Hà Tĩnh:

Chuyến tham quan "miễn phí" ấm ức: Vì sao doanh nghiệp dễ dàng "moi tiền" dân?

(Dân trí) - Trở lại với câu chuyện vì trót tin vào đơn vị tổ chức chuyến tham quan miễn phí, hàng trăm cựu chiến binh (CCB) đã bị "dụ" mua sản phẩm kém chất lượng với giá “cắt cổ” ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), PV Dân trí đã đi sâu tìm hiểu ngọn nguồn vụ việc.

Khi giấy giới thiệu trở thành… bảo bối

Quá trình tìm hiểu cho thấy, để rất nhiều CCB bị “móc túi”nguyên nhân xuất phát từ các cấp hội ở trên đã thiếu tìm hiểu động cơ của đơn vị tổ chức, thậm chí dư luận còn xôn xao về dấu hiệu cho thấy có biểu hiện của tư lợi, chung chi để doanh nghiệp được phép hoạt động.

Theo như lời phân trần của ông Nguyễn Đình Ngân, Chủ tịch Hội CCB huyện Hương Sơn, trước dịp Kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 vừa qua, không chỉ Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Du lịch Á Châu (trụ sở tại số 29, lô 6, đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) mà còn khoảng 5 công ty khác tìm đến Hội CCB huyện đặt vấn đề tổ chức cho hội viên trên địa bàn huyện đi tham quan miễn phí tại một số khu di tích, lưu niệm là địa chỉ đỏ của cách mạng. Sau khi nghe thuyết trình, Huyện hội đã chọn Công ty Á Châu, tiếp đó xin ý kiến của Huyện ủy Hương Sơn và được chấp thuận.


Từ sự chấp thuận của Huyện hội Hương Sơn, Công ty Á Châu đã tổ chức cho hàng trăm hội viên Hội CCB nhiều xã đi tham quan, rồi bán hàng với giá cắt cổ.

Từ sự chấp thuận của Huyện hội Hương Sơn, Công ty Á Châu đã tổ chức cho hàng trăm hội viên Hội CCB nhiều xã đi tham quan, rồi bán hàng với giá "cắt cổ".

Ngay sau đó, với tư cách là Chủ tịch Huyện hội, ông Ngân đã ký Giấy giới thiệu cho Công ty Á Châu về trực tiếp liên hệ làm việc với Hội CCB các xã. “Chúng tôi cấp giấy giới thiệu cho công ty để họ trực tiếp làm việc với các hội cấp xã. Việc đi như thế nào là Hội CCB các xã và công ty tự tổ chức với nhau”- ông Ngân nói.

Cách làm thiếu kiểm soát này, thực tế Hội CCB huyện Hương Sơn đã tạo khe hở cho Công ty Á Châu sử dụng giấy giới thiệu này như một thứ “bảo bối” để doanh nghiệp xuống các địa phương thoải mái đàm phán, lo liệu chuyến đi.

Chủ tịch một Hội CCB (xin được giấu tên) của một trong số các xã có hội viên đi tham quan do Công ty Á Châu tổ chức cho biết: “Chúng tôi hoạt động có tổ chức, có chỉ đạo từ trên xuống, từ cấp ủy, chính quyền sang, nên các hoạt động đều phải có chỉ đạo. Khi đơn vị tổ chức chuyến tham quan mang theo Giấy giới thiệu của Huyện hội thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, vì chắc rằng Huyện hội đã xem xét kỹ mới giới thiệu họ (đơn vị tổ chức) về với chúng tôi”.

Theo kế hoạch, sau khi được Huyện hội giới thiệu, làm việc với các địa phương, Công ty Á Châu sẽ chia ra tổ chức nhiều đợt, trong đó đợt 1 đã triển khai trong dịp 27/7 vừa qua là: Thị trấn Phố Châu, Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Diệm, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Hà, Sơn Hàm, Sơn Trung. Bình quân mỗi đơn vị có từ 85 đến 90 người tham gia.

Và thực tế như đã phản ánh trong các bài trước đó, Công ty Á Châu đã biến chuyến đi tham quan miễn phí, tri ân cho các CCB thành chuyến tham quan kết hợp bán hàng siêu đắt.

Nhân viên Công ty Á Châu chia đoàn CCB thành nhiều nhóm rồi giới thiệu bán sản phẩm (Ảnh: Nguyên Hồ)
Nhân viên Công ty Á Châu chia đoàn CCB thành nhiều nhóm rồi giới thiệu bán sản phẩm (Ảnh: Nguyên Hồ)

Nhiều CCB đã không cưỡng lại được bài thuyết trình của nhân viên đơn vị tổ chức tham quan miễn phí đã dốc nhẵn túi mua sản phẩm của đơn vị này.
Nhiều CCB đã không cưỡng lại được bài thuyết trình của nhân viên đơn vị tổ chức "tham quan miễn phí" đã dốc nhẵn túi mua sản phẩm của đơn vị này.

Theo tính toán của nhiều CCB, chỉ bỏ ra chi phí một bữa ăn, chi phí xăng xe đi lại trong ngày, rõ ràng Công ty Á Châu đã thu lợi một số tiền quá khủng khi bán các sản phẩm đắt gấp 5-6 lần giá cả thị trường. “Làm theo cách này, đơn vị tổ chức moi tiền của người dân, của các cựu chiến binh dễ như mua rau”- một CCB chưa hết bực tức nói.

Cơ quan chức trách: Khó kiểm soát doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Tới, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, để doanh nghiệp lợi dụng việc tri ân bán hàng giá cao cho hàng trăm hội viên ở Hương Sơn có trách nhiệm của Chủ tịch Hội CCB huyện này.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, lỗi hoàn toàn không chỉ một cá nhân, một cấp hội mà còn cả hệ thống giám sát, quản lí nhà nước. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Đơn vị quản lí hoạt động du lịch, thương mại, thị trường ở đâu khi để doanh nghiệp tự tung tự tác hoạt động không theo một hệ thống nào, bán hàng với giá cao hơn thị trường?


Một CCB dở khóc dở cười với chiếc nồi ủ có giá siêu đắt.

Một CCB dở khóc dở cười với chiếc nồi ủ có giá siêu đắt.

Sáng ngày 24/8, một lãnh đạo thuộc Sở VHTT-DL Hà Tĩnh thừa nhận không kiểm soát được các hoạt động của doanh nghiệp tổ chức cho người dân tham quan, du lịch như hình thức mà Công ty Á Châu đã thực hiện tại huyện Hương Sơn. Theo vị này, các doanh nghiệp thường bỏ qua khâu xin phép cấp tỉnh, đi thẳng về liên hệ tại các địa phương nên Sở không nắm được, chỉ được biết khi sự việc đã rồi.

Tương tự, lãnh đạo Chi cục Quản lí thị trường (Sở Công thương Hà Tĩnh) cũng thừa nhận, không thể kiểm soát được giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa theo cách thức Công ty Á Châu đã thực hiện.

“Doanh nghiệp làm việc kín kẽ với các cấp hội, các địa phương, nên gần như ngành công thương, lực lượng quản lí thị trường rất khó kiểm soát. Mặt khác, doanh nghiệp rất tinh vi, họ đưa người dân, khách hàng sang địa bàn khác không thuộc thẩm quyền quản lí của mình để bán hàng giá cao. Những việc như thế này cơ quan chức trách rất khó kiểm soát, người dân không cảnh giác tỉnh táo sẽ dính bẫy của đơn vị tổ chức”- vị lãnh đạo Chi cục Quản lí thị trường Hà Tĩnh cho hay.

Theo vị này, khi sự việc xảy ra, người dân, các địa phương một mặt cảnh giác, mặt khác trình báo để cơ quan có thẩm quyền có chứng cứ tiến hành làm việc, xử lí buộc đơn vị lợi dụng trục lợi trả tiền lại cho người dân, cấm hoạt động trái phép trên địa bàn.

Văn Dũng – Minh Lý