1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện giếng giấu vàng của vua Hàm Nghi

80 tuổi, một đời trận mạc, đại tá quân đội về hưu Lê Ổn kể về câu chuyện <a href="http://www2.dantri.com.vn/Sukien/2007/4/175002.vip"> giấu vàng của vua Hàm Nghi</a> mà ông biết được từ khi còn nhỏ. Rất dè dặt, chúng tôi ghi lại những lời kể của ông như một nguồn thông tin ban đầu để các nhà nghiên cứu có điều kiện tìm hiểu.

Những giếng vàng - huyền thoại hay sự thật?

Năm 1945, ông Lê Ổn vào bộ đội, năm 1985 ông về hưu. Bây giờ ông sống trong căn nhà nhỏ ở phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Đã bao năm rồi những điều ông nghe được về số vàng của vua Hàm Nghi giấu ở quê mình - làng Uẩn Áo (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy).

Điều mà ông Ổn luôn băn khoăn là có nên nói hay không chuyện vàng của vua Hàm Nghi với mọi người, với chính quyền. Nói ra liệu có ai tin mình? “Từ tháng 3 đến 8/2006, tui ốm một trận tưởng chết. Nghĩ chết là sẽ mang đi hết những bí mật về vàng vua Hàm Nghi mà tui biết được, nên tui đã quyết định báo với chính quyền...” - ông Lê Ổn thổ lộ.

Sinh ra ở làng Uẩn Áo, tuổi nhỏ ông thường chăn trâu cắt cỏ khắp các cánh đồng làng, bên những di tích còn lại của thành Nhà Ngo thời Chăm. Biết bao câu chuyện về vua chúa, quan quân ông được nghe từ các cụ già trong làng.

Trong đó ông nhớ mãi những chuyện người xưa đã kể về đoàn quân của vua Hàm Nghi khi chạy giặc đã trú lại ở thành Nhà Ngo, trước khi ngược lên miền Tuyên Hóa, Minh Hóa lập căn cứ chống Pháp. Trong những câu chuyện ấy, chuyện về bốn cái giếng giấu vàng làm ông nhớ rất dai.

Năm ông Ổn 15 tuổi, trong một lần đi chăn trâu, ông được một người dân trong làng nhờ xuống xem một cái giếng đang đào giữa một đám ruộng. Ông kể: “Tui còn nhớ là người đó nói không biết mắc vô hòn đá chi ở phía dưới mà không đào tiếp được nữa. Lúc đó độ sâu của cái giếng đã khoảng 6-7m.

Ông này mới nhờ bọn tui trèo xuống coi bị mắc cái chi. Tui xuống thấy ngay dưới đáy giếng có một tảng đá màu đen, vuông vức, nhẵn bóng, trông rất lạ. Sau đó tui về kể với ông nội và cha tui thì các ông nói đó là nơi đánh dấu có giếng giấu vàng của vua Hàm Nghi”.

Cùng chứng kiến chuyện xuống giếng này với ông là hai người bạn chăn trâu: ông Bảo (nay đã mất), còn một người nữa tên là Nhừng (đang sống ở TPHCM). Cả ba ông đều là đại tá quân đội về hưu. Theo ông cố sơ truyền lại cho ông Ổn, ngày xưa nhà vua đã từng đứng trên một tảng đá màu đen để nói chuyện với dân làng và quân sĩ.

Bốn giếng vua Hàm Nghi giấu vàng ở Uẩn Áo hay ba giếng, năm giếng? Chúng tôi băn khoăn về điều này và cố gặng hỏi. Ông cho biết: “Nghe đời cố, nội, cha tui truyền lại là có bốn giếng. Thời xưa vào mùa hè, ở chỗ các giếng này không có cây cối chi mọc lên được. Đến nay không biết là ở đó còn có hiện tượng này hay không”.

