"Chúng ta đã "tắm cả người" khi phòng chống tham nhũng"

Thế Kha

(Dân trí) - "Nếu như hơn 10 năm trước, dư luận xã hội còn hay nói là chúng ta "tắm nửa người" khi nói về công tác phòng chống tham nhũng thì bây giờ ấn tượng nhất với tôi là chúng ta đã "tắm cả người" rồi".

PV Dân trí trao đổi với Tiến sĩ - Luật sư Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam-VUSTA), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - trước thềm Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.

Chúng ta đã tắm cả người khi phòng chống tham nhũng - 1

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo, đến nay công tác phòng chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Với cá nhân ông, những ấn tượng nào sâu đậm nhất về công tác phòng chống tham nhũng trong khoảng thời gian này?

- Ấn tượng nhất với tôi là chúng ta đã xử lý cả những cán bộ giữ chức vụ cấp cao nhất - Ủy viên Trung ương, các tướng lĩnh quân đội và tướng lĩnh công an. Mức độ xử lý và đối tượng bị xử lý đã không còn bị hạn chế ở người giữ chức vụ thấp như dư luận trước đây e ngại.

Nếu như hơn 10 năm trước, dư luận xã hội còn hay nói là chúng ta "tắm nửa người" khi nói về công tác phòng chống tham nhũng thì bây giờ ấn tượng nhất với tôi là chúng ta đã "tắm cả người" rồi.

Chính điều đó đã tạo ra ấn tượng mạnh với dư luận xã hội, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và đồng tình của nhân dân.

Người dân cũng tin tưởng hơn với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tin tưởng hơn vào sự làm việc hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư đứng đầu.

Theo ông, đâu là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc chúng ta đã "tắm cả người", đấu tranh phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai" như lời Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh?

- Kết quả thống kê cho thấy, 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng…

Nhưng tôi cho rằng việc "không có vùng cấm" mới phản ánh 3/4 thực tế thôi, bởi vẫn còn đâu đó những "con sâu" chưa bị đụng tới. Điều đó đòi hỏi công tác phòng chống tham nhũng phải tiếp tục xử lý số cán bộ còn đang "nhởn nhơ" này.

Chúng ta đã tắm cả người khi phòng chống tham nhũng - 2

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng… Trong ảnh: 2 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị kỷ luật liên quan vụ Việt Á.

Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đến ngày 27/6 đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ông kỳ vọng gì vào hiệu quả của Ban chỉ đạo này?

- Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nhận được rất nhiều kỳ vọng, tin tưởng sẽ trở thành một thiết chế, "kênh" quan trọng của Đảng ở địa phương để kịp thời nắm bắt thực tế và xử lý nhanh chóng tiêu cực, tham nhũng ở cơ sở.

Nhưng vẫn còn đó không ít ý kiến e ngại, vì thành lập ở địa phương thì liệu có xảy ra chuyện cục bộ bao che lẫn nhau hay không? Thông tin về phòng chống tham nhũng bị chính quyền địa phương bưng bít hay không? Giải pháp cho lo lắng này chắc chắn không khó, nếu Ban chỉ đạo có địa vị pháp lý ở địa phương độc lập, làm việc khách quan.

Tôi kỳ vọng Ban chỉ đạo này sẽ hoạt động hiệu quả trong việc nắm bắt thực tế và giữ được tính độc lập, không bị chi phối, tác động của cơ quan ở cấp tỉnh. Hơn nữa, những người lãnh đạo cơ quan này phải tránh được tính cục bộ địa phương đã "ăn sâu, bám rễ" với hệ thống ở không ít nơi hiện nay. Tránh được những điều đó thì mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả như kỳ vọng.

Một trong những điểm nổi bật trong 10 năm qua là công tác thu hồi tài sản tham nhũng có những chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%. Nhưng vừa qua, hình ảnh về khối "tài sản khủng" của cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) hay "biệt thự trăm tỷ" của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vẫn khiến dư luận sốc...

- Câu chuyện thu hồi tài sản bất minh của quan chức là câu chuyện dài, nhà làm luật đã bàn tới khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng nhưng cuối cùng lại không được thông qua.

Việc đánh giá, thu hồi tài sản bất minh hiện giờ lu mờ, nhẹ nhàng và chưa có quy định rõ ràng trong luật nên trong những trường hợp như ông cựu Chủ tịch TP Hạ Long, hay những đồn thổi về ông Nguyễn Đức Chung- cựu Chủ tịch TP Hà Nội giàu lắm, tích lũy trong suốt thời gian làm Giám đốc Công an Hà Nội rồi Chủ tịch UBND TP Hà Nội vẫn khiến dư luận xôn xao. Họ có một khối tài sản rất lớn nhưng nộp có 25 tỷ đồng đã được giảm án.

Hướng điều tra trong các vụ án hình sự hiện nay chỉ hướng vào hành vi vi phạm pháp luật như thế nào, gây thiệt hại ra sao thì bồi thường cho thiệt hại đó. Thế là họ nộp 25 tỷ đồng khắc phục hậu quả là xong, được giảm án ngay.

