1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện ở xứ ăn bọ xít

Phó Trưởng Công an huyện Bắc Yên (Sơn La) hồ hởi hứa hẹn sẽ đãi các nhà báo một món đặc sản nhớ đời. 6h tối vào mâm, chưa thấy “món nhớ đời” đâu. Sau ly rượu đầu, chị bếp bưng ra 8 đĩa đầy ắp… bọ xít chiên giòn.

Công an huyện đãi nhà báo… bọ xít

 

Ở Sơn La, người dân ở hai huyện Phù Yên và Bắc Yên có thú ăn các loại côn trùng, đặc biệt là bọ xít, từ hàng ngàn năm nay. Món ăn này đặc trưng và thân quen đến nỗi đã trở thành món ăn hàng ngày trong bữa cơm của họ.

 

Sau hành trình mệt mỏi từ thành phố Sơn La, tôi và một đồng nghiệp báo Công an nhân dân đến được huyện Bắc Yên. Thị trấn Bắc Yên lèo tèo vài nóc nhà, nằm lọt thỏm trong khe của những ngọn núi hùng vĩ.

 

Sau khi trao đổi xong công việc với Thượng tá Lường Văn Tăm, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Yên (người Thái), anh bảo: “Tối nay, anh em công an huyện sẽ đãi hai nhà báo một bữa nhớ đời. Sau này, dù có ăn món gì, đặc sản của Tây hay Tàu, hai đồng chí cũng sẽ không quên được món ăn đậm đà dân tộc của người Thái xứ Phù Bắc Yên này đâu (Phù Bắc Yên là cách gọi chung của hai huyện Phù Yên và Bắc Yên, thuộc tỉnh Sơn La - PV)”.

 

Thú thực, là nhà báo, đi nhiều nơi, xơi nhiều món ngon, không biết còn món ăn gì khiến tôi bất ngờ, nhớ đời được nữa.

 

6 giờ tối, anh em công an quây quần bên bếp ăn tập thể, rượu mỗi người một ly. Trên mâm chỉ có đĩa thịt xào và đĩa rau muống luộc, không thấy “đặc sản nhớ đời” đâu.

 

Thượng tá Tăm nâng ly chúc sức khỏe mọi người và chào mừng đặc sản xứ Phù Bắc Yên chuẩn bị được mang ra.

 

Sau khi cạn ly, chị đầu bếp bê ra một mâm 8 đĩa, đĩa nào đĩa nấy toàn là bọ xít chiên giòn.


Chuyện ở xứ ăn bọ xít - 1

Đĩa bọ xít chiên giòn nhìn thật hấp dẫn

 

Tôi đã từng nghe chuyện đây đó ở Hà Nội có món ăn bọ xít, song cũng choáng khi chị đầu bếp bê ra một mâm toàn bọ xít như vậy. Những người mê ẩm thực lạ nhâm nhi một vài con là “hoành tráng” lắm rồi, đằng này, các đồng chí công an ăn bọ xít như ăn lạc rang.

 

Tôi đã từng được các đồng nghiệp ở Cần Thơ mời xơi… rắn tái. Người ta bắc bếp than hoa, bật quạt cháy đỏ rực, rồi móc con rắn ri voi to bằng bắp tay còn sống ngo ngoe trong chum ra, vung dao thẳng cánh chặt làm nhiều khúc, không cần ướp gia vị, đặt luôn lên bếp than cháy xèo xèo. Khi lớp da rắn cháy xém, khi khúc thịt rắn vừa hết cựa quậy, mỗi người một khúc rắn gặm ngon lành như gặm đùi gà. Bóc lớp da, thịt rắn vẫn màu trắng ngà, lẫn máu tươi.

 

Nhưng thú thực, xơi thịt rắn sống như vậy còn dễ, chứ xúc những con bọ xít này bỏ vào miệng thì kinh hãi quá.

 

Tôi nhớ ngày trẻ, trèo cây nhãn, từng bị bọ xít đái vào mắt, mắt sưng vù mấy ngày liền. Bà tôi phải dùng các loại lá thuốc đắp mấy ngày mới khỏi. Nước đái bọ xít dính vào da thịt thì ngứa thôi rồi, da mẩn lên từng miếng cỡ lòng bàn tay.

 

 

Khi nhìn đĩa bọ xít ngồn ngộn, khi những ký ức hôi hám về con bọ xít đang hiện về thì anh em đã dùng thìa xúc bọ xít vào bát rồi và vào miệng nhai rất ngon lành. Khuôn mặt người nào cũng như đang bay bổng... 

 

Anh bạn đồng nghiệp cũng không ngại ngần xúc một thìa đổ vào miệng. Hưởng ứng “phong trào”, tôi cũng nhón một con thả vào miệng rồi nhắm mắt nhắm mũi nhai.

 

Kỳ lạ thay, không thấy có mùi hôi hám đặc trưng của bọ xít, ngược lại, con bọ xít chiên giòn cứ tan trong miệng, vừa ngọt vừa bùi, vừa béo. Mùi vị của bọ xít rất lạ, độc đáo, không giống với bất cứ thứ gì tôi từng ăn. Thế rồi, riêng tôi, xơi hết quá nửa đĩa bọ xít chiên vàng ruộm.

 

Mùa săn bọ xít

 

Đến Phù Bắc Yên vào dịp tháng 4 đến tháng 6, thực khách có thể dễ dàng được ăn bọ xít ở bất kỳ quán nào, từ nhà hàng sang trọng đến quán lá bình dân, bởi đó là mùa nhãn ra hoa, kết trái, cũng là mùa bọ xít nhãn sinh sản rất mạnh.

 

Dọc hai bên quốc lộ 37 qua xứ Phù Bắc Yên, bạt ngàn vườn nhãn. Nhãn được trồng ven suối, sườn đồi, trong vườn nhà, nhãn mọc kín cả sân vườn trụ sở công an huyện, huyện ủy, UBND huyện, trạm y tế, trường học…

 

Mùa này, người Thái ở các làng bản, từ trẻ con đến người lớn rủ nhau mang vợt, mang túi đi bắt bọ xít về ăn, đem bán kiếm tiền.

 

Cứ chiều đến, anh em cán bộ công tác ở huyện, ở nội trú, cùng nhau đi bắt bọ xít trên những cây nhãn về nhậu, ăn với cơm, vừa ngon miệng lại đỡ tốn tiền mua thức ăn.

 

Có nhiều cách bắt bọ xít nhãn hiệu quả. Khi bọ xít còn non, chỉ cần tẩm nước măng chua hơ lên cây nhãn, chúng sẽ tự rơi xuống đất. Người ta dùng chiếc nẹp tre kẹp từng con bỏ vào túi.
 
Chuyện ở xứ ăn bọ xít - 2

Anh em công an bắt bọ xít về nhậu sau giờ làm việc.

 

Với bọ xít già đã mọc cánh, phải dùng vợt gắn vào chiếc sào dài chụp lên chùm hoa nhãn lắc cho chúng bay lên chui vào vợt, hoặc buộc móc sắt vào sào tre, giật mạnh cành nhãn cho chúng rơi xuống. Con nào rơi xuống đất phải nhanh tay nhặt liền kẻo chúng bay mất.

 

Hết mùa nhãn, đồng bào Thái nơi đây lại xài món bọ xít đen bắt ở ruộng lúa. Bọ xít đen chỉ nhỉnh hơn con ruồi một chút, là nỗi kinh hoàng của nông dân vùng đồng bằng, tuy nhiên, chúng lại là đặc sản của xứ Phù Bắc Yên. Bọ xít đen càng nhiều ở ruộng thì đồng bào nơi đây càng khoái vì không sợ đói kém.

 

Theo “giới nhậu nhẹt”, việc bắt bọ xít đen ở ruộng rất kỳ công, tốn sức, vì chúng rất nhỏ, phải vạch từng gốc lúa rồi nhặt từng con một. Tuy nhiên, giống bọ xít đen ở lúa lại cực ngon. Giống bọ xít đen được các nhà hàng thu mua với giá 200-300 ngàn đồng/kg, trong khi bọ xít nhãn chỉ trên dưới trăm ngàn một kg.

 

Đồng bào Thái nơi đây chế biến bọ xít cực kỳ đơn giản. Để nguyên con bọ xít, họ ngâm vào nước muối, sau đó đổ vào nước măng chua, đun cạn nước, rồi vớt ra rổ, để ráo nước.

 

Điều đặc biệt là không phải ướp bọ xít với gia vị gì, kể cả mắm, muối, mì chính. Khi ăn, đổ dầu lưng chảo, rồi xúc bọ xít vào rá sắt, nhúng vào dầu sôi một lát, rồi nhấc ra đĩa là xong.

 

Gia vị duy nhất ăn với bọ xít là lá chanh thái chỉ và một chút nước cốt chanh. Bản thân con bọ xít đã mang đủ các vị cay, mặn, ngọt, bùi…

 

Theo Phạm Ngọc Dương

VTCNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm