1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện con đánh mẹ dưới ba góc nhìn

Người con: Chuyện bà bị con đánh, tôi cũng không thấy giá trị gì bị sụp đổ cả. Lối xóm: Chỉ nghe bà Nhung nói chứ không tận mắt chứng kiến. Pháp luật: Đánh chửi cha mẹ - Vừa xâm phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật!

Chuyện con đánh mẹ dưới ba góc nhìn - 1

Bà Đỗ Thị Nhung.

 

 

Người mẹ ấy là bà Đỗ Thị Nhung, 77 tuổi, ở 87/80 Nguyễn Sĩ Sách, KP4, phường 15, quận Tân Bình. Bà Nhung tố cáo đã bị con ruột mình là Nguyễn Thanh Long tát, đấm vào mặt. Giấy chứng thương của Bệnh viện Nhân dân 115 cũng kết luận: Bà Nhung bị chấn thương đầu và mặt, bầm tím mắt, cằm và dập môi dưới. Và theo lời người mẹ này, không chỉ một đứa mà những đứa con khác cũng đánh bà, bạo hành cả tinh thần nhiều năm qua.

 

“Mới bị con đánh hai lần”

 

Sáng qua (29/7), chúng tôi đã đến nhà anh Nguyễn Thanh Long, con út bà Nhung, nơi bà đang chung sống. Con dâu bà Nhung là Nguyễn Thị Thuyết xác nhận khuya ngày 27/6, chồng mình là Nguyễn Thanh Sơn đã tát mẹ ruột hai cái. Tuy nhiên, đó là do bột phát vì không chịu đựng nổi hành vi thái quá của bà Nhung trong nhiều năm liền.

 

Tối hôm đó, khi nghe em dâu mách lại buổi chiều bà Nhung lấy trộm tiền, ông Sơn đã không kiềm chế và tát tai mẹ ruột mình. Tuy nhiên, các con bà Nhung đều phủ nhận, không có việc mẹ mình bị đánh và hành hạ tinh thần thường xuyên mà đây chỉ mới là... lần thứ hai bà bị con đánh. Lần đầu cách đây hơn mười năm cũng sau một cuộc cãi vã.

 

Phó ban điều hành KP4, ông Trần Quang Tĩnh, phẫn nộ: “Các con bà Nhung sau khi đánh mẹ mình đã không hề đưa mẹ đi cấp cứu. Bà Nhưng tự lết sang nhà tôi kêu cứu. Đến sáng hôm sau, họ vẫn không đưa đi và khu phố phải cử người đưa bà vào bệnh viện”.

 

Ông Tĩnh cho biết bà Nhung sức già, chân bị tật, phải đi lại bằng khung inox. Là hàng xóm nên thỉnh thoảng ông cũng có nghe gia đình gây gổ, con cái nhiều lần nặng lời với bà nhưng sự tình thế nào ông không rõ. Có lần bà Nhung lật áo lên cho vợ chồng ông Tĩnh xem những vết bầm tím và nói là do con trai trưởng dùng dây nịt đánh. Tuy nhiên, ông Tĩnh nói đây chỉ là lời nói của bà Nhung chứ ông không tận mắt chứng kiến.

 

“Việc đánh mẹ là chẳng đặng đừng!”

 

Ngay sau khi vụ hành hung xảy ra, Công an phường 15, quận Tân Bình đã làm việc với ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Sơn cũng xác nhận đã đánh mẹ mình. Đến ngày 23/7, công an, hội phụ nữ và ban quản lý khu phố cũng đưa vụ việc ra kiểm điểm.

 

Trước chính quyền địa phương, ông Sơn đã xin lỗi mẹ mình. Tuy nhiên, ông cũng phân trần rằng việc đánh mẹ là chẳng đặng đừng vì mẹ mình bao nhiêu năm trời đã nhục mạ con cái. Vợ chồng ông Sơn có một đứa con trai bị chết hơn mười năm trước và mỗi lần cãi vã, bà Nhung đều day lại nỗi đau cho rằng vì con trai và con dâu thất đức nên cháu mình mới chết. Uất ức lâu ngày nên khi nghe em dâu kể lại sự việc vào buổi chiều, ông Sơn đã tát mẹ...

 

Bà Nhung có bệnh lý về tâm thần?

 

Người con trưởng Nguyễn Thanh Giang còn cho biết mẹ mình thường xuyên lên cơn động kinh, là bệnh nhân điều trị ngoại trú của Bệnh viện Tâm thần trung ương 52 năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là bệnh lên từng cơn nên chỉ có trong nhà biết và chịu đựng chứ người ngoài không thể biết.

 

Trao đổi với phóng viên, trung tá Đặng Văn Bình, Trưởng Công an phường 15, quận Tân Bình, nhận định: “Dù bà Nhung có bị gì, có hành động gì sai đi nữa thì việc con cái tát vào mặt mẹ là điều không thể chấp nhận được, đó là hành động phi đạo lý”. Còn việc bà Nhung có bị tâm thần hay không thì ông chưa nghe và phường cũng không đủ chức năng để đưa bà đi giám định.

 

Thượng tá Lê Hoàng Châu, Phó Công an quận Tân Bình, cho biết chiều qua Công an phường 15 đã có báo cáo cụ thể sự việc và công an quận sẽ sớm có kết luận về hành vi phi đạo đức này.

 

Đánh chửi cha mẹ: Vừa xâm phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật!

