Chuyện chưa kể về "hỗ trợ sau động đất" của 100 chiến sĩ công an, quân đội
(Dân trí) - Đại diện Bộ Công an và Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng những kết quả đạt được trong chuyến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất đầu tháng 2, đồng thời chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động.
Những câu chuyện này được chia sẻ trong cuộc gặp mặt chiều 17/3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, nhằm tuyên dương các tập thể, cá nhân trong đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 6/2, trận động đất 7,8 độ richter xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, hàng chục nghìn công trình bị phá hủy.
Việt Nam sau đó đã nhanh chóng cử 76 chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và 24 người của Bộ Công an tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở nước bạn.
Điều kiện làm việc nguy hiểm
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), cho biết khi sang nước bạn hỗ trợ, đoàn công tác của Bộ đã phối hợp cứu được một người còn sống, đưa 14 thi thể nạn nhân ra ngoài.
Nhắc tới một số khó khăn trong quá trình đoàn thực hiện nhiệm vụ, ông Khương cho biết các chiến sĩ phải di chuyển liên tục trong 24 giờ, đến nơi là làm việc ngay không ngủ.
"Trong 2 ngày đầu, nhiều thành viên trong đoàn chỉ ngủ 2 tiếng, thường xuyên phải làm việc dưới điều kiện nhiệt độ âm 5 đến âm 10 độ C, nhiều ngày thực hiện nhiệm vụ đến 3h sáng", Đại tá Khương chia sẻ.
Ông cũng chia sẻ việc các chiến sĩ công an phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Ngày đầu tiên, đoàn làm việc trong một căn nhà sập đổ hoàn toàn giữa 2 căn nhà sập đổ một phần, nguy cơ rất cao nếu có rung chấn. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn khi hạ tầng điện, nước bị phá hủy.
Đề cập đến bài học kinh nghiệm, ông Khương nhấn mạnh cần chuẩn bị từ sớm, từ xa tương ứng với loại hình thảm họa, thiên tai; tự chủ động bảo đảm điều kiện hậu cần để phục vụ sinh hoạt và tác chiến; lựa chọn những người được đào tạo bài bản, kinh nghiệm, đủ sức khỏe làm việc lâu dài trong điều kiện khắc nghiệt, giữ vững kỷ luật kỷ cương…
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐNQ Việt Nam, chia sẻ đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã triển khai tổ chức tìm kiếm tại 31 điểm, phát hiện 15 điểm có nạn nhân trong đống đổ nát, giúp lực lượng cứu hộ địa phương tìm được 28 nạn nhân thiệt mạng…
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ xúc động khi nhắc tới nhiều kỷ niệm trong chuyến công tác, như giây phút những người dân ôm lấy các thành viên đoàn Việt Nam rồi òa khóc khi tìm thấy thi thể người thân dưới đống đổ nát.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, đoàn cũng rút ra nhiều vấn đề trong công tác tham mưu, tổ chức điều hành, tổ chức huấn luyện đào tạo trong đối phó các loại hình sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra.
Trong đó, cần tổ chức chặt chẽ, sử dụng các phương tiện, thiết bị và nhân lực phù hợp để việc tìm kiếm đạt hiệu quả tốt, điển hình như việc sử dụng chó nghiệp vụ, radar quan sát tìm bằng hình ảnh, âm thanh và hệ thống radar xuyên tường, cho kết quả rất tốt, đã được nhiều đoàn đánh giá rất cao…
Tăng cường đầu tư cho lực lượng cứu hộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận đoàn công tác đã triển khai nhiệm vụ trong khoảng thời gian rất ngắn, phải đối mặt với điều kiện vô cùng khắc nghiệt về thời tiết, hiểm nguy do các rung chấn, khó khăn về ngôn ngữ, tập quán, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và làm việc.
Nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm, tinh thần hiệp đồng chiến đấu cùng ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, các thành viên quả cảm của đoàn công tác đã phát huy tinh thần quốc tế cao cả, sẵn sàng dấn thân vào vùng thảm họa, chạy đua với thời gian để phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trong đoàn, thậm chí có người chỉ 2 tuần nữa là tổ chức lễ cưới nhưng tạm gác việc riêng, xung phong sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp, chia sẻ sức lực của Việt Nam đối với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ; khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Chia sẻ thêm về một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần nắm chắc tình hình khi có vấn đề phát sinh.
Từ thực tế vừa qua, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần chủ động về lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Ông cũng lưu ý tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng thực hiện công tác ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.