1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Chuyện những phụ nữ ngờ nghệch không biết bố của con mình là ai

(Dân trí) - Mang trong mình chứng bệnh thần kinh không bình thường, khờ khạo, ngờ nghệch, những người phụ nữ bị kẻ xấu lợi dụng đến mang thai ngoài ý muốn. Những đứa con sinh ra không được chăm sóc, bị bỏ bê, có cháu ngờ nghệch như mẹ, có cháu bị mang bán...

Đó là câu chuyện buồn đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày của những phụ nữ mắc chứng bệnh tâm thần, thần kinh không bình thường thuộc xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Những người mẹ “ngờ nghệch” 

Theo sự chỉ dẫn tận tình của chị Cao Thị Oanh - cán bộ phụ nữ thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, Bình Định, chúng tôi đã tìm đến nhà bà Ung Thị T. (57 tuổi, trú thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây).

Trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng chẳng có thứ gì quý giá ngoài chiếc giường cũ kỹ, ẩm mốc, hôi hám. Chị Oanh thở dài: “Ở thôn này, ai mà không xót xa cho cảnh đời éo le của gia đình bà T. Bản thân bà T. cũng có phần không khôn ngoan như người ta nên cũng không biết cha của 2 người con của mình là ai. Hai đứa con của bà là Ung Thị N. (34 tuổi) và Ung Hòa T. (30 tuổi) đều mang họ mẹ, cả 2 đều thần kinh không bình thường".


Bà Ung Thị T. bên căn nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc giường cũ kỹ.

Bà Ung Thị T. bên căn nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc giường cũ kỹ.

Sau khi sinh con, bà T. vào TP Hồ Chí Minh giúp việc nhà, gửi 2 đứa con khờ khạo lại cho bà ngoại ở quê chăm sóc. Chị N. vốn mang di chứng chất độc da cam, biểu hiện ngờ nghệch, không làm chủ được bản thân. Đớn đau thay, lợi dụng sự ngờ nghệch của chị, những kẻ đồi bại thường ghé thăm nhà chị để thỏa mãn dục vọng. Hậu quả, chị đẻ một lèo 3 đứa con mà không hề biết cha của chúng là ai.

Đứa con đầu của chị N. năm nay đã 12 tuổi, cũng bị thiểu năng trí tuệ nên chẳng ai nhận nuôi. Đứa thứ 2 được bán cho một gia đình hiếm muộn ở địa phương để lấy 4 chỉ vàng. Đến năm 2014, chị N. lại mang bầu sinh đứa thứ 3. Sau này, đứa trẻ được một gia đình Việt kiều Thái Lan mua với giá 50 triệu đồng. Số tiền này được gửi vào ngân hàng, tiền lãi được bà Ung Thị T. rút ra hàng tháng làm tiền dưỡng già và nuôi đứa con trai cũng bệnh tật đang ở với mình.

“Hoàn cảnh của gia đình bà T. là một trong số ít trường hợp rất đáng thương ở địa phương. Phần nhiều những phụ nữ khờ khạo này do không làm chủ được bản thân mà bị đàn ông lừa rồi sinh con ngoài ý muốn. Khi mang bầu, không được chăm sóc, khám thai định kỳ nên cũng có trẻ sinh ra bị chứng thiểu năng như mẹ. Mỗi khi mang thai, thôn xóm luôn giúp đỡ, người gom góp tiền, góp gạo để lo chuyện sinh nở. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thì không đủ điều kiện chăm sóc nên phải để người khác nuôi”, chị Oanh chia sẻ.

Về đâu những đứa trẻ không cha?

Trường hợp con gái bà T. là một trong số ít cảnh đời éo le ở xã Ân Tường Tây. Cũng tại thôn Phú Hữu 2, gia đình bà Trần Thị H., lâm vào cảnh khốn khổ vì những đứa con khờ khạo. Đã ngoài 60 tuổi nhưng ngày 2 buổi bà H. vất vả với ruộng đồng, khi rảnh bà vẫn vượt đèo, băng núi hái lá giang kiếm tiền lo cho 5 miệng ăn.

Bà sinh được 4 người con nhưng có đến 3 đứa mang chứng bệnh thần kinh không bình thường. Điều đặc biệt, cả 4 người con bà H. đều mang họ mẹ. Trong đó, người con gái đầu chị Trần Thị D. (37 tuổi) cũng trót có con với người đàn ông “bí ẩn” trong thôn. Con gái chị D. nay đã 8 tuổi nhưng không thể tới trường vì mắc chứng down như mẹ.

Đáng thương hơn cả là người con thứ 2 của bà H. là chị Trần Thị M., bản thân mang bệnh nhưng vẫn lấy chồng bị tâm thần nặng, sinh ra con gái 5 tuổi bị bệnh di truyền theo cha mẹ, cũng không thể đến trường như các bạn cùng trang lứa. Thấy người lạ, cháu bé này tỏ ra rất sợ sệt và chạy ngay vào trong góc nhà tối để trốn.

Bà Trần Thị H, hàng ngày vẫn lên núi hái lá giang bán kiếm tiền nuôi 3 người con và cháu khờ khạo chẳng biết gì
Bà Trần Thị H, hàng ngày vẫn lên núi hái lá giang bán kiếm tiền nuôi 3 người con và cháu khờ khạo chẳng biết gì

Bà H. nghẹn ngào: “Dù gia đình lo ngại hạnh phúc hai đứa nhưng thương con nên vẫn cho cưới. Khi về sống chung, mỗi khi thằng L. lên cơn, nó đánh đập dữ lắm nên khi con gái tôi mang thai tôi phải đưa con về nhà để sinh. Sau đó thằng L. bị nặng quá nên phải vô Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Giờ con gái tôi cũng lấy chồng khác rồi, để cháu gái 5 tuổi cho tôi nuôi, lâu lâu mới về thăm con”.

Bà Lê Thị Ái Nương, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân cho biết, hàng năm, huyện giải quyết và hỗ trợ kịp thời cho bà mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Trường hợp trẻ em có cha mẹ bị bệnh tâm thần, hoàn cảnh khó khăn được đia phương lập hồ sơ đưa vào làng trẻ SOS Quy Nhơn.

Cũng theo bà Nương, hiện địa phương đã vận động được 16 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, cha mẹ mắc bệnh tâm thần… vào Làng trẻ em SOS.

Bà Nương nói thêm, đối với những trường hợp bà mẹ không bình thường mang thai ngoài ý muốn, hoàn cảnh khó khăn, địa phương phải có hồ sơ gửi lên, Phòng mới căn cứ vào đó giải quyết.

Doãn Công
(ledoancong@dantri.com.vn)