1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện một nữ tướng cướp tuổi 14

13 tuổi bỏ nhà đi hoang, 14 tuổi cùng đồng bọn cướp xe ôm và không tránh khỏi vòng lao lý. Chúng tôi gặp khi nó mới bị bắt, chiếc áo phông đỏ, quần bò lửng te tua, ánh mắt lỳ lợm của tên cướp nữ chưa đủ tuổi thành niên gây ấn tượng mạnh…

Gần 2 năm sau, bất ngờ gặp lại nó trong Trại giam Thanh Phong (tỉnh Thanh Hoá), vẫn mái tóc tỉa bám theo đầu, vẫn còn ánh mắt khá lì lợm, nhưng nó đang cười, đang nói.

 

“Cún, ra có người gặp!” - cách gọi phạm nhân của quản giáo Nguyễn Thị Ngân thật khác lạ. Rồi một nữ phạm nhân, mặt búng ra sữa rời xưởng khâu bóng.

 

Tôi không tin vào mắt mình khi đối diện với nữ phạm nhân trẻ nhất trại giam này. Nó đây thôi, nữ tướng cướp có cái tên thật đẹp - Nguyễn Huyền Thương. Nó còn cái tên dễ thương khác nữa mà các điều tra viên Công an huyện Đông Anh cho chúng tôi biết 2 năm về trước - Cún.

 

Hôm nay, cái tên đó lại vang lên trong trại giam, nơi nó đang ở giữa hàng trăm phạm nhân nữ với đủ mọi hành vi gây tội.

 

“Cún” đi cướp

 

Đêm 10/11/2006, anh Nguyễn Xuân Hân, lái xe ôm trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội đón hai vị khách trẻ trên đường Nguyễn Văn Cừ. Hai vị khách bảo cho về khu vực Cầu Đôi, huyện Đông Anh. Khi đến con đường vắng bên cạnh Công viên Cầu Đôi, giáp quốc lộ 3, bất ngờ gã thanh niên gí dao vào cổ anh. Đứa con gái nhanh như sóc nhảy xuống xe, lấy gạch đập vào đầu anh Hân.

 

Rất may, viên gạch trượt khỏi cái đầu không đội mũ bảo hiểm của anh. Do có sức khỏe và phản ứng nhanh, anh Hân kịp thời bẻ được con dao trong tay tên cướp và hô hoán. Hai đối tượng vội nhảy lên xe định tẩu thoát nhưng anh Hân đã rút được chìa khoá nên chúng đành bỏ chạy về phía cánh đồng.

 

Lạ đường, đứa con gái vấp ngã túi bụi khi chạy trên các thửa ruộng. Chỉ 15 phút sau, nó bị nhân dân địa phương bắt được. Người dân ngỡ ngàng khi tên cướp chỉ là một bé gái 14 tuổi. Tại trụ sở Công an huyện, nó khai tên là Nguyễn Ngọc Gia Anh, bỏ nhà lang thang theo nhóm bạn chát. Đồng bọn của nó là Tuấn “sẹo”.

 

Ánh mắt lỳ lợm, cách trả lời ráo hoảnh của nó khiến các điều tra viên biết nó khai báo gian dối. Phải đến sáng hôm sau, nó mới khai tên thật của mình là Nguyễn Huyền Thương. Kẻ đồng phạm là Trần Nhật Khải, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội).

 

Trước khi gây án, cả hai đều đi lang thang, quen nhau trên mạng, gặp nhau ở nhà nghỉ và bàn kế hoạch đi cướp cũng tại nhà nghỉ. Vì quá cần tiền trả cho việc thuê phòng nghỉ, ngày 10/11/2006, chúng ra tay. 20 giờ sau khi gây án, chúng nhìn nhau ngỡ ngàng bởi không tin cả hai bị bắt nhanh thế. 

 

Nguyễn Huyền Thương sinh năm 1992, ở thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Những năm học cấp 1, nó liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bắt đầu lên cấp 2, Thương vẫn là học sinh khá. Nó được mọi người gọi bằng cái tên “Cún” thân mật.

 

Nhưng, ở cái tuổi đang đẹp của cuộc đời ấy, “Cún” phải đối mặt với chuyện bố mẹ bỏ nhau. Chán nản vì chuyện gia đình, việc học hành của Thương bắt đầu sa sút. Nó kể với chúng tôi về sự xuất hiện của một người đàn ông mới trong gia đình, về một câu chuyện khá tế nhị đã làm thay đổi cuộc đời Thương.

 

Sống trong gia đình không hạnh phúc và sự đổ vỡ trong tình cảm của người lớn chính là cái cớ để nó bỏ nhà đi hoang. Dù vậy, nó là đứa sống tình cảm, thương mẹ và đặc biệt là thương đứa em gái 3 tuổi cùng mẹ khác cha. Đang học lớp 8, nó bỏ học.