Ngoài ra, ông còn được truyền lại rằng tại một vùng trồng những bụi tre đằng ngà rất to trước đây ở làng Uẩn Áo cũng là điểm nhận biết về giếng giấu vàng. “Tôi sẵn sàng chỉ lối đến vùng có các giếng này, vì đó là làng tui sinh ra mà. Tuy nhiên bây giờ chắc là nó thay đổi nhiều lắm rồi”.

Cách đây khoảng mười năm, có một người ở Huế ra xin ở lại làng Uẩn Áo làm nghề thợ mộc. Sau đó một đêm, có một tốp khoảng mười người cũng từ Huế ra đã đào bới trên một đám ruộng.

Họ lấy lên nhiều gạch như loại gạch xây thành cổ Đồng Hới và vứt đầy ra ruộng. Người làng sau đó ra nhặt gạch về xây nhà cửa. Không ai biết họ đào tìm cái gì, khi trời sáng thì họ bỏ đi mất.

Bí mật về một cái giếng giữa đỉnh đồi

“Tại vùng đường 12 (đi cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa hiện nay) cũng có một giếng giấu vàng của vua Hàm Nghi. Tui đã tận mắt thấy giếng này và tận tai nghe người dân tộc ở bản quanh đó kể lại” - ông Ổn cho biết thêm.

Đó là vào năm 1955. Khi đó ông Ổn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 229, bộ đội biên phòng đóng ở vùng núi Cha Lo. Một hôm, sau chuyến trinh sát về, mấy người lính đã mách với ông là trên một đỉnh đồi có một cái giếng sâu, rất lạ, xung quanh trồng nhiều bưởi.

Ông Ổn kể: “Lúc đó tui không tin. Vì làm chi giữa rừng núi hoang vu như vậy mà lại có giếng nước?”. Hôm sau cánh trinh sát cầm về cho ông ba quả bưởi to để chứng minh. Lúc đó ông mới quyết định lên đồi tìm hiểu thực hư.

Ông Ổn nhớ lại: “Đó là một ngọn đồi cao, cây cối rậm rạp. Bên trên ngọn đồi rất bằng phẳng. Giếng nước này nằm ngay trên đỉnh đồi. Xung quanh trồng khoảng 25-30 cây bưởi, gốc to lắm. Quả bổ ra có màu đỏ, ăn ngọt lừ.

Nhìn xuống giếng thấy cây cối mọc chen chúc nên không biết được là sâu bao nhiêu mét, có cái chi bên dưới. Mới đầu cũng nghĩ chỉ là một cái hang thôi, sau vạch lá ra nhìn kỹ mới thấy xung quanh thành được xếp bằng đá rất đều nên mới chắc chắn đó là một cái giếng”.

Theo ông Ổn, ngọn đồi này được người dân gọi là núi Kà Ai. Thời đó, cách chân núi không xa có một bản của đồng bào dân tộc ít người sinh sống, còn gọi là bản Kà Ai.

Ông Ổn kể tiếp: “Thấy giếng lạ, lại nhớ đến những chuyện đời xưa kể về giếng giấu vàng của vua Hàm Nghi, nên tui tìm gặp đồng bào ở bản hỏi về cái giếng này. Một già bản có cho tui biết là đã 95 tuổi, kể rằng cái giếng do một đoàn quan quân bắt người dân trong bản lên đào hơn nửa tháng mới xong. Già bản này cũng là một trong số những người làng bị bắt đi đào giếng”. Và già bản nói rằng đoàn quan quân đã đào giếng để giấu vàng.

Vùng núi này đến nay ông Ổn vẫn còn nhớ được. Nhưng ông cũng không chắc là đến được chính xác ngọn đồi có giếng ấy. Vì qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, bom đạn ngày nào cũng đổ xuống, có thể đã làm thay đổi hình dáng của ngọn đồi xưa.

Đây là câu chuyện của ông Lê Ổn. Những thông tin này xác thực đến đâu thì vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Theo Lam Giang
Báo Tuổi trẻ