng của người đã chết.
Mẹ chị - bà Trần Thị Hảo kể: “Nghe quyết định của con, tôi lặng lẽ quay đi lau nước mắt để con không nhìn thấy. Dung từ bé đã là người nghị lực, mạnh mẽ và dứt khoát, nó quyết làm cái gì là sẽ làm cho bằng được. Thương con, tôi chỉ biết động viên con cố gắng. Thế nhưng cuối cùng, người động viên, đả thông tư tưởng cho cả gia đình lại là Dung”.
Còn bố chồng chị, ông Hồ Bính cũng lặng người vì bất ngờ: “Dung gọi điện về cho tôi, trình bày nguyện vọng của mình.
Tôi không biết nói gì vì xúc động, tôi không khuyến khích con vì hiểu con dâu mình đã quá thiệt thòi nhưng cũng không phản đối. Tôi chỉ bảo Dung: Nếu con sinh con thì bố mẹ chịu ơn con”. Đến bây giờ, ông Bính vẫn cho đây là điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho gia đình mình. Không kỳ diệu sao được, khi sau 4 năm người con trai qua đời, ông Bính lại bất ngờ có thêm hai đứa cháu nội kháu khỉnh, đáng yêu.
“Tôi cũng từng tủi thân đến trào nước mắt”
Thời gian mang thai rồi phải tự mình vượt cạn, nhiều lúc chị Dung cũng cảm thấy tủi thân bởi không có người đàn ông bên cạnh: “Có những lúc, đứng trên ban công nhìn những đôi vợ chồng trẻ ríu rít tâm sự, em ứa nước mắt. Những lúc như thế, chỉ dám chạy vào nhà vệ sinh khóc “một trận” thật đã rồi lại tự động viên mình cố gắng vượt qua. Khó khăn nhất là lúc sắp lâm bồn, em bụng to không làm gì được, hai gia đình nội ngoại phải thường xuyên cắt cử người ra chăm sóc và đưa đón bé Hải Bình đi học. Hay thời gian thụ tinh, phải tiêm nhiều thuốc để kích trứng, đau đớn nhưng chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình”.
Ngày hai thiên thần bé nhỏ chào đời, chị Dung hạnh phúc đến trào nước mắt...Để có sự bản lĩnh, mạnh mẽ như hiện tại, chị Dung thường xuyên tìm hiểu về cách thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, học cách tự mình chăm sóc bản thân và đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Ngày hai thiên thần bé nhỏ chào đời, chị Dung hạnh phúc đến trào nước mắt. Chị lấy họ của cả hai vợ chồng để đặt tên cho con là: Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải như một cách để nhớ đến người chồng quá cố của mình.
Hai em bé sinh mổ nên chị Dung khá vất vả. Không có sữa cho con bú, hàng ngày chị phải dùng sữa ngoài để cho con ăn. Biết hoàn cảnh khó khăn của chị Dung nên bạn bè mỗi người góp một chút, người cho cái áo, người góp hộp sữa để các cháu bớt thiệt thòi.
Chị Hạnh Nguyên (đồng nghiệp với Chị Dung) chia sẻ: “Nếu có danh hiệu về người vợ thủy chung, sắt son nhất thì tôi nghĩ có lẽ danh hiệu đó nên dành cho Dung. Cả trường tôi ai cũng xúc động khi biết được hoàn cảnh của Dung. Ban đầu, mọi người trong khoa gần như đều phản đối nhưng có lẽ bây giờ trông thấy niềm hạnh phúc của Dung, chứng kiến hai cháu kháu khỉnh, khỏe mạnh, chúng tôi hiểu quyết định của Dung là đúng đắn...”.
Chưa có trong tiền lệ
Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, xúc động cho biết, trường hợp của chị Hoàng Kim Dung là trường hợp đặc biệt hi hữu và lần đầu tiên ở Việt Nam. Đây được coi là một thành tựu y học trong lĩnh vực sinh sản: Trên thế giới đã từng ghi nhận nhiều trường hợp sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, mà tinh trùng thụ thai của người đã chết. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có tiền lệ. Điều đặc biệt hi hữu là mặc dù người chết đã 6 tiếng nhưng việc tiến hành cắt tinh hoàn và lấy tinh trùng vẫn thành công...
Bác sỹ Vệ cũng cho biết, ban đầu khi nhận được lời đề nghị của chị Dung, ông rất bất ngờ và nghĩ rằng có thể đó chỉ là quyết định nảy ra trong lúc quá đau buồn vì sự ra đi đột ngột của người chồng mà chưa suy nghĩ thấu đáo.
“Cô ấy là tiến sỹ, lại còn trẻ nhưng có quyết định chưa có trong tiền lệ. Hơn nửa đời người làm trong lĩnh vực y học tôi cũng chưa gặp một trường hợp nào đặc biệt đến thế. Nhiều người phụ nữ cũng từng đến bệnh viện chúng tôi nhờ lưu giữ tinh trùng người chồng nhưng chỉ một thời gian sau là họ thay đổi quyết định. Nhưng trường hợp này lại khác, sự quyết tâm, kiên trì và tình yêu son sắc của cô ấy khiến tôi rất xúc động...”, ông Vệ nói.
Về thủ tục giấy khai sinh cho hai cháu bé, ông nội bé Hoàng Đức, Hoàng Hải cho biết: “Do cháu Dung và gia đình vẫn có nguyện vọng đề tên bố cho các cháu trong giấy khai sinh nên chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm ADN làm cơ sở để xác thực. Đến nay mọi thủ tục đã gần như hoàn tất...”.
Theo nhiều chuyên gia y tế, việc lấy tinh trùng và lưu trữ tinh trùng từ người đã chết về kỹ thuật thì không quá phức tạp, hầu hết các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đều có thể thực hiện được. Đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào về việc lấy tinh trùng người chết để thụ tinh nhân tạo.
Về mặt pháp lý, đây là vấn đề đã được tranh luận rất nhiều trên thế giới. Nhiều người cho rằng, vì người có tinh trùng đã mất nên không thể hiện được ý chí đồng ý hay không đồng ý việc cho lưu trữ và thụ tinh từ tinh trùng của họ.
Xuân Ngọc – Hà Trang