 

Ngày quyết định bỏ nhà ra đi, nó đã lấy cắp tiền của mẹ để mua đồ chơi cho em, mua một cuốn sổ rồi ghi vào đó những lời lẽ yêu thương gửi mẹ. Thương mẹ, thương em nhưng nó không vượt qua được chính mình.

 

Ra khỏi nhà, nó bắt đầu bước vào con đường đi hoang với chút tiền ít ỏi mang theo. Lao vào quán nét, Thương tìm một số bạn cùng trang lứa, sở thích rồi cùng nhau thuê nhà nghỉ. Chưa đầy 14 tuổi, nó đã trở thành đàn bà.

 

Những ngày lang thang ở TP Lạng Sơn, đứa bé gái đã nếm trải đầy đủ mùi đời. Lạng Sơn dường như quá nhỏ trong trí tưởng tượng của đứa trẻ mới bước vào đời. Thương tìm đường xuống Hà Nội, lại vào quán nét tìm bạn mới.

 

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, những người bạn của Thương cũng chẳng hơn gì nó, cũng đều là trẻ bỏ nhà đi hoang. Từ nhà nghỉ quận Long Biên, nó cùng bạn mò vào nội thành.

 

Tại một nhà nghỉ trên phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, Thương đã cùng Khải bàn bạc kế hoạch cướp xe ôm. Trước khi đi, chúng để lại ba lô quần áo cùng một nhóm bạn. Khi Công an đến nhà nghỉ này, nhóm bạn cùng trọ với chúng đã bỏ đi, chỉ còn lại ba lô của hai đứa.

 

Ngày Thương bị bắt, điều tra viên phải lên Lạng Sơn đón mẹ nó, bởi nó cần có người giám hộ. Tôi đã cố chờ để gặp mặt người đàn bà bất hạnh ấy. Người mẹ này đã nhịn bữa trưa trong tâm trạng thấp thỏm đợi gặp con. Và rồi người mẹ mới 36 tuổi lặng người đi khi biết hành vi phạm tội của con gái. Chị khóc nấc lên khi tôi kể lại những gì mà con gái chị đã nói về hành trình phạm tội của nó, về cả tình thương yêu nó dành cho mẹ và em gái.

 

Mẹ con họ gặp nhau trong nước mắt. Đứa con gái bám lấy mẹ, rúc vào mẹ. Hai cuộc hôn nhân bất hạnh của người mẹ là một trong những nguyên nhân khiến đứa con gái sa ngã.

 

Ước mơ ngày trở về

 

Sau khi nhận bản án 30 tháng tù giam, Thương được đưa từ Trại tạm giam Hà Nội đến Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An) rồi đến Trại Thanh Phong. Còn đồng bọn của Thương được đưa đến Trại Phú Sơn (tỉnh Thái Nguyên). Tại đây, nó nhận được nhiều sự ưu ái từ quản giáo và các phạm nhân.

 

Ngồi giữa các phạm nhân nữ trong xưởng giày, nó thật bé nhỏ. Đôi bàn tay mũm mĩm của nó thoăn thoắt xâu kim, rút chỉ. Tôi lặng lẽ quan sát, trông Thương già hơn so với 2 năm trước. Ánh mắt đã tự tin hơn chứ không chỉ cúi gằm nhìn xuống như trước.

 

Thương kể, nó ở Trại 6 có 5 tháng mà mẹ đưa em gái đến thăm 3 lần. Hiện tại, mỗi tháng mẹ ký gửi cho Thương 300.000 đồng. Lương giáo viên của mẹ vốn không nhiều, lại phải nuôi em nên nó biết mẹ phải rất tằn tiện. Lần nào gặp chị, đứa em cùng mẹ khác cha mới 5 tuổi cũng bảo “Chị về với em đi”. Mỗi lần như vậy, Thương ngậm ngùi quay đi và tự hứa sẽ cải tạo thật tốt.

 

Sự quan tâm của mẹ, của em đã lấp khoảng trống của người cha. Từ khi nó ở tù, bố nó chưa một lần đến thăm. “Mẹ cháu nhiều bệnh, ốm yếu luôn, mỗi khi đi từ Lạng Sơn vào đây thăm, mẹ càng mất sức...”, nó tâm sự.

 

Quản giáo Nguyễn Thị Ngân cho biết, lúc mới vào trại, Thương tỏ ra bướng bỉnh, hát hay nhưng không thích vào đội văn nghệ. Mỗi lần hai mẹ con gặp nhau lại khóc. Ban đầu nó không chịu làm việc, chị phải tác động dần dần nay mới tích cực hơn.

 

Hỏi về ước muốn sau khi ra tù, Thương thổ lộ: “Cháu muốn đi học lại”. Nếu đúng hạn, tháng 4/2009 Thương sẽ được ra tù. Lúc đó nó mới 17 tuổi. 17 tuổi xin đi học lại lớp 8 cũng không muộn. Nó vốn học khá, nếu cố gắng rất có thể nó sẽ thi đậu đại học. Tương lai của “Cún” đang đợi nó ở phía trước

 

Theo Việt Hà - Cao Hồng 

Công an Nhân dân