Chương trình giám sát trong năm đầu của Quốc hội khóa mới
(Dân trí) - Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV diễn ra đầu năm 2021 không có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn do bộ máy vừa kiện toàn. Trước khi kết thúc khóa XIV, Quốc hội có cuộc tổng kết nhiệm kỳ.
Chiều 9/6, Quốc hội đã biểu quyết, thống nhất thông qua chương trình giám sát năm 2021 với 440/442 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,10% tổng số đại biểu Quốc hội). Đây là năm bản lề, chuyển từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sang nhiệm kỳ mới, khóa XV (2021-2026).
Theo đó, vào kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, diễn ra đầu năm 2021), Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch nước, UB Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội mới tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Về việc lập pháp, Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 các dự án, dự thảo sau đây: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10).
Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (tháng 3/2021) trình Quốc hội thông qua 4 dự án gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021) trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) trình Quốc hội cho ý kiến 6 dự án gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thái Anh