Chuyện cá mập ở biển Đông
“Vùng biển Đông cá mập nhiều lắm. Ngoài cá mập trắng ăn thịt người là loài cho vi vây hảo hạng nhất, vùng biển Đông còn có một số loài cá mập khác như cá mập búa, cá mập đen, cá nhám cào...”, anh Nguyễn Tấn Thi, ở thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) kể.
Ngày thứ 18 trong chuyến hải trình rời quân cảng Cam Ranh đến Trường Sa, lúc thả neo cách đảo chìm Đá Lát khoảng 3 hải lý vì sóng to gió lớn không thể cập cầu cảng, trong lúc nán đợi, thủy thủ tàu đã câu được con cá mập dài hơn 2m. Đây là loài cá mập trắng nổi tiếng “sát thủ” trong họ cá mập.
Từng xuất hiện trong bộ phim Hàm cá mập của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg (sản xuất năm 1975), khi biết được thủy thủ tàu Trường Sa 22 thường xuyên câu được “hung thần đại dương” và vùng biển Đông Việt Nam là thủ phủ của loài cá này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu và ghi nhận nhiều chuyện ly kỳ lẫn đẫm nước mắt về loài cá mập trắng!
Con cá mập mà thủy thủ tàu Trường Sa 22 câu được có trọng lượng khoảng 40kg, là cá mập con nhưng sức khỏe thuộc loại… kinh khủng. Sau khi bị dính câu, cuộc quần thảo giữa cá và người diễn ra khốc liệt. Đến giờ thứ 5, chờ khi “hung thần đại dương” thấm mệt, thủy thủ tàu mới thu cước và dùng khấu (một loại mũi lao hình móc câu) móc đưa con vật lên boong tàu.
“Đây là loài cá mập trắng thường xuất hiện trong những bộ phim cá mập ăn thịt người của các đạo diễn phương Tây. Chúng sống ở độ sâu hàng trăm mét, dù chúng tôi không có chủ đích nhưng do thói ăn tạp nên chúng thường xuyên dính câu. Chỉ đến khi kéo chúng lại gần tàu chúng tôi mới biết chính xác đó là cá mập. Nhưng kỳ thực chỉ riêng việc con cá dính câu vùng vằng, cứ cắm đầu lao xuống đáy biển với tốc độ như tên bắn để thoát thân thì anh em cũng đoán được phần nào đó là cá mập trắng” – Doanh, một thủy thủ tàu Trường Sa 22, cho biết.
“Mỗi khi cá mập trắng xuất hiện và lởn vởn đâu đó thì các loài cá khác ngày thường vốn đầy ra đó bỗng biến mất, con rúc sâu vào đáy, con lủi vào rạn san hô… vì sợ hung thần tiễn mạng”. Đấy là tâm sự của anh Nguyễn Tấn Thi, SN 1970, trú tại nhà số 5 thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn).
Trò chuyện về cá mập, anh rùng mình nhớ lại: “Vùng biển Đông cá mập nhiều lắm. Ngoài cá mập trắng ăn thịt người là loài cho vi vây hảo hạng nhất, vùng biển Đông còn có một số loài cá mập khác như cá mập búa, cá mập đen, cá nhám cào (họ cá mập, miệng bành lúc nào cũng rà sát đất... Hồi còn đi săn cá mập, tôi và bạn biển thường xuyên kéo câu những con nặng đến gần 200kg. Mỗi khi đưa nó lên được boong tàu, nghe nó thở khù khù, rồi nhìn hàm răng sát thủ trắng hoắc cùng đôi mắt đỏ ngàu của nó, anh em ai nấy rụng rời”.
Trong vô vàn kỷ niệm đụng độ với “đại ca” biển Đông, anh Sơn nhớ mãi lần anh gặp cá mập trắng khổng lồ và đứng trước nguy cơ bỏ mạng mười mươi. “Đó là vào năm 2003, khi tôi làm nhiệm vụ tại hải đăng đảo Tiên Nữ. Sau khoảng 3h hụp lặn thu về chiến lợi phẩm kha khá, lúc trở về, tôi ngồi trước mũi xuồng phát hiện ở khoảng cách gần 1km có vệt đen tựa vây cá nhô lên khỏi mặt nước nên lao đến quyết bắt cho bằng được”.
Khi cập sát, nhìn thấy tấm thân bồ tượng màu xanh đen và ánh mắt đỏ ngàu lập lờ dưới làn nước trong xanh, 3 nhân viên Trạm hải đăng Tiên Nữ ai nấy rụng rời khi biết đó là con cá mập trắng khổng lồ: “Nó dài trên 4m, to gấp đôi chiếc xuồng, ước lượng nặng phải trên 1 tấn, chỉ cần nó quẫy đuôi, nó cựa lưng, nó lao thẳng tới thì anh em chúng tôi chắc chắn sẽ có người nắm chắc chiếc vé về với ông bà tổ tiên. Cũng may là khi ấy, có lẽ no mồi nên con mập trắng không động thủ mà nằm im như vậy nên chúng tôi… thoát nạn”.
Do cá mập là loài nguy hiểm, thịt tanh, nhạt nên lính đảo và cả ngư dân sinh sống ở vùng biển Đông chẳng ai có chủ đích thả câu. Thường khi biết cá mập cắn câu, lúc đưa được “hung thần” lên boong tàu để trách rời khỏi lưỡi câu, nếu tình trạng sức khỏe con vật còn ổn thì anh em lại thả chúng về với biển bởi ý thức được rằng do bị con người lạm sát để lấy vi-vây, cá mập là loài đang đứng trước nguy cơ tổn thương về số phận.
Ông Bùi Văn Minh, người tỉnh Khánh Hòa, chủ tàu đánh bắt cá thu số hiệu KH 91250, cho biết, cá mập trắng tuy là giống cá to lớn, nguy hiểm nhưng kỳ thực chúng chưa từng chủ động tấn công người: “Trong hơn 20 năm lênh đênh trên vùng biển Đông, chúng tôi chưa từng nghe, từng gặp vụ cá mập hại người như trong phim ảnh, trong các lời đồn cửa miệng của người đời”.
Thượng úy Trần Văn Huy, Chính trị viên tàu Trường Sa 22 cho biết, khi gặp tàu cá, gặp người thì cá mập lảng đi chỗ khác. Do bộ vi - vây và gan có giá trị, người ta tin rằng khi ăn những bộ phận này của cá mập sẽ giúp khỏe mạnh, tráng kiện, chữa được bệnh nan y nên họ tầm nã cá mập không thương tiếc. Để rồi giờ đây chúng ngày càng vơi dần “quân số”, vắng mặt trên vùng biển Đông rất nhiều.
Theo Thành Dũng
Công an Nhân dân