1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện buồn phía sau một chuyên án thắng lợi

(Dân trí) - “Khoe” cái đầu trọc vì căn bệnh suy tuỷ và ung thư máu, Thượng tá Lê Quý Dương (Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ CATP Hà Nội) cùng những cán bộ chiến sĩ tham gia phá vụ án buôn bán chất phóng xạ xuyên quốc gia (chuyên án 027Z) cách đây 12 năm, bồi hồi nhớ lại từng chi tiết vụ án.

Món hàng đặc biệt

 

Đồng chí Trần Đức Nha, một trong số những cán bộ, chiến sĩ tham gia phá chuyên án 027Z - hiện là Đội phó Đội điều tra án kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng - kể lại:

 

Những ngày trung tuần tháng 6/1995, trinh sát hình sự trạm cảnh sát bến xe phía Nam báo về một nguồn tin quan trọng: Có một đối tượng đang rao bán một cục xạ hiếm trọng lượng 4,6 kg với giá 30.000 USD.

 

Ban đầu, hai trinh sát Lương Hoàng Dũng (hiện vẫn đang công tác tại Đội điều tra án Công an quận Hai Bà Trưng) và Trần Trùng Dương (nay là đội phó đội tham mưu phòng CSTT – Công an TP Hà Nội) được tung vào cuộc với nhiệm vụ kiểm tra thực, hư nguồn thông tin về cục phóng xạ này.

 

Trong vai một dân buôn phóng xạ Lạng Sơn có “máu mặt” xuống Hà Nội tìm “hàng”, sau một thời gian tiếp cận, trinh sát Dũng đã bắt mối được với kẻ trực tiếp rao bán. Đối tượng tên là Nguyễn Anh Hùng, sinh năm 1936, nhà ở phường Phan Đình Phùng. Hùng đang cất giữ cục xạ hiếm hình thang cân, một chiều 9,5cm, một chiều 11cm, hai cạnh bên 7,2cm…

 

Ngay sau khi nhận được tin xác minh của trinh sát (chụp ảnh và xác định độ thật của cục xạ hiếm này), Ban chấp hành Công an quận Hai Bà Trưng đã giao nhiệm vụ cho Đội cảnh sát kinh tế và Trạm cảnh sát bến xe phía Nam phá án. Chuyên án 027Z ra đời!

 

Để chiếm được lòng tin của đối tượng, trinh sát Dũng được bố trí ăn, nghỉ và giao dịch tại một khách sạn khá sang trọng ở phố Triệu Việt Vương. Sau nhiều lần thử thách, dò xét, đối tượng đồng ý bán cục phóng xạ với giá 25.000 USD, bên bán sẽ kiểm tra tiền mặt trước khi giao hàng.

 

Cá đã cắn câu, nhưng cái khó lại nảy sinh, đó là “chạy” đâu cho đủ số tiền theo yêu cầu của đối tượng, rồi phải rút lại được tiền trước khi khép án (theo quy định, toà án sẽ tịch thu toàn bộ tiền, hàng trong vụ án - bất kể từ nguồn nào - kể từ khi lập biên bản, đưa tang vật về nơi tạm giữ).

 

Một kế hoạch phá án chu đáo khác đã được đặt ra.

 

Số tiền được các chiến sĩ mượn của một tiệm vàng trên địa bàn quận, cho vào một chiếc cặp cứng, có khoá. Toàn bộ nhân viên (người xách hàng, lễ tân..) của khách sạn nơi trinh sát Dũng ở được thay thế bởi các chiến sĩ trong đội phá án. Vòng ngoài chốt tại ngã tư Tô Hiến Thành - Mai Hắc Đế cũng được bố trí một lực lượng chiến sĩ đông đảo. Ngoài ra, một tốp chiến sĩ khác được cũng được “cắm” bên ngoài bến xe phía Nam, đề phòng đối tượng chạy trốn.

