Chuyện đời chìm nổi của cụ bà gần 100 năm đi ở đợ

(Dân trí) - Tôi không dám chắc cụ Bình là người cao tuổi nhất Việt Nam, nhưng chắc chắn chuyện đời cụ là độc nhất vô nhị. Năm nay 117 tuổi nhưng đã có đến gần 100 năm cụ sống cảnh không gia đình, phải đi ở đợ nhà người.

Tuổi thơ cơ cực

 

Cách thành phố Thái Bình chừng 25km, phố Cổ Rồng, xã Phương Công nằm êm đềm bên một dòng kênh cổ được hình thành từ mấy trăm năm trước. Phố Cổ Rồng có thể được xem là nơi “sầm uất” nhất xã nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ cổ kính của một vùng cư dân cổ xưa.

 

Chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Thị Bình. Theo lời kể của bà Trương Thị Dung, trú tại số nhà 25 phố Cổ Rồng - người đã cưu mang, chăm bẵm cụ Bình như mẹ đẻ từ hơn 43 năm qua - thì bà cũng không hiểu hết cuộc đời của người mẹ nuôi mình.

 

Bà Dung nhớ lại: “Vào một buổi sáng mùa đông cách đây hơn 40 năm, tại chợ huyện Tiền Hải người ta thấy cụ ngồi co ro trong một góc khuất, tay nải hành lý lấm lem, vẻ mặt bơ phờ vì đói và mệt. Khi đó bà Giảng người công giáo đã đón cụ về nuôi. Cụ ở cho nhà bà Giảng được 2 năm thì chuyển sang nhà ông Mấm để bế cháu bé Bình. Từ đó, người ta gọi cụ là bà cụ Bình”.

 

Trong hầu hết các giấy tờ lưu tại xã Phương Công hiện nay đều ghi tên cụ là Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1889, nguyên quán ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Bà Dung cho biết, tên thật của cụ không phải là Bình mà là Trần Thị Tý. Cụ về Phương Công đi ở là do giận người chủ nhà ở quê (Vũ Thư) đã nặng lời với cụ.

 

Về xã Phương Công, cụ Bình đã cố gắng giấu kín quá khứ của mình. Cụ trở thành người không quê quán, không gia đình, không bà con thân thích. Câu chuyện về cuộc đời cụ chỉ được chắp nối qua những lần mọi người chuyện trò cùng cụ.

 

Quê hương chôn rau cắt rốn của cụ ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Cụ không hé lộ gia đình mình có bao nhiêu anh em, chỉ biết rằng cuộc sống hết sức cơ cực. Từ nhỏ, cô bé Tý đã xa bố mẹ anh em sang xóm bên đi ở cho nhà người bà con. Thời gian trôi nhanh, Tý đánh mất tuổi trẻ lúc nào không biết. Nhưng người chủ thì vẫn coi Tý là “cái Tý” ở đợ như ngày nào. Thế rồi trong một lần bị người chủ mắng té tát vào mặt vì không hoàn thành việc nhà, Tý uất quá đành khăn gói bỏ quê hương bản quán ra đi.

 

Từ người ở đợ thành mẹ nuôi

 

 

Chuyện đời chìm nổi của cụ bà gần 100 năm đi ở đợ - 1
 

Thiếp mừng thọ do Chủ tịch

nước Trần Đức Lương gửi

nhân dịp cụ tròn 110 tuổi

(năm 1999)

 

 

Để hiểu rõ hơn về gốc tích của cụ Bình, chúng tôi tìm đến nhà “cháu bé Bình”, nơi cụ đã từng ở đợ bế cháu và “khai sinh” ra cái tên bà cụ Bình. Được biết, “cháu bé” giờ đã lên chức mẹ, chức bà và đã lấy chồng tận Hà Bắc.

 

Còn bà Trương Thị Dung năm nay đã 73 tuổi, trạc tuổi cụ Bình cách đây 43 năm, khi bà đón cụ về nuôi trong nhà như mẹ đẻ. Tôi hỏi, vào thời điểm đó bà còn khá trẻ, việc đón một bà cụ về nhà nuôi có bị nhiều người phản đối không? Bà Dung cười hiền từ: “Nói thực nhà tôi thời đó làm nghề chiếu cói, cần nhiều người lắm, cụ chịu về ở với mình, phụ giúp công việc bếp núc và trông hộ lũ trẻ là phúc lắm rồi, còn ai phản đối gì.

