1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm

Tối nay ngày 12-10 này, tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm, lần đầu tiên Đoàn Nghi lễ CAND sẽ biểu diễn phục vụ miễn phí nhân dân Thủ đô. Sau chương trình ra mắt này, dự kiến chương trình sẽ được thực hiện đều đặn mỗi tháng/lần (luân phiên giữa diễu hành và hoà nhạc) vào buổi tối các ngày thứ bảy, chủ nhật tuần đầu tiên của tháng, hoặc các ngày lễ lớn của đất nước, của Lực lượng Công an. Thời gian biểu diễn từ 1,5 đến 2 tiếng mỗi tối.

Kỷ niệm 10 lần tham gia Nhạc hội Cảnh sát

Chúng ta là chiến sĩ Công an/ Trung với Đảng, suốt đời vì dân/ Khó khăn, gian khổ biết mấy/ Ghi lời Bác dạy, ta quyết vượt qua...” – giai điệu vui tươi, hào hùng của “Hành khúc CAND” vang vọng bên tai tôi ngay khi bước vào trụ sở Đoàn Nghi lễ CAND. Những ngày này, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đơn vị đang hăng say tập luyện cho chương trình ra mắt phục vụ nhân dân tại Hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần.

Thượng tá Đỗ Ngọc Anh, Trưởng đoàn Nghi lễ CAND cho biết, Đội Nhạc lễ được thành lập từ năm 1975, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nghi lễ trong CAND. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, hiện Đội Nhạc lễ trực thuộc Đoàn Nghi lễ CAND, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 1

CBCS Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn ở buổi tổng duyệt tối 6-10 tại Hồ Hoàn Kiếm.

Mỗi năm, Đội trực tiếp phục vụ hàng trăm nghi lễ trong và ngoài Lực lượng CAND, cũng như biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và tham gia tích cực các cuộc giao lưu âm nhạc quốc tế.

Đội Nhạc lễ đã 2 lần cử nhạc công tham gia Hoà nhạc Cảnh sát các nước ASEAN (tại Singapore); tham gia Đại nhạc hội Cảnh sát thế giới lần thứ 43 tại Bremen – Cộng hoà Liên bang Đức năm 2007 và 7 lần tham gia Nhạc hội Cảnh sát thế giới do Báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức tại Nhật Bản, Indonesia, Myanmar và Việt Nam.

Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 2

Bộ trưởng Tô Lâm trao đổi với một nhạc công.

Qua các lần tham gia biểu diễn với Cảnh sát các nước thế giới và trong khu vực, mặc dù nhạc cụ, trang phục còn ít về số lượng, thiếu về chủng loại và tính đồng bộ... nhưng Đoàn Việt Nam đã nỗ lực hết mình, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, người chiến sỹ CAND Việt Nam nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

“Mỗi lần tham gia Nhạc hội Cảnh sát thế giới, chúng tôi tự nhủ sẽ mang hết khả năng của mình với chất lượng chuyên môn cao nhất, vì vinh dự, trách nhiệm và truyền thống của Lực lượng CAND Việt Nam”, Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó trưởng Đoàn Nghi lễ CAND phụ trách âm nhạc chia sẻ. Chính vì vậy mà đơn vị đều hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn đề ra, giữ vững tư thế, lễ tiết, tác phong của người CBCS Công an.

Theo Đại uý Nguyễn Tiến Dũng, Nhạc trưởng chỉ huy dàn kèn, việc biểu diễn trước công chúng Thủ đô lần này, mỗi CBCS đều tự thấy phải nỗ lực gấp nhiều lần để thực hiện thật tốt.

“Việc chuẩn bị xuống đường diễu hành cũng khiến tôi nhớ tới lần biểu diễn trước đông đảo người dân ở Đức năm 2007. Dù âm nhạc của mình không thể so sánh với các nước châu Âu hay Mỹ... tuy nhiên cảm giác được đứng cạnh, diễn cùng những người bạn đến từ các quốc gia có nền âm nhạc phát triển khiến chúng tôi rất tự hào, hãnh diện”, anh thừa nhận.

Đại uý Đoàn Phùng, nhạc công kèn Clarinett thì cho rằng, những lần lưu diễn giúp nhạc công như anh có thêm kinh nghiệm chuyên môn và nghệ thuật trình diễn. Chẳng hạn, Mỹ có phong cách biểu diễn đường phố rất chuyên nghiệp, đa phần dàn nhạc là trống với tiết tấu sôi động, còn Nhật Bản thì theo dòng nhạc sâu lắng, tình cảm. Đặc biệt người Việt Nam sang Nhật được người dân nơi đây rất yêu quý, họ đứng hai bên đường xem rất đông, thường chụp ảnh cùng, xin email liên lạc và hẹn ngày gặp lại sớm nhất...

Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 3

Đông đảo người dân hào hứng theo dõi một tiết mục trong chương trình tổng duyệt.

“Vì thế, càng tiếp thêm lửa tự hào, lòng yêu ngành, mến nghề và nhiệt huyết với công việc. Chúng tôi cũng thường nhìn bạn để biết rằng mình cần cố gắng phấn đấu nâng tầm lên”, nam nhạc công tâm sự.

Còn đối với nhạc công trẻ Ngô Thành Đạt, ấn tượng nhất là lần được chọn đi Myanmar dự Nhạc hội Cảnh sát thế giới năm 2017.

“Lần đầu tiên người dân nơi đây được thưởng thức diễu hành đường phố ở tuyến đường chính của thành phố Yangon, họ đổ ra chật kín hai bên đường để xem, khi đoàn Việt Nam đi qua thì vỗ tay cổ vũ rất nhiệt tình. Chúng tôi đi đều khoảng 2 cây số biểu diễn liên tục dưới thời tiết oi nồng, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng không hề mệt mỏi, trái lại còn sung sức hơn”, anh kể.

Đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật khác các đơn vị khác ở chỗ, mỗi nghệ sỹ có một nhiệm vụ, khó có thể thay thế được, do đó mỗi CBCS phải cố gắng hết sức mình để đóng góp vào thành công chung của cả tập thể.

Và món ăn tinh thần mới lạ phục vụ công chúng Thủ đô

Việc Đoàn Nghi lễ CAND tập luyện và biểu diễn phục vụ nhân dân tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an qua các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và đơn vị.

Lực lượng CAND qua 74 năm phát triển và trưởng thành đã giành được nhiều thắng lợi to lớn đặc biệt nhờ sự đùm bọc, giúp đỡ của quần chúng nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng hình ảnh người CAND đẹp trong lòng nhân dân là nhiệm vụ xuyên suốt mà vai trò của mỗi CBCS Công an hết sức quan trọng.

“Chúng tôi muốn tạo dựng ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người chiến sỹ Công an không chỉ nghiêm trang, trách nhiệm trong màu áo cảnh phục mà còn mang trái tim nhân ái, vì dân phục vụ”, Thượng tá Đỗ Ngọc Anh khẳng định.

Chương trình biểu diễn sẽ bao gồm hai nội dung: Diễu hành quanh tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, xuất phát từ đường Đinh Tiên Hoàng (trước tượng đài vua Lý Thái Tổ) đến đường Lê Thái Tổ, Hàng Khay và kết thúc tại vị trí ban đầu; và biểu diễn hoà nhạc, văn nghệ trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ.

 “Đối với diễu hành đường phố, ngoài những lúc đứng theo khối cố định chúng tôi còn triển khai đội hình xếp thành khối nhỏ, đi đan xen với nhau, thể hiện sự linh hoạt của các nhạc công. Khi xếp hình vuông, khi xếp thành các hình tròn như những bông hoa chào mừng ngày lễ của dân tộc, hay hình vòng cung như bàn tay nâng cúp, ở giữa có các diễn viên múa...”, Thượng tá Trịnh Anh Thông thông tin thêm.

Theo anh, việc bổ sung đội múa minh hoạ bên cạnh dàn kèn, đặc biệt là những vũ nữ mặc áo dài truyền thống, có phụ kiện như nón, quạt đi theo để thể hiện bản sắc văn hoá Việt Nam sẽ làm mềm tác phong của người chiến sỹ Công an vốn mạnh mẽ, dứt khoát, uy nghiêm, dễ gây thiện cảm đối với khán giả hơn. Hàng loạt ca khúc ý nghĩa: “Vì nhân dân quên mình”, “Tiến về Hà Nội”, “Nối vòng tay lớn” hay Diễu binh số 1, Diễu binh số 2... sẵn sàng tạo ra những không gian, sắc thái âm nhạc khác nhau phục vụ công chúng.

Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 4

Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra công tác luyện tập và động viên các chiến sỹ - nghệ sỹ.

Thực tế, hiện không nhiều người dân được thụ hưởng trực tiếp âm nhạc chính thống, chuyên nghiệp như thế này. Do đó, đây là món ăn tinh thần mới lạ đối với công chúng khi các CBCS Công an ôm kèn vừa đi vừa tấu nhạc.

Nhìn những chiếc kèn Tuba, Helicon hay Trống cái cồng kềnh, nặng 10 - 14kg, che khuất cả nhạc công khiến tôi không khỏi e ngại những lúc các anh vừa thổi vừa di chuyển, vừa đi vừa tạo hình...

Nhưng có lẽ việc thuần thục các ca khúc từ trước và có sự tập luyện liên tục mỗi ngày từ hơn một tháng nay đã khiến các CBCS có đủ thể lực và kinh nghiệm để đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề theo nghĩa đen này.

“Tuyệt vời! Hoan nghênh sáng kiến của Bộ trưởng Tô Lâm. Những bản nhạc hùng tráng nhắc nhở lòng yêu nước vì độc lập tự do của dân tộc ta”; “Một món ăn tinh thần rất mới lạ và ý nghĩa, mong Bộ trưởng nên duy trì thường xuyên cho nhân dân và du khách thưởng thức”; “Thứ bảy tuần này tôi sẽ lên phố đi bộ thưởng thức... nét văn hóa rất đẹp cho Hà Nội, cho ngành Công an”... là những bình luận của bạn đọc trên báo chí và mạng xã hội những ngày qua ủng hộ chương trình.

Có lẽ, việc đời thường hoá chương trình nghệ thuật từng chỉ phục vụ biểu diễn trong các sự kiện, hoạt động của ngành Công an đã mở ra một lối tiếp cận mới về tinh thần đối với công chúng. Hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm nói riêng, lực lượng CAND nói chung trở nên bình dị, gần gũi hơn trong lòng nhiều người dân Thủ đô...

Một số hình ảnh khác tại lễ tổng duyệt:

Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 5
Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 6
Chuyện những chiến sỹ Công an ôm kèn tấu nhạc phục vụ người dân ở Hồ Hoàn Kiếm - 7

Dàn kèn 65 chiến sỹ biểu diễn chào mừng giải phóng Thủ đô

Tối 6-10 vừa qua, Đoàn Nghi lễ CAND đã tổ chức buổi tổng duyệt tại Hồ Hoàn Kiếm, trước khi chính thức ra mắt công chúng Thủ đô. Bộ trưởng Tô Lâm cùng Thứ trưởng Lương Tam Quang và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã tham dự chương trình, kiểm tra tiến độ tập luyện và động viên CBCS. Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao công tác chuẩn bị, tập luyện của Đội Nhạc lễ, khẳng định đây là một thiết chế văn hóa của Bộ Công an phục vụ nhân dân, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. 

Tuy nhiên, thiết thực chào mừng ngày này, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Đội Nhạc lễ bổ sung đội hình tham gia dàn kèn gồm 65 đồng chí để ý nghĩa và phù hợp hơn với bối cảnh thời gian kỷ niệm ngày lễ. Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ cùng đi với đoàn đã yêu cầu Đoàn Nghi lễ CAND nói chung, CBCS Đội Nhạc lễ nói riêng tích cực tập luyện để đảm bảo đúng yêu cầu và gây ấn tượng với quần chúng nhân dân tại buổi biểu diễn đầu tiên...

Đội Nhạc lễ từng tham gia và giành giải B Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc lần thứ nhất, Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức tại Hà Nội năm 1993. Tháng 10-2017 tham gia Liên hoan Nhạc kèn toàn quốc lần thứ hai, đơn vị có 2 tiết mục đoạt giải A, 2 tiết mục đoạt giải B và Bằng khen của Hội Nhạc sỹ Việt Nam (Ban tổ chức không trao giải tập thể).

Theo Quỳnh Vinh

Công an nhân dân