 

Ngày 3/7/1995, Hùng tìm đến chỗ ở của trinh sát Dũng để kiểm tra tiền trước rồi mới nói chỗ giao hàng. Sau khi kiểm tra tiền và cầm chìa khoá cặp, Hùng yêu cầu trinh sát Dũng cùng lên xe ôtô ra ngoại thành thực hiện giao dịch. Trên cầu thang đi xuống, một chiến sĩ trong vai người xách hàng đã khéo léo tạo ra tình huống che mắt đối tượng rồi nhanh chóng tráo chiếc cặp khác (đựng giấy báo). Đối tượng vẫn hoàn toàn không hay biết!

 

Về phía trinh sát Dũng, sau khi xác định “hàng” được Hùng chở theo trên chiếc ôtô mà đối tượng đi, anh đã ra ám hiệu cho đồng đội chuẩn bị kế hoạch vây bắt. Tại ngã tư Tô Hiến Thành - Mai Hắc Đế, một vụ va chạm giao thông đã được dàn dựng. Đối tượng Hùng và chiếc hộp đựng cục phóng xạ hiếm được các chiến sĩ nhanh chóng áp giải về trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng.

 

Những điều không ngờ tới!

 

Chuyên án 027Z đã được các chiến sĩ công an kết thúc nhanh gọn trong 1 thời gian ngắn và hết sức bài bản. Tuy nhiên, có một chi tiết không được ghi trong hồ sơ, đó là trong quá trình trinh sát, tiếp xúc và thu giữ cục xạ hiếm này, không cán bộ, chiến sĩ nào biết khối kim loại ấy đã bị mẻ một miếng (vợ đối tượng vô tình dùng dao chém vào khi đang kê để chẻ củi). Đây chính là nguyên nhân khiến nguồn phóng xạ bị rò rỉ.

 

“Gần 40 tiếng trước khi các chuyên gia Viện Năng lượng nguyên tử đến nhận cục phóng xạ, nó được cất giữ tại một chiếc tủ gỗ của đội - nơi thường để tang vật bị tạm giữ. Trong khoảng thời gian “chết người” ấy, các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát kinh tế chúng tôi vẫn  không hề hay biết nguy hiểm đang xảy ra; vẫn mê mải bàn bạc đến vụ án mới.

 

Chỉ đến khi chuyên gia đến, máy đo phóng xạ vừa bật đã phát ngay tín hiệu cảnh báo… Phòng làm việc của đội đã nhiễm xạ!” - Đồng chí Vũ Mạnh, Đội trưởng Đội điều tra án kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng, kể lại.

 

Sau đó, Viện Năng lượng nguyên tử cũng  đưa ra thông báo, toàn bộ đồ đạc bằng kim loại trong nhà đối tượng đã bị nhiễm phóng xạ rất nặng!

 

“Ban đầu chúng tôi không băn khoăn vì nghĩ rằng chất phóng xạ đã được bảo vệ cực kỳ an toàn, mọi người vẫn tiếp xúc bình thường mà không có phương tiện bảo hộ. Bên cạnh đó, khi đánh án, chúng tôi ý thức được rằng, phải nhanh chóng kết thúc vụ việc, tránh nguy hiểm cho người dân. Vì nhiệm vụ, chúng tôi không có nhiều thời gian để cân nhắc, nghĩ ngợi. Chính tôi đã trực tiếp áp giải đối tượng và ôm cục phóng xạ về trụ sở công an quận”- anh Hoàng Văn Hanh, Đội cảnh sát điều động bến xe phía Nam nói.

 

Thượng tá Lê Quý Dương cũng cho biết: Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, cục xạ hiếm được chuyển đi. Mấy tháng sau Công an TP Hà Nội đã tổ chức cho 39 cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hai Bà Trưng đi kiểm tra sức khoẻ. Kết quả lần đầu không có gì đáng chú ý.

 

Công tác khám định kỳ duy trì được 4-5 năm. Đều đặn sau đó, mỗi năm các chiến sĩ được hưởng chế độ  đi nghỉ điều dưỡng một tháng. Ngoài ra, không được thêm khoản hỗ trợ gì khác.

 

Năm tháng cứ trôi đi, những cán bộ, chiến sĩ tham gia vụ án 027Z ngày ấy vẫn tiếp tục công việc thường nhật mà không hề hay biết, chất phóng xạ đang ngày đêm âm thầm gặm nhấm từng tế bào của mình.

 

Từ năm 2006, kết quả kiểm tra sức khoẻ của 38 đồng chí (1 người đã mất) cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường như: suy giảm mạnh hồng cầu, mắc bệnh hô hấp, tim mạch...

 

“Sau đợt kiểm tra sức khoẻ năm 2006, tôi được bác sĩ thông báo, hồng cầu giảm chỉ còn ½ so với bình thường. Qua nhiều xét nghiệm, tôi được biết mình đã bị ung thư máu và suy tuỷ, muốn kéo dài cuộc sống phải chiếu xạ” - Thượng tá Lê Quý Dương cho hay.

 

Ngoài thượng tá Dương, còn có các anh Lê Quý Hùng bị u não; Doãn Văn Hoàng bị u phổi; trinh sát Lương Hồng Dũng bị giảm mạnh hồng cầu, đang phải nằm viện điều trị; anh Hoàng Văn Hanh viêm, tắc mật cấp, rối loạn tuần hoàn não, chân tay sùi lên từ vài năm năm nay…

 

Dù đang phải ngày đêm chống chọi với bệnh tật nguy hiểm, những cán bộ chiến sĩ tham gia chuyên án 027Z ngày ấy, không ai than phiền, ân hận về sự hy sinh thầm lặng của mình. Họ chỉ mong muốn được xét hưởng chế độ dành cho thương binh - bệnh binh - liệt sĩ đối với lực lượng công an trong lĩnh vực phòng chống các loại tội phạm!

 

“Mới đây, lãnh đạo công an TP cũng đã làm việc với đại diện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; Cục Chính sách - Bộ Công an; Viện Quân y 103… để bàn về chế độ chính sách cho 39 cán bộ, chiến sĩ này. Tuy nhiên,  từ trước tới nay chưa có văn bản, quy định nào áp dụng chính sách thương binh - bệnh binh - liệt sĩ đối với lực lượng công an trong lĩnh vực phòng chống các loại tội phạm mới, đặc biệt là tội phạm buôn bán chất phóng xạ. Chính vì thế, mọi vấn đề về giải quyết chính sách vẫn trong tình trạng lúng túng, chưa có hướng giải quyết!” - Thượng tá Dương trầm ngâm nói.

 

Ông Vũ Đăng Ninh, chánh Văn phòng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam:

 

Hiện tượng đồng loạt các cán bộ, chiến sĩ bị ung thư, suy giảm hồng cầu là vấn đề cần phải lưu ý. Có 3 yếu tố đồng bộ để đánh giá sự ảnh hưởng của chất xạ hiếm là hoạt độ của nguồn phóng xạ mạnh hay yếu? Khoảng cách bị chiếu xa hay gần và thời gian bị chiếu dài hay ngắn? 

 

Bác sĩ Lê Bảo Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 103, kiêm chuyên viên kỹ thuật ngành Y học, phóng xạ - Cục Quân y:

 

Tôi đã theo dõi hồ sơ bệnh án của 39 cán bộ, chiến sĩ 7-8 năm nay. Trong quá trình đó, có nhiều đồng chí thể hiện những triệu chứng bất thường cần được lưu ý đến.

 

Biểu hiện thường thấy do ảnh hưởng của chất phóng xạ hiếm là ung thư và những bệnh về máu. Nếu bị nhiễm phải nguồn phóng xạ cơ chế mạnh, có người có thể tử vong ngay lập tức. Nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh đến khi sức khoẻ giảm sút mới phát tác.

 

Thanh Trầm