Từ đó mới nảy sinh tâm lý "hi sinh đời bố, củng cố đời con", trở nên bình thường với không ít người có chức, có quyền. Nhưng chuyện này không thể như vậy mãi, vì tài sản tham ô, tham nhũng mà có là của nhân dân, đất nước, không thể phạm tội gì, gây thiệt hại bao nhiêu thì chỉ phải bồi thường bấy nhiêu.

Luật pháp sẽ phải dần tính tới quy định khi tôi yêu cầu chứng minh khối tài sản mà anh không chứng minh được thì sẽ bị tịch thu. Rõ ràng ở đây có vấn đề rất lớn, muốn thu hồi tài sản thì phải có điều khoản luật tịch thu tài sản bất minh.

Chúng ta đã tắm cả người khi phòng chống tham nhũng - 3

Căn biệt thự "khủng" của gia đình ông Chu Ngọc Anh - nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội gây xôn xao dư luận vì được định giá lên tới cả trăm tỷ đồng (Ảnh: Nguyễn Trường).

Theo ông, việc công khai tài sản của cán bộ, công chức Nhà nước cũng cần phải tính tới?

- Tôi cho rằng giải pháp hiệu quả nhất trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nằm ở việc minh bạch tài sản của cán bộ, lãnh đạo.

Tôi đã từng đề nghị xây dựng website, cơ sở dữ liệu về thu nhập, tài sản của cán bộ, lãnh đạo và quy định rõ những thành phần có thể truy cập để theo dõi, giám sát. Nhà báo, truyền thông có quyền truy cập, sử dụng thông tin đó một cách hợp pháp. Tất nhiên, ai lợi dụng thông tin đó làm việc bất hợp pháp thì không được.

Nếu làm được quy chế công khai tài sản, kê khai tài sản của cả vợ con, bố mẹ, sự biến động tài sản trong từng giai đoạn từ quy hoạch, bổ nhiệm, thời gian giữ chức vụ quản lý,… thì tôi tin rằng sẽ đảm bảo rất hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc rất lớn nhưng vẫn xảy ra một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương. Theo ông, Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 là dịp để đánh giá lại toàn diện những kết quả đạt được trong 10 năm qua, rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp trọng tâm về phòng chống tham nhũng trong thời gian tới?

- Đúng như vậy. Chúng ta thử đặt câu hỏi: Tại sao công tác chống tham nhũng thực hiện quyết liệt suốt 10 năm qua, càng về sau này càng "nóng" mà vẫn xảy ra những vụ án quy mô lớn như Việt Á vừa qua?. Vụ Việt Á lại chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian, một thời điểm nhất định. Rõ ràng những vụ tham nhũng quy mô lớn vẫn xảy ra ngay trong giai đoạn "lò" vẫn đang nóng, đang cháy rừng rực như thế cho thấy nhiều kẻ tham nhũng không sợ bị xử lý?

Từ đó chúng ta thấy rằng cần phải có những đánh giá toàn diện, khách quan hơn về thể chế, trách nhiệm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra để xảy ra tham nhũng, tiêu cực…

Tôi lấy ví dụ như đối với cơ quan thanh tra, nếu đã thanh tra thấy dấu hiệu vi phạm hình sự mà không có chuyển sang cơ quan điều tra thì phải xem xét, xử lý ngay.

Rõ ràng phải siết chặt kỷ cương về thanh tra, bởi họ là cơ quan đi tiên phong xác minh dấu hiệu sai phạm, xác định được rõ nhất sai phạm nào ở mức độ hành chính, hay vi phạm pháp luật hình sự. Chúng ta phải tính tới truy cứu trách nhiệm hình sự cơ quan thanh tra nếu cố ý bỏ qua vi phạm pháp luật, ỉm hồ sơ không chuyển sang cơ quan điều tra…

Rồi vai trò của truyền thông, báo chí trong cuộc phòng chống tham nhũng rất tốt rồi, thì phải được tăng cường hơn nữa.

Cơ quan phòng chống tham nhũng phải lấy được nguồn thông tin từ thanh tra, báo chí, dư luận, đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân... Chúng ta phải quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, quyết tâm chính trị rất cao thì mới đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa trong công tác này.

Xin cảm ơn ông!

Vai trò đặc biệt của người đứng đầu

Hôm nay (30/6), Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì hội nghị.

Nói về chặng đường 10 năm qua, ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - khẳng định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đầu tiên phải kế đến sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó là sự gương mẫu, "nói đi đôi với làm" của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Kết quả này có được là sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây.

Ông Phan Đình Trạc đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các lãnh đạo chủ chốt. Đặc biệt là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo, của Nhân dân và báo chí.

"Đây là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn - là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua"- ông Phan Đình Trạc khẳng định.

Ông Phan Đình Trạc đánh giá nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua.