1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện nơi đầu sóng Trường Sa

Gần một tháng hải hành ra thăm và chúc Tết quân-dân ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã được nghe và chứng kiến rất nhiều chuyện đặc biệt về những người lính biển. Nhưng tinh thần xuyên suốt trong những câu chuyện ấy là tình cảm quân-dân thắm thiết và quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếp bước quân hành

Hoàng hôn ở Quân cảng Cam Ranh, ánh nắng hồng trải khắp trên mặt nước biển xanh biếc. Trời và biển như hòa quyện vào nhau, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ khiến lòng người thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước. Trung sĩ Phạm Văn Phong quê ở Kiến Thụy, Hải Phòng, cho biết: “Khi nhận quyết định ra công tác trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tôi thấy rất tự hào, mấy đêm liền thao thức không sao ngủ được, chỉ mong sớm được đặt chân lên đảo”. Phong là con út trong gia đình có ba anh chị em. Bố của Phong trước đây cũng là bộ đội, đã từng trải qua những năm tháng chiến đấu vì nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào. Anh trai của Phong cũng là Bộ đội Hải quân, hiện nay đã xuất ngũ. Khi nhận quyết định ra công tác ngoài đảo, Phong điện thoại thông báo với gia đình, bố Phong rất ủng hộ và động viên: “Con cố gắng công tác thật tốt. Môi trường khó khăn ngoài đảo sẽ rèn luyện cho con bản lĩnh để vững vàng bước vào ngưỡng cửa cuộc đời”. Những cống hiến của bố và anh trai trong môi trường quân đội đã bồi đắp cho Phong những bài học quý, để giờ đây trở thành hành trang nâng bước Phong tiếp tục cống hiến, trưởng thành hơn.

Chiến sĩ mang cành đào ra đón Tết ở Trường Sa.
Chiến sĩ mang cành đào ra đón Tết ở Trường Sa.

Trung sĩ Lê Duy Chung ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, là người bạn thân thiết với Phong từ ngày đầu nhập ngũ. Ngày Phong lên đường nhận nhiệm vụ mới, Chung tiễn Phong ra cầu cảng. Trước khi Phong bước lên tàu, Chung khoác tay Phong hát ca khúc “Hát mãi khúc quân hành”. Trước biển, hình như được sóng và gió biển cộng hưởng, giọng hát của hai chàng trai trẻ vang xa hơn; lời ca ấy lúc này không phải là riêng của Chung và Phong mà là tâm trạng chung của mọi người xung quanh, thế là các chiến sĩ cùng nắm tay nhau thành một vòng, hát vang khúc hát quân hành. Tiếng hát át cả sóng và gió... Chung chia sẻ: “Khi biết không được ra ngoài đảo công tác, tôi hơi tiếc nuối, nhưng tôi đã hứa với Phong sẽ thường xuyên liên lạc, cùng thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”. Trong không khí cả nước hướng về biển đảo, câu chuyện của những người lính biển tiễn nhau lên đường ra đảo xa có sự lưu luyến, nhưng hừng hực một khí thế xung phong đến những nơi khó khăn làm nhiệm vụ.

Cách đó không xa, Thượng úy QNCN Đậu Thị Lan đang tiễn chồng là Trung úy QNCN Phạm Văn Phi lên tàu ra đảo. Trước đây, anh Phi đã có một năm công tác tại nhà giàn DK1. Tuy không phải là lần đầu tiễn chồng đến nơi đảo xa nhưng chị Lan vẫn rất xúc động và không sao cầm được nước mắt. Cháu Phạm Tuấn Anh, con của chị Lan và anh Phi, cũng theo mẹ tiễn chân bố. Cả buổi, Tuấn Anh chỉ im lặng, vẻ mặt hơi buồn. Nhưng khi tiếng còi tàu giục giã vang lên, Tuấn Anh vội ôm lấy bố, khóc thút thít. Âu yếm con, anh Phi nói: “Con cố gắng học tốt, nghe lời mẹ. Bố sẽ thường xuyên gọi điện cho con”. “Con muốn ra đảo công tác với bố. Lớn lên, con sẽ trở thành chú Bộ đội Hải quân”-Tuấn Anh trả lời.

Đối với cháu Tuấn Anh, buổi chia tay hôm ấy sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ. Những cảm xúc và ước mơ xuất phát từ hình ảnh của người cha gương mẫu sẽ nuôi dưỡng tâm hồn và định hướng đúng đắn cho Tuấn Anh trưởng thành. Tiếp bước của bố, Tuấn Anh lớn lên sẽ sẵn sàng cầm chắc tay súng bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Bước chân của những người lính hôm nay và các thế hệ mai sau sẽ tiếp nối truyền thống cha ông để viết tiếp những trang sử hào hùng.

Chỗ dựa cho ngư dân trên biển

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đến thăm một số đảo như Trường Sa Đông, Đá Đông, Núi Le, Tiên Nữ... Vì đang là mùa biển động nên suốt cả tháng với hải trình trên biển, chúng tôi gặp rất ít tàu đánh cá của ngư dân. Nhưng qua câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, tôi thấy giữa đại dương mênh mông, tình cảm quân dân vẫn có mối gắn bó keo sơn, tạo thành sức mạnh to lớn. Và những người lính đảo chính là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khi vươn khơi, bám biển.

Vững tay súng bên mốc chủ quyền.
Vững tay súng bên mốc chủ quyền.

Trung tá Phạm Ngọc Trung, bác sĩ trên đảo Phan Vinh, cho biết trong năm 2014 các anh đã tiếp nhận và chữa trị thành công cho nhiều ngư dân gặp nạn khi đánh bắt cá trên biển, trong đó có những ca nghiêm trọng. Ví dụ, vào tháng 8-2014, anh Huỳnh Ngọc Hiên, ngư dân tàu cá QNG 90945, bị hỏng ống ô-xi khi lặn ở độ sâu hơn 30m để mò hải sâm. Khi được các thủy thủ vớt lên tàu, anh Hiên bị co giật không tự chủ được. Vị trí gặp nạn cách đảo Phan Vinh 170 hải lý, nên khi đưa lên đảo anh Hiên lâm vào tình trạng mất cảm giác, gọi hỏi không trả lời, cấu véo không biết đau, đồng tử giãn 3mm, thở khò khè, nước ứ đọng trong phổi... Nhận định bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, bác sĩ Trung cùng hai y sĩ là Trung úy QNCN Nhữ Văn Lịch và Thiếu úy QNCN Nguyễn Việt Hải nhanh chóng triển khai những biện pháp nghiệp vụ cấp cứu. Suốt cả đêm, anh Trung, anh Lịch, anh Hải thay nhau túc trực bên cạnh bệnh nhân, cho thở ô-xi, truyền dịch và làm biện pháp trợ tim. Sang đến ngày hôm sau, anh Hiên tỉnh táo hơn nhưng vẫn chưa nói được, bị liệt nửa người bên trái. Được sự chăm sóc tận tình của quân y trên đảo Phan Vinh, sau hơn 10 ngày điều trị, anh Hiên đã hồi phục sức khỏe, tỉnh táo hoàn toàn và trở về với gia đình. Trước khi vào đất liền, anh Hiên nói trong nước mắt: “Cảm ơn các anh bộ đội đảo Phan Vinh đã cứu tôi trở về từ cõi chết”...

Trong năm 2014, tổ quân y trên đảo Phan Vinh còn phẫu thuật thành công nhiều ca như chuyển vạt da băng vết thương cụt tại ngón tay cho anh Huỳnh Chi, thủy thủ tàu cá BD 95526 TS ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và cấp thuốc, chữa bệnh miễn phí cho rất nhiều ngư dân khác. Trong lằn ranh của sự sống và cái chết, nơi biển đảo xa xôi, y đức trong sáng và sự tận tụy của người chiến sĩ quân y đã tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của quân đội, bồi đắp tình quân-dân cá nước.

Ở đảo Trường Sa Đông, Trung úy Đỗ Tiến Hậu, cử nhân gây mê hồi sức, cho biết: Khi bộ đội và ngư dân đi đánh lưới ở bãi san hô rất dễ bị thương. Theo cách điều trị cũ là rửa bằng nước muối, bôi thuốc kháng sinh, vết thương lâu khỏi, nhiều trường hợp bị viêm loét kéo dài cả tháng. Trăn trở với thực tế đó, Hậu cùng với anh em trong tổ quân y đã bỏ nhiều công tìm tòi, nghiên cứu và cuối cùng đã tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả, đó là rửa nước muối, dùng pôvidil kết hợp với ô-xi già và xanh mê-ty-len, chỉ ba ngày là vết thương khỏi hẳn. Sau vài tháng áp dụng phương pháp điều trị mới, hơn 50 trường hợp bị thương đã được chữa trị thành công, tạo niềm vui cho bộ đội và ngư dân. Hậu vui mừng bộc bạch: “Khi đồng đội và người dân được nhanh chóng chữa lành vết thương, yên tâm bám biển, chúng tôi rất hạnh phúc. Tuy vậy, đây chỉ là sự đóng góp nhỏ bé, chúng tôi thấy phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của nhân dân với người lính biển”.

Ngoài đại dương mênh mông sóng nước, người lính biển và ngư dân chia ngọt sẻ bùi với nhau, từng viên thuốc, cân gạo, ca nước ngọt... Đại úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Đông A cho biết, vào dịp đầu năm ngư dân đánh bắt cá ngoài biển Trường Sa nhiều, hằng ngày đều có bà con vào đảo xin cấp thuốc, khám bệnh, xin nước ngọt, gạo… Tuy lượng nước và thực phẩm bộ đội trên đảo giúp cho ngư dân không được nhiều, nhưng đã tạo dựng được niềm tin, điểm tựa tinh thần cho ngư dân yên tâm bám biển. Mỗi khi vào đảo, ngư dân lại mang theo những con cá tươi ngon vừa đánh bắt được cho bộ đội. Sự trao gửi đó là tấm lòng, tình cảm ấm áp của đất liền đối với đảo xa. Và cũng chính điều đó đã tạo nên sức sống, sự phát triển, củng cố tình đoàn kết, quyết tâm của những người lính biển cùng với ngư dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Văn Tuấn – Việt Cường

Báo Quân đội Nhân dân