Chuyện người và xe ô tô
"Tạm dừng mua sắm xe công”; “Định mức sử dụng xe công”... Điệp khúc kêu gọi này nghe quen quá, vì nếu không lầm, đã được phát ra khá nhiều lần trong hai năm qua.
“Phát” hoài nhưng chưa thấy “động”. Vì sao? Vì ta cảm thấy chủ trương tiết kiệm này thiếu chương trình hành động, thiếu lộ trình, thiếu tập trung vào một số đối tượng phải thực hiện.
Muốn biết mức độ xài sang của người chơi xe công, có lẽ Bộ Tài chính nên ngó qua các xe đang sử dụng ở khối các tổng công ty, công ty quốc doanh thuộc các bộ, nhất là các đơn vị quản lý kinh tế thuộc Bộ Giao thông vận tải - cỡ PMU18 chỗ ông Bùi Tiến Dũng - sẽ rõ.
Nhiều sếp làm kinh tế quốc doanh thường chi thoải mái ngân sách để sắm cho mình những ô tô đời mới cáu cạnh, đầy đủ “đồ chơi” mà dân thường nhìn phát nóng lạnh. Họ lâng lâng hãnh diện khi ngồi trên những chiếc xe không đụng hàng, trong lúc không ít trường hợp công ty đang làm ăn sa sút, công nhân đói kém hoặc tham nhũng, chia chác tràn lan.
Tại sao không chọn những đơn vị như vậy làm điểm kiểm tra xe công, từ đó trưng thu xe vượt tiêu chuẩn, mang đấu giá, sung công quĩ, như Trung Quốc vừa làm. Cách đây khoảng 20 năm khi đến Ấn Độ, tôi chứng kiến sự làm gương tiết kiệm của chính phủ, khi từ Thủ tướng Ấn Độ đến các Bộ trưởng đều dùng ôtô lắp ráp trong nước.
Tôi nhớ mãi một câu chuyện về chiếc xe công bốn bánh xảy ra ở TPHCM vào thời buổi gạo châu củi quế của những năm 1980 đổi mới: một vị giáo sư có tiếng và có nhiều đóng góp cho TP, khi được ông chủ tịch TP cấp một ô tô để đi giảng dạy (thay cho chiếc Mobylette cà tàng), ông đã cảm ơn nhưng không dám nhận sự chăm sóc này.
Ông tâm sự: nếu “chính sách xe bốn bánh” này áp dụng chung cho giới trí thức - đồng nghiệp thì mới có thể nhận, còn một mình hưởng ưu đãi thì làm sao lòng mình yên được! Lòng tự trọng và e ngại thụ hưởng của công đó có dễ tìm thấy trong những viên chức đang ngồi trên những chiếc ô tô cao cấp không?
Cần một chính sách “đưa xe tải nhỏ đến nông dân”: bù giá, giảm thuế xe tải nhỏ, cho nông dân vay xe trả chậm, mở nhiều trường dạy lái xe ở nông thôn, làm đường về tận làng quê... để người nông dân VN có thể hưởng được hạnh phúc của người làm chủ chiếc xe - làm chủ được nông sản do mình làm ra.
Theo Lê Văn Nuôi
Tuổi Trẻ