 

Thời xưa, theo truyền thống luân lý phương Đông, hiếu thảo đối với cha mẹ được coi là một đức tính căn bản của con người. Cho nên đối với hành vi con cái hành hạ, chửi mắng, đánh đập cha mẹ, dù thực hiện bằng hình thức nào cũng bị liệt vào loại tội “thập ác” - một trong mười tội bị nhà nước xử phạt nghiêm khắc, không có trường hợp nào được dung tha hay giảm nhẹ.

 

Ngày nay, dù xã hội đã thay đổi nhiều, cách cư xử giữa người và người có khác xưa, song sự biết ơn và hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ đã hòa quyện, ăn sâu vào đời sống, tinh thần của dân tộc. Ai kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ thì được xã hội biểu dương, ca ngợi. Còn mọi hành vi xúc phạm cha mẹ dù nặng hay nhẹ đều bị dư luận lên án, phẫn nộ. Dù cha mẹ có thế nào, con cái tức giận cha mẹ đến đâu cũng nên nhịn - “một câu nhịn bằng chín câu lành”...

 

Về mặt pháp lý, hành vi đánh chửi cha mẹ vẫn là vi phạm pháp luật. Hiến pháp nước ta quy định rõ: “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc cha mẹ” (Điều 64). “Nghiêm cấm con có hành vi xúc phạm cha mẹ” (Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình). Nhưng trong thực tế, đôi khi vẫn xảy ra sự căng thẳng giữa cha mẹ và con; con cái đánh chửi cha mẹ, thậm chí có khi quá đáng... gây ra thương tích nặng hoặc làm thiệt hại đến tính mạng. Cho nên nhà nước sẽ ra tay can thiệp khi con cái có hành vi xúc phạm, dùng từ thậm tệ đối với cha mẹ ở mức độ đáng kể.

 

Đối với nhà nước, nếu nhẹ thì xử phạt hành chính, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 87 ngày 21/11/2001 của Chính phủ. Cụ thể là người nào có hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình thì dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử phạt hành chính. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi mà còn vi phạm nữa thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ theo Điều 151 Bộ luật Hình sự. Con đánh cha mẹ dù chỉ gây ra thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của cha mẹ ở mức độ nhẹ (dưới 11%) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

 

Song thực tế việc gì cũng có hai mặt. Để đạt được mục đích chung nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, yêu cầu khách quan đòi hỏi các thành viên trong gia đình có cách cư xử tốt với nhau. Con có bổn phận thương yêu, hiếu thảo với cha mẹ thì đồng thời cha mẹ cũng phải quan tâm nêu cao trách nhiệm của mình với con cái. Xây dựng gia đình tốt để tạo tiền đề cho xã hội tốt là nghĩa vụ của mọi người - của vợ và chồng, của cha mẹ và con.

 

Luật sư Phan Đăng Thanh

 

 

“Tôi không coi bà ấy là mẹ!”

 

Lời nói đau lòng này là của người con trưởng bà Đỗ Thị Nhung, ông Nguyễn Thanh Giang.

 

Anh nghĩ gì về việc em trai mình tát mẹ?

 

Đó là hành động vô luân. Tôi nói với thằng Sơn: “Tao còn nghe mày đánh mẹ một lần nữa, bất kể vì lý do gì, tao sẽ đánh mày chết”.

 

Vậy sao hàng xóm nói anh đánh mẹ mình bằng thắt lưng?

 

Tôi khẳng định là không, vì tôi không ở chung với bà. Bà Hồng, ông Tĩnh (cán bộ khu phố) nói tôi đánh mẹ là bịa đặt. Nếu họ nói thấy tôi đánh mẹ, sao họ không nhảy vô can mà bây giờ mới nói, họ là cán bộ khu phố kia mà?

 

Vậy tại sao anh lại có những lời lẽ cay nghiệt với mẹ mình trên báo?

 

Vì trong mắt tôi, mẹ tôi là một người không có tư cách. Thâm tâm tôi rất xấu hổ vì phải gọi bà là mẹ. Tôi chỉ coi đó là người đẻ ra mình chứ không coi đó là mẹ. Bà ấy đã nhục mạ bố con, dòng họ tôi không chỉ vài lần mà đã mấy mươi năm nay.

 

Một người mẹ bị con ruột tát, không đau lòng sao? Anh có cảm nhận nỗi đau ấy?

 

Tôi không cảm nhận gì cả. Vì từ trước đến nay, những giá trị đạo đức tốt đẹp, truyền thống đều xa lạ với bà. Nên nếu có bị con ruột đánh thì cũng không cảm thấy giá trị truyền thống đạo đức bị sụp đổ gì cả. Bà ấy từng lấy cả ảnh thờ ông nội xuống đạp dưới chân (...).

 

Anh có sợ dư luận không?

 

Tôi không quan tâm.

 

Vì sao?

 

Vì nếu xã hội phẫn nộ về hành vi đánh cha mẹ thì đó là điều đáng mừng, chứng tỏ giá trị đạo đức vẫn còn chỗ đứng. Còn với tôi, những người biết rõ tôi, biết rõ gia đình tôi đều biết rõ câu chuyện và họ sẽ không tin những thông tin một chiều. Vậy thì tại sao tôi lại quan tâm?

 

Nhưng là con, sao anh lại phát biểu trên báo “Không coi bà ấy là người”…?

 

Tôi không ăn nói như vậy, báo nào đăng như thế, tôi sẽ kiện!

 

Theo Thạch Hà

 Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm