Chuyện lạ ở khu chung cư giữa Thủ đô
Tầng 2 - cơm bình dân; Tầng 5 - vàng mã, chè Thái Nguyên; Tầng 4 - bán và cho thuê đĩa, các loại thẻ điện thoại; Tầng 9 - bật lửa thuốc lá các loại; phòng 50.. - May đo, sửa chữa quần áo…
Đó là những tấm biển “lạ” đập vào mắt người lần đầu tiên đến nhà B11A khu Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Ăn sáng tầng 9, ăn trưa tầng 2
Đến khu tái định cư Nam Trung Yên thời điểm này, người ta bắt gặp một không khí rộn ràng của một khu chợ hơn là một khu nhà ở của người dân.
Không biết có phải vì đa phần những người dân ở khu tái định cư này chính là những người dân sống tại khu Kim Liên cũ, nơi có chợ Kim Liên nổi tiếng, nên khi chuyển về đây, không khí của khu chợ Kim Liên cũng kéo theo luôn về hay không, nhưng khắp các tầng, đâu đâu cũng thấy một không khí mua bán tấp nập.
Quán cơm phục vụ ngay trên tầng 2 chung cư Nam Trung Yên
Chưa có luật nào cấm các gia đình ở khu chung cư kinh doanh, nên gần như tầng nào cũng có các dịch vụ bán hàng.
Dọc hành lang của các tầng, tầng nào cũng có sẵn bếp than để nghi ngút khói. Hỏi ông Nguyễn Hoàng Ng. (40 tuổi - sống tại khu nhà 11B), ông cho biết, có đến 50% các hộ dân ở đây đều sử dụng bếp than cho tiết kiệm. Để trong nhà thì sợ nguy hiểm nên mọi người hè nhau chuyển hết ra hành lang.
Nhà nào cũng có, cũng phải ngửi khí độc “công bằng” như nhau nên chẳng bao giờ thấy cãi nhau. “Chỉ thương các cháu nhỏ, cứ tung tăng chơi trong cái hành lang chật chội, cạnh bếp than nghi ngút khói” - ông Ng. nói.
7 giờ sáng. Khu nhà B3... rộn ràng hơn vì quán bún phở mở trên tầng 9 của căn hộ nhà chị H. Mọi người ở các tầng đến “quán” nhà chị ăn sáng. Trong nhà chật, không đủ chỗ, hành lang của mấy nhà được trưng dụng bán hàng. Không khí tấp nập cũng chả kém gì mấy hàng ăn sáng dưới chân chung cư.
11 giờ trưa. Sang tầng 2 nhà B11…, một quán cơm bình dân được dọn ra sẵn ở hành lang. Hỏi tại sao lại bán ở ngay trong chung cư, chị chủ hồn nhiên “nhà chả có việc gì thì bán cơm kiếm sống”.
Hàng cơm này rất đông khách vì cơm ngon, giá cả phải chăng nên nhiều người ở các khu khác cũng tranh thủ sang ăn trưa để đỡ phải nấu. Cầu thang tấp nập người lên kẻ xuống, miệng ai cũng ngậm tăm hỉ hả vì chả phải đi xa mà vẫn được ăn ngon.
Lý giải về chuyện này, bác Vũ Thị Tr.. (52 tuổi) - người đã về khu Nam Trung Yên từ những ngày đầu tiên này - cho biết: “Quanh đây đồng không mông quạnh, chợ thì xa, quán chả có, những người dân đến khu tái định cư này nhiều người chưa có việc nên tranh thủ làm ăn thế này cũng tốt cho các hộ xung quanh, đỡ phải đi xa để ăn. Tôi già rồi, nhà ở tầng cao, lắm khi ngại xuống tầng, được ăn sáng ở tầng 9, ấn thang máy là nó đến nơi, vậy cũng đỡ”.
Đi chợ bằng thang máy
Ngay tại tầng 9, tòa nhà B3 của khu Nam trung Yên, chúng tôi bắt gặp một hàng tạp hóa bán đầy đủ gia vị, mắm muối, thực phẩm khô, chẳng khác gì một siêu thị thu nhỏ. Lang thang dọc các tầng khác, chốc chốc lại có thể mua được cà chua, hành mùi, rau muống...
Hình thức kinh doanh này đều do các hộ tự phát. Đầu tiên là mọi người cải tạo lại phòng khách để kinh doanh. Một thời gian sau thấy chật chội quá thì tràn cả ra hành lang. Nhà nào không chịu được thì... tự bán nhà rồi tìm nơi khác để sống.
Thang máy của những khu nhà này, không biết vì lí do gì, có 2 thang thì luôn hỏng một chiếc. Vào giờ cao điểm chợ búa hoặc ăn trưa, chiếc thang duy nhất hoạt động hết công suất, đến mức, để gọi được thang, phải chờ ít nhất 5 phút. Và mỗi một tầng, thang máy lại dừng lại để phục vụ cho nhu cầu mua sắm thực phẩm của các bà nội trợ trong chung cư.
Một trong những bà nội trợ dùng thang máy đi chợ than thở “Giờ muốn đi chợ thì xa lắm, phải lấy xe máy đi bất tiện vô cùng, kể cả cái chợ tạm thì ở đây cũng có cái nào đâu. Ngày xưa ở khu Kim Liên, ra trước hè là mua được xong bữa ăn cả ngày. Tốt nhất là cứ để các nhà kinh doanh thế này thì còn tranh thủ chợ búa được. Chứ đi chợ có mà hết ngày”.
Niềm vui có nhà mới hơn, khang trang hơn để ở có lẽ chưa đến được với người dân khu tái định cư Nam Trung Yên.
Trước đây, khi mới nhận nhà thì người dân nơi đây đã phải đối mặt với cảnh đường xá gập ghềnh, bụi mù do chưa thi công xong, chẳng trường học, chẳng chợ búa, chẳng nước nôi… Còn bây giờ, khi điều kiện đã khá hơn thì họ lại sống trong một khu chung cư ô nhiễm và nhếch nhác, không khác gì mấy so với cảnh sống cũ ở Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, từ cuối tháng 12/2005, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên được bắt đầu và thời gian hoàn thành là 21 tháng.
Theo hợp đồng thi công, TP Hà Nội sẽ đầu tư 240 tỷ đồng (sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Nam Trung Yên.
Chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý trọng điểm các công trình giao thông đô thị Hà Nội, đơn vị tư vấn là JBSI - Nhật Bản, thi công là Liên doanh nhà thầu Vinaconex và TCty xây dựng Sông Hồng.
Dự án chiếm 56 ha đất của các phường Yên Hoà, Trung Hoà (quận Cầu Giấy) và xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm). Các hạng mục chủ yếu của dự án là san nền, làm đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, tuy nen kỹ thuật, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và trồng cây xanh...
Mục tiêu dự án là xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của hơn 10.000 người dân, phục vụ công tác di dân, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm phát triển đô thị trên địa bàn Hà Nội.
Theo nhận xét của nhiều người thì khu tái định cư Nam Trung Yên được đánh giá là nằm ở vị trí thuộc diện đẹp nhất trong các khu tái định cư của Hà Nội từ trước đến nay.
Từ năm 2006, để phục vụ nhu cầu xây dựng đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa thuộc đường vành đai I, hàng trăm hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng đã được đưa về đây sinh sống. |
Theo Vietnamnet