Chuyện ghi ở nghĩa trang liệt sỹ
(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, vết thương chiến tranh cũng đang từng ngày, từng giờ được hàn gắn. Thế nhưng có một nơi, nỗi đau chiến tranh vẫn hiện hữu, những giọt nước mắt vẫn rơi...
Tháng 6/1969, tại chiến trường Trị - Thiên, chỉ trong một đêm, đơn vị của ông Đinh Xuân Tam (quê Vĩnh Phúc) hi sinh gần 500 người. Các đồng đội của ông được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị). Năm 2015, cựu chiến binh Đinh Xuân Tam về thăm chiến trường xưa mang theo tâm nguyện thắp một nén hương lên phần mộ của liệt sỹ - đồng hương Lê Văn Thạnh nhưng rất tiếc ông không tìm thấy phần mộ cần tìm...
Cựu chiến binh Phan Hồng Sâm (Đông Hưng, Thái Binh) bên phần mộ của người đồng đội, người em họ – liệt sỹ Phạm Văn Hạnh tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 (Quảng Trị). Mân mê từng dòng chữ in trên mộ chí, cựu chiến binh Phan Hồng Sâm bật khóc. Ông còn có 1 người em trai là liệt sỹ hiện đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ ở Bình Dương.
Trong ảnh là vợ chồng người anh trai quê Nam Đàn đến thăm phần mộ em trai tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đô Lương (Nghệ An) vào ngày 27/7/2015. Người em trai của họ hi sinh khi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi.
Năm 1965, ông Nguyễn Văn Ninh (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhập ngũ khi người con gái duy nhất mới được 7 tháng tuổi. Chiến tranh kết thúc, bà Đậu Thị Bình nhận được giấy báo tử của chồng. Nuốt nỗi đau vào trong lòng, bà gắng gượng nuôi con khôn lớn. Hiện phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Văn Ninh đang được an táng tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Mỗi năm vào ngày thống nhất đất nước hoặc ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, bà Bình cùng con gái lại lặn lội sang Nghệ An, đến nghĩa trang thắp hương cho chồng.
Các đoàn viên thanh niên huyện Anh Sơn (Nghệ An) thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào vào ngày 27/7 hàng năm.
Hoàng Lam