Chuyện đời một tướng cướp phục thiện
(Dân trí) - Tăng Minh Hiếu từng là tên cướp khét tiếng Nghệ An những năm 80 thế kỷ trước, từng vào tù ra tội với đủ chiến tích bất hảo. Không ai ngờ tên cướp ấy có ngày tỉnh ngộ, quyết từ giã con đường lỗi lầm với ý chí phục thiện vô cùng mãnh liệt...
Tốt nghiệp phổ thông năm 1978, Tăng Minh Hiếu vào Đồng Nai xin làm bảo vệ cho một cơ quan của tỉnh. Làm được nửa năm, vốn tính không ưa ngồi một chỗ, Hiếu bỏ việc theo đám thanh niên lêu lổng chơi bời, hết uống rượu đến đua xe, đánh nhau.
Trong một lần “đụng” phải nhóm “anh chị” ở xa lộ Biên Hoà, Hiếu đấm đại ca của nhóm ấy gãy mất mấy chiếc răng. Sợ bị trả thù, Hiếu bắt xe trốn về quê. Về quê không nghề, không tiền, Hiếu lại tụ tập nhóm thanh niên hư hỏng đi gây gổ đánh nhau và cướp giật.
Ngày đó Hiếu to khoẻ, đen trũi như con trâu chọi; nói về độ lỳ thì “vô địch”. Một mình một mã tấu, Hiếu dám xông vào băng “hai ngón” chợ Si tung hoành như chỗ không người. Biệt danh “Hiếu đen Diễn Hạnh” nổi lên như cồn từ đó.
Một lần có tên tội phạm bị truy nã trốn vào nhà Hiếu. Khi công an đến vây bắt, Hiếu đã cùng tên đó dùng vũ khí chống lại. Hiếu bị bắt, phải vào trại giam Nghi Kim. Những ngày trong trại, Hiếu nghĩ cuộc đời thế là hết. Hiếu thấy bố mẹ già lếch thếch đi bộ hàng chục cây số vào thăm mình mà rơi nước mắt.
Chính những đêm không ngủ trong nhà đá, Hiếu mới thấm thía những tội lỗi mình đã gây ra và giá trị của tự do, lương thiện. Cũng trong những năm tháng lao lý ấy, có một bàn tay sẵn sàng làm chỗ vịn cho Hiếu. Đó là Lê Thị Tứ, cô gái đẹp người đẹp nết hàng xóm, thường xuyên vào thăm, động viên Hiếu quyết tâm cải tạo.
Mỗi tuần một lần, Tứ đạp xe 50 cây số để đến với Hiếu; đều đặn, ròng rã suốt 4 năm trời, bất kể mưa nắng. Tình cảm đẹp nặng tình người, đức hy sinh ấy đã phần nào giúp Hiếu cải tạo tốt, nuôi dưỡng trong lòng Hiếu ý chí phục thiện.
Hiếu được ra tù trước thời hạn. Hiếu và Tứ tổ chức lễ cưới ngay sau đó, đám cưới có đông đủ bà con xóm làng và cả các cán bộ quản giáo. Hiếu rưng rưng: “Nếu không có tình yêu của cha mẹ, của Tứ; không có các bác, các chú cán bộ quản giáo khuyên răn, giáo dục thì tôi đã không có ngày hôm nay”.
San núi tu thân
Hai vợ chồng cưới nhau với hai bàn tay trắng. Anh Hiếu chưa hết mặc cảm, lại cả những cám dỗ, rủ rê của bọn xấu. Anh kể: “Mới cưới nhau được hai tháng, đã có nhiều bọn đánh bạc, cướp giật đến rủ rê nhưng tôi lắc đầu quyết tống khứ bọn chúng đi!”.
Hai vợ chồng hai sào ruộng, vợ chạy chợ buôn bán rau quả, chồng cày thuê, làm mướn thêm, tuy vất vả nhưng cũng đủ ăn. Cùng năm đó, họ vui mừng chào đón đứa con trai đầu lòng (1986). Trong khảng thời gian vợ mới sinh, anh Hiếu chạy như chong chóng, làm quần quật suốt ngày, quyết kiếm sống nuôi vợ con bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.
Bằng chút vốn liếng tích góp được và vay thêm của anh em họ hàng, anh mạnh dạn đấu thầu dãy núi bên bờ kênh để làm trang trại. Anh kể không giấu vẻ tự hào: “Bây giờ các anh nhìn bằng phẳng như thế, nhưng trước đây nó là dãy rú (núi-PV) cao cả chục mét. Trước khi khởi sự, tôi thuê thợ rèn một cái xà beng dài 1,5m để đào đất. Giờ cái xà beng nó đã mòn hơn hai gang tay rồi”.
Cần mẫn, kiên trì, dãy núi qua tay vợ chồng anh đã được phủ đầy màu xanh của bạch đàn, vải, nhãn, xoài, cam,… Anh còn đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc. Không có điện, mỗi ngày anh xách chừng… 3.000 thùng nước tưới cây.
Với ý chí phục thiện mãnh liệt đó, anh đã được đài truyền hình Việt Nam mời làm nhân vật chính trong một chương trình “Người xây tổ ấm”, phát sóng hồi trung tuần tháng 4/2003. Sau khi chương trình phát sóng, tên tướng cướp một thời nhận được nhiều sự động viên, khích lệ, giúp đỡ từ khắp mọi miền đất nước.
Thất bát
Khi chúng tôi đến trang trại của anh Tăng Minh Hiếu, thấy cây cối lưa thưa, có nhiều cây vú sữa, cây tràm, cây xoài to bằng đùi người lớn, đã chết róc, lá khô rụng tơi tả, trang trại bỏ hoang không một tiếng động, chỉ thấy một con bò gầy nhom nằm bẹp trong chuồng.
Nhìn quanh không thấy anh đâu. Thì ra anh đang đánh trần ngồi bên xác cỏ, mồ hôi vã đầm, ánh mắt thả xuống dòng kênh trôi trước mặt... Anh nói, trang trại cả đời mình gây dựng đang trong cơn “hấp hối”. “Vùng đất này không hiểu sao cứ sắp đến ngày thu hoạch là cây cối lại chết. Thời tiết lúc mưa rào, lúc nắng hạn. Cây héo rũ chết thúi hết. Vợ chồng tui ôm nhau khóc. Tui nghĩ có lẽ trước đây mình làm điều xấu nên bây giờ trời phạt...”, anh buồn buồn tâm sự.
Không chỉ cây trồng, năm ngoái anh nuôi một trăm vịt đẻ và 5 trăm con gà nhưng bị dịch chết hàng loạt. Rồi “dự án” nuôi bò, nuôi lợn của anh cũng thất bại. Thất bại liên tiếp dội xuống khiến gia đình anh điêu đứng, nợ nần chồng chất.
Chị Tứ đành gạt nước mắt vào Nam làm thuê. Riêng anh Hiếu vẫn không nản, quyết hồi phục bằng được trang trại, như ngày xưa anh đã quyết tâm phục dựng tính thiện trong con người mình...
Tiến Dũng