 

Thực ra, cụ là người khó tính khó nết nhưng mình vẫn muốn cụ ở lại đỡ đần một tay nên tôi chiều lắm. Dần dần rồi tình cảm như mẹ nuôi, khách đến nhà tôi vẫn bảo “bà ngoại lũ trẻ” là cụ vui lắm. Trải qua 43 năm sống với cụ, giờ nghĩ lại quãng đường gian nan đã nếm trải lại thấy thương cụ hơn”.

 

Chị Tô Thị Nguyệt, con gái bà Dung, người từng được cụ Bình chăm sóc nay đã là một cán bộ bảo hiểm tỉnh Thái Bình, cho biết, lúc còn nhỏ được bà chăm sóc, chị không lấy làm lạ lẫm vì trong nhà có những 2 bà ngoại. Cả 4 anh em nhà chị không ai phân biệt ngoại thật, ngoại nuôi. Theo bà Dung, 43 năm cụ Bình sống cùng gia đình bà không phải là không có điều tiếng gì nhưng “một điều nhịn, chín điều lành”, hễ cụ giận dỗi hay chửi bới là tôi lẳng lặng vờ đi làm. Tối về cụ hết giận, lại vui vẻ với công việc thường ngày.

 

Khi chúng tôi về phố Cổ Rồng hỏi thăm cụ Bình, ai ai cũng biết tiếng cụ bởi cái tính “thích mang của nhà đem cho người dưng” để lấy lòng. Bà Dung nói, lúc nào cụ cũng cố làm đẹp lòng người ngoài. Nhiều lần có người đi ngang qua đường, cụ đều mang gạo, nước ra đãi đằng cẩn thận, mặc dù người ta không phải khó khăn, cũng không phải người ăn xin. Thấy con nuôi “nhắc nhở”, cụ lại làm mặt giận mấy ngày liền! Bà Dung cười xòa: “Cụ cao tuổi mà mình làm phật ý cụ là có tội với người già”.

 

Cuối năm 2004, liên tiếp các tai họa cứ ập đến gia đình bà Dung. Ông Tô Văn Hà, chồng bà, đã ra đi vì tuổi già sức yếu, cụ Bình cũng đột nhiên đổ bệnh còn bản thân bà Dung thì ngã gãy chân. Trong hoàn cảnh đó bà Dung vẫn thuê người đến trực tiếp phục vụ cụ Bình như phục vụ mẹ đẻ. “Tôi đã hứa với cụ sống nuôi tử tế, chết ma chay đàng hoàng, mình bị tai nạn không chăm sóc cụ được thì phải thuê người thay mình chăm cho cụ thật tươm tất” - bà nói.

 

Lá rụng về cội

 

Hình như ông trời cũng không quá bất công với cụ Bình. Dù đã ở tuổi 117 nhưng mắt cụ vẫn sáng, tai thính, tinh thần minh mẫn lắm. Và như người xưa vẫn nói: “lá rụng về cội”, cuối cuộc đời cụ đã được trở về nơi chôn rau cắt rốn trong tình thương của lớp cháu chắt họ hàng hai bên nội ngoại. Một niềm vui xen lẫn sự ngậm ngùi khi vợ chồng ông Hòa, bà Thơm - cháu đằng ngoại của cụ - đã lặn lội từ Vũ Thư xuống tận Tiền Hải xin xã Phương Công và gia đình bà Dung đón cụ về phụng dưỡng những ngày cuối đời.

 

Nói về buổi chia tay hôm cụ Bình về quê hương bản quán, bà Dung mắt ngấn nước sụt sùi: “Giá như chân tôi không bị đau, sức khỏe còn đủ để phục vụ cụ thì dẫu có phải ăn cám tôi cũng không để vợ chồng bác Hòa đón cụ về. Tôi đã tâm nguyện chăm sóc cụ hết đời, mọi thủ tục khi cụ ra đi tôi đã đăng ký hết với nhà chùa, chỉ tiếc nay lại không làm trọn. Tôi đành gửi vợ chồng bác Hòa 5 triệu đồng để lo hậu sự cho cụ”.

 

Cuộc đời của cụ Bình cuối cùng đã không còn phiêu bạt nữa. Trên đường từ Tiền Hải về Vũ Thư để thăm cụ, lòng tôi bỗng ngập tràn một cảm xúc khó tả: Về quê.

 

Trung Đức