Chuyện cổ tích có thật về "túp lều tranh" hai trái tim vàng
Đến với nhau từ những cuộc tình đổ vỡ hơn 70 năm về trước, họ kéo nhau vào sống trong rừng để tránh lời dị nghị. Và từ đó đến nay hai trái tim vàng vẫn sống trong túp lều lí tưởng ở giữa đại ngàn chẳng muốn rời xa.
Từ ngàn đời nay, câu thành ngữ "một túp lều tranh hai trái tim vàng" như một hình ảnh đẹp của tình yêu lứa đôi. Những tưởng câu nói đó chỉ mang tính biểu tượng nhưng trong một lần băng rừng xanh núi đỏ nơi đại ngàn Tân Sơn (Phú Thọ), chúng tôi đã không hẹn mà cùng rớt nước mắt cảm động cho một chuyện tình đẹp như cổ tích của đôi vợ chồng già năm nay đã ngoài 90 tuổi.
Sống hoang sơ giữa rừng
Lần ấy, dẫn đường cho chúng tôi vẹt rừng đạp núi để tìm đến căn lều đơn sơ nằm cách đường mòn cả chục ki lô mét là anh Hà Văn Viên (SN 1968, ở thôn Mành, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Anh Viên là trưởng thôn Mành nên tường tận về cuộc đời hai cụ Hà Văn Nghệ (91 tuổi) và Hà Thị Lênh (85 tuổi), những người gần 70 năm qua sống bình lặng trên một góc rừng sâu thuộc địa giới hành chính của thôn nơi anh phụ trách.
Theo đó, hai cụ Nghệ và Lênh có với nhau tất thảy 6 mặt con, đều đã trưởng thành và bươn chải ra ngoài xã hội nhưng kinh tế chẳng lấy gì làm khấm khá. Cũng có một thời gian ngắn, nghe lời người con cả, hai vợ chồng cụ Nghệ chuyển ra ngoài bìa rừng (vẫn ở trong xã Văn Luông - PV) sống quây quần với các con.
Nhưng bởi quá đau lòng khi chứng kiến con cháu vẫn phải chạy ăn từng bữa, hai cụ quyết tâm trở lại rừng sâu, quay về túp lều đã gắn bó với mình nhiều chục năm để tự rau cháo nuôi nhau qua ngày. Theo anh Viên, vì địa hình cách trở khó khăn nên trong khu rừng hoang sơ ấy giờ chỉ còn duy nhất vợ chồng cụ Nghệ sinh sống. Chẳng điện, cũng chẳng nước máy, hai vợ chồng cụ sống chủ yếu bằng tình thương yêu dành cho nhau trong những bữa rau rừng đắng ngắt.
Khác những gì tôi vẫn hình dung về một căn nhà sàn vững chãi vẫn được xây cất theo kiểu của người dân tộc thiểu số với gỗ và tre nứa, túp lều nơi hai cụ già nay đã "gần đất xa trời" chỉ được cất tạm bợ bằng phên nứa và cỏ tranh trong một diện tích đất hẹp được rào sơ sài bằng thân cây sắn khô và cành tre. Đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" lại sống trong cảnh thiếu thốn đến như vậy, không hiểu hai con người ấy sẽ xoay sở thế nào trong những cơn mưa rừng khủng khiếp xứ này?
Theo lời chia sẻ từ anh Viên, hai cụ ở trong căn lều ấy rất khốn khổ. Trời hè nóng nực đã mệt mỏi, mùa đông buốt giá lại càng khổ hơn, gió lùa qua phiên nứa mỏng rít lên từng chập khiến hai thân già càng phải nằm sát bên nhau lấy hơi ấm. Thế nhưng hai cụ vẫn luôn sống hạnh phúc bên nhau, đến nay đã được 70 năm có lẻ.
Mặc dù đã 91 tuổi, nhưng cụ ông Hà Văn Nghệ vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Cụ vẫn cày bừa được và trồng rau nuôi lợn. Còn cụ Lênh cũng không hề kém cạnh, vẫn tay liềm tay cuốc thoăn thoắt trên những mảnh đồng xa.
Ngồi bên cạnh tôi, anh Hà Văn Viên vẻ mặt rạng rỡ, "khoe khéo" rằng những thửa ruộng nơi hai cụ canh tác luôn sạch sẽ đến từng li từng tí. Đánh mắt quan sát quanh căn lều nhỏ, ngoài chiếc chăn bông để đối phó với cái lạnh cắt da cắt thịt vùng rừng sâu mỗi khi đông về, hầu như không có bất cứ vật dụng nào của xã hội văn minh xuất hiện tại căn lều dột nát.
70 năm chỉ một lần to tiếng
Trong lúc đưa ánh mắt ngưỡng mộ nhìn ngắm hai con người tưởng rằng chỉ có trong cổ tích, tôi nhận thấy tình yêu hai cụ dành cho nhau lớn lao đến vô cùng. Cụ Nghệ tai nay đã không còn được tinh anh nữa, chúng tôi phải nói to hơn bình thường cụ mới có thể nghe và hiểu được.
Ngồi bên cạnh, cụ Lệnh im lặng quan sát và lắng nghe cuộc hội thoại, những chỗ cụ ông lãng tai không nghe rõ, cụ bà lại nhẫn nại nói lại từ đầu, giọng đầy trìu mến. Theo lời kể, hai cụ chẳng mấy khi rời rừng, sống hoàn toàn bằng động vật mình tự nuôi và rau mình trồng.
Để giữ thịt qua mùa hè nóng, cụ Nghệ bọc thịt vào một túi nilon kín, buộc dây rồi thả chìm xuống dòng suối sâu gần nhà. Lúc nào cần ăn cụ lại kéo lên xẻo một miếng rồi lại thả xuống. Theo lời giải thích, dưới đáy nước rất lạnh, có khả năng giữ tươi thịt cả tuần lễ.
Sau khi tin cẩn những khách lạ do đích thân người trưởng thôn dẫn tới, cụ Nghệ vui vẻ dựa lưng vào vách tường, kể với chúng tôi lại toàn bộ cuộc tình đầy chông gai của hai người. Theo lời kể, cả hai người đến với nhau sau khi mỗi người đã có một cuộc hôn nhân trước đó. Cụ Nghệ đã có vợ và có 3 người con, còn cụ Lênh bị gia đình ép lấy chồng khi đã là thiếu nữ còn người chồng chỉ mới hơn 10 tuổi.
Cụ Lênh bồi hồi nhớ lại: "Thời đó, bỏ chồng là một điều gì đó vô cùng khủng khiếp và bị cả dân làng dè bỉu. Nhưng gia đình tôi bắt tôi lấy chồng khi tôi không có tình yêu và lúc đó chồng tôi cũng chỉ là một đứa trẻ. Một lần đi làm đồng, tình cờ gặp ông Nghệ đây rồi chúng tôi phải lòng nhau từ lúc nào không hay. Biết ông có vợ con rồi nhưng tôi vẫn thấy yêu ông và quyết tâm theo ông về làm vợ hai".
Việc cô gái trẻ từ bỏ nhà chồng để theo một cuộc tình mới gây náo loạn cả một làng quê mà cho đến bây giờ vẫn còn nặng nề về các lễ giáo phong kiến. Cụ Lênh ngay lập tức bị đem ra để làm đủ các thủ tục phạt vạ và người chịu những điều đó không ai khác chính là cụ Nghệ.
Cụ Nghệ đã phải nai lưng đi làm không công cho làng suốt nhiều năm trời nhằm để cứu cô gái trẻ Hà Thị Lênh ra khỏi một cuộc hôn hân bất hạnh. Kể từ sau đận ấy, cụ Lênh chính thức trở thành người một nhà với người đàn ông hơn mình 6 tuổi. Tục lệ thời ấy vẫn cho phép đàn ông đa thê nên cụ Lênh về làm vợ lẽ, sống hòa thuận với cụ Nghệ cùng vợ cả trong căn nhà nhỏ.
Thế nhưng do không thể chịu đựng được sự soi mói của láng giềng xung quanh việc "dung túng" cho một đứa con gái "trốn chồng theo trai", cụ Nghệ quyết định bàn bạc với hai người bạn đời chuyển nhà vào tận trong rừng sâu sinh sống để được yên ổn.
Những ngày đầu tiên, do chưa thích nghi được với điều kiện khắc nghiệt và thiếu thốn, cả ba người cùng bầy con nhỏ đã cực khổ rất nhiều. Rồi một điều đáng tiếc đã xảy đến khiến cụ Nghệ bây giờ vẫn còn ân hận mãi, đó là người vợ cả của cụ, chẳng may vì rừng thiêng nước độc mà ngã bệnh rồi mất sau đó không lâu. Túp lều tranh giờ chỉ còn cụ Nghệ và người đàn bà đã mang tiếng xấu với cả thôn bản.
Vượt qua bao nỗi khó khăn, hai cụ sống rồi lần lượt sinh hạ thêm 6 người con khác rồi dựng vợ gả chồng ngay tại chính căn lều nhỏ ọp ẹp này. Nói về chồng mình, cụ Lênh tự hào: "Sống với nhau ngần ấy năm, tôi chỉ bị ông nặng lời đúng một lần, đó là lần tôi chẳng may đánh đổ siêu nước vào chân một người con của chị vợ cả. Ông mắng rồi ôm cả tôi và cháu bé vào lòng rồi tất cả cùng khóc. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình thật vụng về và đáng trách".
Cũng trong ký ức rõ nét của hai người, vì là những người làm nông nên hai cụ có sức khỏe rất tốt, chẳng mấy khi đau ốm. Giờ đây, chứng kiến con cái trưởng thành nhưng vẫn kinh tế vẫn khốn khó, hai cụ đau lòng lắm nhưng đành bất lực, chỉ biết giúp các con bằng cách không dám cậy nhờ đến ai, chỉ hai thân già lặng lẽ đùm bọc nhau trong mái lều trống hoác giữa đại ngàn gió lạnh.
Cuộc sống đạm bạc trong túp lều nhở giữa rừng
Đón chúng tôi trong túp lều tranh chỉ rộng độ chưa đến 10m2, ám màu nâu xỉn của bồ hóng bởi thói quen nấu nướng ngay góc nhà, hai con người già nua đã bần thần thật lâu khi biết mục đích tôi đến vì chính họ. Sự thật thà và giản dị thể hiện trong từng lời đối đáp.
Theo lời cụ bà, trời trở lạnh khiến cụ đang bị đau chân không đi lại được, nên mọi việc nhà đều do cụ ông đảm trách, kể cả nấu nướng. Nhìn nồi rau luộc bốc khói nghi ngút, tỏa mùi hương ngai ngái đặt giữa lều, là món ăn chính của hai cụ trong bữa ăn sắp tới, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Mãi sau khi được biết, loại rau hai cụ thường ăn mọc la liệt ven rừng, người dưới xuôi hầu như không ăn, thường chỉ đem nấu cho lợn tôi lại càng thêm thương cảm, nước mắt chực trào ra, cay xè. Thế nhưng bù lại, hai cụ vẫn khỏe mạnh và vui tươi, sau phút giây ngỡ ngàng bởi khách lạ, hai cụ ngồi cạnh nhau, minh mẫn trả lời từng câu hỏi của những vị khách mới đến. |
Theo Tiểu Mai
Gia đình & Xã hội