1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện có “kẻng” vẫn chưa được “ăn cơm” của người Triêng

(Dân trí) - Với người Triêng, hôn nhân là chuyện không chỉ của đời người mà còn liên quan đến đời sống tâm linh của cả làng. Họ quan niệm trong vòng một năm sau khi cưới tuyệt đối không được sinh con, nếu vi phạm là có tội với Yàng, sẽ bị trừng phạt theo luật làng.

 
Chuyện có “kẻng” vẫn chưa được “ăn cơm” của người Triêng - 1
Già Xê vừa nhổ mì vừa kể chuyện làng mình

 

“Luật rừng”

 

Người Triêng ở làng Nông Nội, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, luôn xem trọng chuyện hôn nhân, bởi họ luôn cho rằng mọi chuyện trong làng tốt hay xấu đều liên quan đến hôn nhân. Vì vậy, từ xa xưa, đã có một “đạo luật” rất khắt khe giành cho vấn đề này.

 

Xã hội hiện đại ngày nay, chuyện “ăn cơm trước kẻng” của thế hệ trẻ đã không còn là chuyện quá to tát, dần phổ biến trong xã hội, dư luận cũng bớt “cật vấn”, quan tâm. Cũng chính vì thế mà nạn nạo phá thai ngày càng gia tăng.

 

Nhưng với người Triêng, cưới nhau sau một năm mà có con là đã mang trọng tội chứ đừng nói đến chuyện tày đình chưa cưới mà có chửa. Trong tiềm thức đã ăn sâu vào dòng máu của người Triêng từ đời này đến đời khác, nếu có ai trong làng vi phạm “luật hôn nhân và gia đình” là người đó đã phạm tội với Yàng, người vi phạm sẽ bị trừng phạt tùy theo “tội đã gây ra” để làm lễ cúng Yàng, xin được tha tội.

 

Nói về  “đạo luật” này của làng, già làng Hà Sỹ Xê, 81 tuổi, là người nắm rất rõ. Già kể: Chuyện kết hôn ở độ tuổi bao nhiêu và sinh bao nhiêu con với người Triêng không thành vấn đề, nam nữ có thể lấy nhau lúc nào tùy thích, đẻ bao nhiêu là tùy “khả năng”. Nhưng họ tuyệt đối cấm chuyện sinh con trong vòng một năm sau khi cưới.

 

Già Xê không còn nhớ “luật” này xuất phát từ đâu, chỉ biết nếu vi phạm tức là đôi vợ chồng đó đã có tội với Yàng, khiến Yàng nổi giận và giáng tai họa đến cho cả làng.

 

Vì vậy, người phụ nữ khi sắp sinh phải đi vào rừng cách làng hơn một km làm lều và sinh con trong rừng. Khi sinh xong thì quay về làng nộp phạt.

 

Trước đây, để làm lễ cúng Yàng xin được tha tội, đôi vợ chồng này phải làm hai con heo cúng ở nhà bố mẹ đẻ và nộp phạt một con trâu để cho người già trong làng cúng ở nhà rông (chỉ có người già được cúng và được ăn đồ cúng ở nhà rông).

 

Còn bây giờ, họ chỉ phải nộp phạt 3 con heo, nhà chồng cúng một con, nhà vợ cúng một con và một con mang ra nhà rông cho người già cúng Yàng.

 

Không chỉ có vậy, nếu người đã kết hôn, có con “đúng luật”, nhưng không may vợ hoặc chồng chết sớm, người còn sống muốn tái hôn phải lấy người cùng cảnh ngộ. Nếu tái hôn với thanh niên chưa lập gia đình, “tội” còn nặng hơn.

 

Cũng nộp phạt như trên nhưng với “tội” này, con heo mang ra cúng tại nhà rông sẽ được làng cắt lấy huyết hòa với một nồi nước to, rồi đưa cho người phụ nữ tái hôn với đàn ông chưa vợ. Cô này sẽ phải tự mang nồi huyết này đến đầu làng, cuối làng và tất cả ngã 3 trong làng để té nồi huyết ra đường. Đây chính là dấu hiệu báo cho người làng khác rằng làng này đã có người vi phạm luật.

 

Nặng nhất phải kể đến “tội” không chồng mà chửa hay có con ngoài giá thú. Người phụ nữ phạm vào “luật” này là không chỉ nộp phạt để cúng Yàng, mà còn bị đuổi ra khỏi làng vĩnh viễn: “Luật người Triêng mình là luật rừng mà. Đây là chuyện không thể chấp nhận được, chuyện cấm kị, nếu ai vi phạm sẽ làm cho Yàng nổi giận, giáng thiên tai, bệnh tật xuống làng. Nên lâu lắm đến nay làng mình không có ai vi phạm cả”.

 

Già Xê kể một câu chuyện: Có anh A Ram không kìm lòng đã “nếm trái cấm” khiến vợ có con trong thời gian “kiêng cữ”, sinh ra A Trình. Không may cho đôi vợ chồng này, sinh con đúng lúc mẹ vợ A Ram bị bệnh nặng, hai gia đình cho rằng việc vi phạm này là điềm gở, Yàng đã giáng tội khiến mẹ vợ A Ram bị bệnh. Vì vậy, hai bố con A Ram đã bị chính gia đình 2 bên đồng lòng đuổi ra khỏi làng.

 

Nhập gia tùy tục

 

Kể về “luật rừng” của làng mình, già Xê luôn tâm đắc. Không chỉ bởi nó được tuyên truyền rộng rãi và sâu sắc với từng người dân trong làng, mà bất kì ai lấy người trong làng cũng phải tuân theo luật của làng đề ra: “Người làng mình rất tự giác, họ tự bảo nhau khi vi phạm phải nộp phạt, cha mẹ phải dạy cho con cái biết trước khi cưới. Luật làng mình là luật rừng mà, bất kể ai đến làng mình lấy vợ, kể cả người kinh, hay người Pháp, người Mỹ đến làng mình cũng phải tuân theo thôi”, già Xê tự hào nói.

 

Điển hình như anh Hạnh, quê tận Hà Nội vào làm rể ở làng Nông Nội cách đây 3 năm. Sau khi cưới Y Thái, vài tháng sau hai vợ chồng đã có con. Dù biết sẽ chẳng có chuyện Yàng phạt như quan niệm của người trong làng, nhưng “nhập gia tùy tục”, anh Hạnh cũng đã phải mua 3 con heo trưởng thành để cúng Yàng, xin được tha tội.

 

Hay như cách đây hơn một năm, có anh Tý quê ở  Khánh Hòa lấy chị Y Dãn và có con trong thời gian cấm kị, cũng đã phải tự giác nộp phạt. Nếu không sẽ bị cả làng đuổi ra khỏi làng vĩnh viễn không được đặt chân quay lại.

 

Nhắc  đến sự hà khắc của “luật hôn nhân và  gia đình” ở đây, già Xê không giấu niềm tự hào: “Từ xưa đến nay, làng mình chưa có người đàn ông nào dám lấy 2 vợ cả”, nói vừa hết câu, giọng già bỗng trùng xuống “Bây giờ thì chuyện cưới nhau xong một năm có con là loạn hết lên rồi, vi phạm nhiều lắm. Từ khi có người Kinh đến lấy vợ trong làng là vi phạm nhiều hơn, người trong làng cũng học theo. Nên chuyện này nay nhiều lắm, cũng vẫn phải phạt thôi”.

 

Thiên Thư