1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu "báu vật" của Đà Nẵng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Nhiều năm qua, những rạn san hô ở "thủy cung" Sơn Trà (Đà Nẵng) đang được phục hồi. Thành quả đó là nhờ công sức, tâm huyết của những thành viên nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa.

Câu chuyện từ một chú cá heo bị thương

Buổi chiều cuối năm, trời Đà Nẵng se lạnh. Anh Lê Chiến (38 tuổi) cùng một số thành viên nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa mang theo đồ lặn, ra khu vực bãi Nam dưới chân bán đảo Sơn Trà để thăm vườn san hô vừa được trồng.

Cầm trên tay cành san hô bị gãy, anh Chiến nhớ lại, nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa được anh thành lập năm 2018.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 1

Nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa có 8 thành viên hoạt động thường xuyên (Ảnh: S.S)

Bản thân từng học chuyên ngành sinh học và tham gia làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, anh Chiến có cơ hội nghiên cứu sâu về sinh học đại dương.

Từ những nền tảng kiến thức học được, anh hiểu rõ vai trò của các rạn san hô trong việc bảo vệ đa dạng sinh vật biển. Vì vậy, anh luôn ấp ủ ước muốn làm một điều gì đó để cứu lấy những "báu vật" vô giá này.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 2

Anh Lê Chiến (bên trái) và các thành viên đều có chung niềm đam mê với đại dương (Ảnh: S.S).

Tháng 6/2018, khi đang thu thập dữ liệu về các rạn san hô, anh tình cờ nghe tin một chú cá heo bị thương, mắc cạn gần bãi biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà).

"Lúc đó, chúng tôi đã giữ đầu chú cá trên mặt nước suốt 12 giờ để chờ đội cứu hộ chuyên nghiệp đến. Trong lúc làm việc với nhau, chúng tôi đã đặt tên cho nó là Sasa", anh Chiến nhớ lại.

Mặc dù đã nỗ lực cứu chữa nhưng chú cá heo Sasa vẫn qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Sự cố đáng buồn này khiến anh suy nghĩ rất nhiều về sự thiếu hụt các đội cứu hộ sinh vật biển chuyên nghiệp.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 3

Thành viên trong nhóm đang kiểm tra "vườn" san hô vừa được trồng tại bán đảo Sơn Trà (Ảnh: S.S).

Với sự trăn trở đó, một tháng sau, anh quyết định thành lập nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa để góp phần cải thiện tình trạng này.

Ngoài anh Chiến là dân chuyên nghiệp, các thành viên còn lại của Sasa đều là tay ngang vào nghề. Cả nhóm được kết nối với nhau bằng tình yêu biển cả. Có cả những người bạn nước ngoài đến Đà Nẵng cùng tham gia dự án.

"Minh Thu là dân kinh tế, Rhys là vận động viên lướt sóng... Nghe thì có vẻ công việc của họ không liên quan tới môi trường. Nhưng chúng tôi đều có điểm chung là tình yêu với đại dương nên đã cùng nhau thành lập biệt đội Sasa này" anh Chiến bộc bạch.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 4

Hiện tại, nhóm đang áp dụng phương pháp cấy san hô trên giá thể tự nhiên kết hợp cùng phân mảnh micro (Ảnh: S.S).

Hiện nay, nhóm cứu hộ sinh vật biển Sasa gồm 8 thành viên hoạt động thường xuyên cùng với những cộng tác viên khác.

Công việc của Sasa nhiều năm trở lại đây là tập trung lặn biển ở bán đảo Sơn Trà, đưa những cành san hô bị gãy, đang "hấp hối" vì bị dẫm đạp, ca nô thả neo làm hư hại lên bờ, gắn vào giá thể rồi lặn xuống đáy biển cố định lại.

Đồng thời, nhóm cũng thường xuyên theo dõi và loại bỏ những tấm "lưới ma" ra khỏi rạn san hô. Đây là lưới đánh cá lâu ngày bị đứt, chìm xuống vô tình cuốn gãy cũng như ngăn cản sự phát triển và gây chết san hô.

Ném tiền tỷ xuống biển để tái tạo "báu vật"

Anh Chiến bắt đầu khảo sát những rạn san hô dưới chân bán đảo Sơn Trà từ sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra khiến toàn bộ rạn san hô khu vực Hải Vân đến bắc Sơn Trà bị tác động.

Nguyên nhân khác khiến rạn san hô ở đây chỉ còn thưa thớt là những tour du lịch tự phát đưa người ra ngắm san hô, dẫn tới tình trạng dẫm đạp, rác thải, "lưới ma" tấn công san hô.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 5

Suốt 4 năm qua, nhóm đã tái tạo được trên 200m2 san hô ở bán đảo Sơn Trà (Ảnh: S.S).

Biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều bãi san hô bị tẩy trắng, trong đó có bãi Nam - một rạn san hô quan trọng nhất ở Sơn Trà.

"San hô dưới đáy biển là cảnh đẹp nhất trên đời. Đáng buồn, hoạt động của con người đã đẩy san hô đến với bờ vực. Việc bảo tồn chúng hết sức cần thiết. Không còn san hô đồng nghĩa với việc không còn hệ sinh thái dưới biển", anh Chiến nhấn mạnh.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 6

Các nhánh san hô hồi sinh, phát triển trên hệ thống giá thể (Ảnh: S.S).

"San hô dưới đáy biển là cảnh đẹp nhất trên đời. Đáng buồn, hoạt động của con người đã đẩy san hô đến với bờ vực. Việc bảo tồn chúng hết sức cần thiết. Không còn san hô đồng nghĩa với việc không còn hệ sinh thái dưới biển", anh Chiến nhấn mạnh.

Suốt 4 năm qua, sau hàng vạn lần "ngoi lên, lặn xuống", nhóm Sasa đã tái tạo được trên 200m2 san hô, với chi phí nhiều tỷ đồng.

"Có thể mọi người giật mình với số tiền trên nhưng chi phí để tái tạo một rạn san hô rất tốn kém. Ở Úc, để bảo tồn 1m2 phải chi ra mỗi năm 1 triệu đô. Chúng tôi trồng 100m2 chỉ trong một tháng thì số tiền vài tỷ đồng là chuyện thường", anh Chiến giải thích.

Dù chi phí bỏ ra lớn như vậy, nhưng anh Chiến cho biết không có ý định xin tiền tài trợ. Vì khi thành lập, nhóm xác định hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức nào.

Chuyện chưa kể về biệt đội giải cứu báu vật của Đà Nẵng - 7

Nhóm Sasa được TP Hội An tặng giấy khen vì thành tích bảo tồn khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (Ảnh: S.S).

Việc lo chi phí hoạt động gặp nhiều khó khăn, nhóm phải chuyển ra bãi biển để họp vì thiếu kinh phí. Thế nhưng anh Chiến và các thành viên vẫn lạc quan với công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" này.

Khi chúng tôi thắc mắc, tại sao nhóm có thể nhanh chóng phát hiện san hô tổn thương để cứu hộ, anh Chiến chỉ cười: "Vì chúng tôi ở dưới biển nhiều hơn trên bờ. Việc cứu hộ không giống tái tạo. Cứu hộ là phải ngay lập tức vì liên quan đến sự sống, nếu không làm thì san hô sẽ chết ngay. Chúng tôi tâm niệm cứu san hô là trách nhiệm của mình, không vì điều gì cả, chỉ từ một tình yêu với đại dương".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm