1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thừa Thiên Huế:

Chuyện kể của nhóm người mắc kẹt 10 ngày băng rừng vượt lũ

(Dân trí) - Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Khu Bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay (8/11) đã kể lại hành trình 10 ngày vượt rừng suối nguy hiểm, cam go của nhóm kiểm lâm cùng lâm tặc trong cơn lũ để về nhà an toàn.

Sau khi vượt rừng về đất liền an toàn cách đây 2 ngày, hôm nay, các cán bộ kiểm lâm thuộc Khu Bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên lại trạm ở huyện miền núi A Lưới làm nhiệm vụ. Ông Lê Ngọc Tuấn hiện đang ở A Lưới đã kể lại cho chúng tôi về hành trình vượt rừng vượt lũ nguy hiểm kéo dài suốt 10 ngày của mình.

Vào ngày 27/10, nhận tin từ đồn biên phòng Hương Nguyên có lâm tặc, Khu Bảo tồn Sao la đã cử ông Lê Thanh Hướng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao la cùng 7 kiểm lâm viên của Hạt và 2 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng của Đồn Biên phòng Hương Nguyên lên thượng nguồn Khe Dầu. Tại đây họ phát hiện 4 người dân đang vận chuyển lâm sản về nên đã bắt giữ.

Trong quá trình bắt giữ xong thì mưa to. Anh em kiểm lâm phải lên đồi cao gọi điện thoại về vì sóng rất yếu. Ông Tuấn cử thêm 6 đồng chí và 2 bộ đội biên phòng vào trạm kiểm lâm 74 cách vị trí Khe Dầu chừng 15km để hỗ trợ lương thực và tìm cách tiếp cận Khe Dầu giúp đoàn về. Tuy nhiên đoàn đã không tiếp cận được.

Ông Tuấn thuê 3 chiếc ghe của người dân xã Bình Điền (thị xã Hương Trà) với giá rất cao (3 triệu/ngày) cố gắng vận chuyển lương thực từ trạm Tu Re theo đường suối lên thẳng cho 10 anh em. Nhưng nước lũ đang về quá lớn nên ghe không đi được.


Khu vực 10 kiểm lâm, bộ đội cùng 4 lâm tặc trú đã bị nước lũ tấn công làm mọi người phải rút lên núi cao

Khu vực 10 kiểm lâm, bộ đội cùng 4 lâm tặc trú đã bị nước lũ tấn công làm mọi người phải rút lên núi cao

Đêm 1/11, nước tiếp tục lên cao, lâm sản thu giữ bị nước cuốn trôi, riêng chiếc ghe 10 cán bộ đã dùng để đi lên lúc đầu bị nước đánh, đâm vào đá chìm.

10 người cùng 4 lâm tặc rút lên đồi cao chờ tiếp cứu. Mọi người lúc này đã hết lương thực, chỉ ăn được 1 buổi 1 ngày, gạo còn lại dốc hết nấu với rau rừng chống đói. Cái lạnh, đói làm tất cả kiệt sức.

Chiếc ghe đã bị sóng nước đánh vỡ
Chiếc ghe đã bị sóng nước đánh vỡ

Một chủ ghe rất giỏi đi trong lũ thượng nguồn đã vượt nguy hiểm, đem theo các đồ ăn cần thiết tiếp cận được nhóm người mắc kẹt vào sáng 2/11. Tuy nhiên sau đó do vượt qua nhiều ghềnh thác nên chủ ghe bị gãy chân, ông Hướng phải lên ghe cùng 4 lâm tặc đi theo đường suối vẫn đang chảy xiết về xuôi. Nhóm 9 cán bộ còn lại buộc phải cắt rừng, sử dụng bản đồ, GPS và các dụng cụ để tìm đường khác về nhà.

Vào sáng 4/11, nhóm 9 kiểm lâm, bộ đội biên phòng đi bộ trong rừng, vừa đi vừa bứt măng rừng ăn cầm hơi. Đi từ 9h sáng đến 20h30 tối cùng ngày, 9 anh em đã về được đến Trạm Kiểm lâm Tu Re ở đường 74 giữa huyện Nam Đông và A Lưới.

Riêng Phó Hạt trưởng Lê Thanh Hướng cùng 4 lâm tặc đi ghe xuôi về theo suối và thác gặp nhiều đá, sóng nước cuốn dữ dội có nhiều lúc tưởng chừng không qua được. Nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm, ghe đi men theo bờ trên chiều dài 15km đường sông nên đến trưa 6/11 cũng đã về đến chân đập lòng hồ thủy điện Bình Điền.

“Nguy hiểm nhất là lúc các anh em băng rừng. Tôi không thể tả cảm giác đó được, trong cơn lũ dữ, cây rừng bị mục rơi xuống rất nhiều, các con đường bị sạt lở có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào, rắn rết, đá trượt… chờ chực ở mọi phía. Nhiều đoạn băng qua suối nước lớn, nhất là con suối chính ở thượng nguồn, mọi người phải quăng dây qua bờ bên kia, sau đó men theo dây, tay nắm nhau để bơi vượt qua suối. Riêng anh Hướng đi ghe cũng rất nguy hiểm đến tính mạng vì những ngày đó nước lũ về mạnh khôn xiết” – ông Tuấn kinh hãi kể lại.


Nhóm người bị mắc kẹt phải bứt măng rừng, nắm tay nhau bơi vượt qua suối.

Nhóm người bị mắc kẹt phải bứt măng rừng, nắm tay nhau bơi vượt qua suối.

Ông Tuấn cho biết đã từng đau đớn khi có 2 đồng đội bị mất khi đi tuần tra trong rừng do cây gãy đổ và sương mù. Nên giờ đây, khi gặp lại mọi người trở về an toàn, ông đã ôm chầm lấy anh em mà khóc, mà nhảy. Ông Tuấn cảm động gửi lời cảm ơn cấp trên, các trạm kiểm lâm tại Hương Trà, A Lưới và người dân đã hỗ trợ để toàn bộ mọi người trở về bình an.


Ông Lê Ngọc Tuấn (thứ 2 từ trái sang) ôm anh em kiểm lâm khóc vì quá mừng.

Ông Lê Ngọc Tuấn (thứ 2 từ trái sang) ôm anh em kiểm lâm khóc vì quá mừng.


Ông Lê Thanh Hướng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La đã cùng điều khiển ghe với người chủ ghe bị gãy chân và 4 lâm tặc về an toàn trưa 6/11.

Ông Lê Thanh Hướng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La đã cùng điều khiển ghe với người chủ ghe bị gãy chân và 4 lâm tặc về an toàn trưa 6/11.

Trong ngày 8/11, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã lên tại Khu Bảo tồn Sao la tại A Lưới trao thưởng nóng 2 triệu đồng cho các chiến sĩ kiểm lâm.

“Qua câu chuyện này thể hiện tấm lòng những người yêu rừng, luôn sẵn sàng chống lâm tặc mọi lúc mọi nơi của anh em kiểm lâm chúng tôi. Rất mong mọi người và cấp trên hiểu cho công việc hiểm nguy và quan tâm, yêu thương anh em hơn nữa để nhiệm vụ được thực hiện tốt hơn” - Ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm