"Chúng ta còn "nợ" dân việc gì sau 13 năm thực hiện chính sách "tam nông"?
(Dân trí) - Ban chỉ đạo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26 (năm 2008) của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu yêu cầu đánh giá những kết quả đạt được cũng như những việc còn nợ người dân…
Chiều 26/11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo "Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn" nhằm tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26).
"Tam nông" theo mục tiêu mới
Khái quát 13 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông", Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.
Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người/năm 2010 lên trên 42 triệu đồng/người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.
Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,94%/năm và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Năm 2020 sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.
Tuy vậy, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc...
Ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Để thực hiện mục tiêu tổng thể này, cần tổng kết Nghị quyết 26 "để rà lại xem đã làm được những kết quả gì, những việc gì còn nợ người dân", từ đó đề xuất chiến lược, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nêu 5 việc lớn cũng là chuyên đề 5 trong tổng thể 25 chuyên đề của Ban Chỉ đạo đặt ra, gồm: liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách huy động nguồn lực, chính sách tài chính, chính sách tín dụng và chính sách khoa học công nghệ cho nông nghiệp, nông thôn.
Tổng kết Nghị quyết 26, theo đó, là đợt tổng rà soát cơ chế, chính sách để xem cần thay đổi theo hướng nào, cụ thể ra sao để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Báo cáo tổng kết dự kiến được trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét tại hội nghị đầu tháng 5/2022.
"Nếu thuận lợi, tốt đẹp, Trung ương sẽ thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 26, đáp ứng sự mong chờ của bà con nông dân cả nước" - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Sửa luật Đất đai để thúc đẩy tích tụ ruộng đất
Tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết hiện số hộ cá thể tham gia các HTX nông nghiệp ở Việt Nam là quá thấp, khoảng 30%, trong khi các nước là hầu hết 100% nông dân tham gia HTX. Nếu tham gia HTX sẽ huy động được nguồn lực, ứng dụng KHCN và tạo ra thị trường.
"Nếu hộ nông dân tập hợp vào HTX sẽ tạo ra chuỗi giá trị, hạn chế rủi ro sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế thủ tục cho các tổ chức tín dụng rất nhiều?" - ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, hiện nay có vấn đề bà con đi mua phân bón chịu rất nhiều thiệt thòi và người nông dân rơi vào tình cảnh bị chủ vựa phân bón "kê" thêm bệnh cho cây trồng và lãi suất mua chịu không dưới 15%.
Ông Bảo dẫn ví dụ, bà con ở Hà Nam tiếp cận được vốn Agribank đã giảm được chi phí sản xuất tới 30%. Từ đó, ông Bảo kiến nghị cần có thay đổi về chính sách tín dụng và hình thành các gói bảo hiểm tín dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, điều kiện cần thiết để phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực quốc gia còn nhiều hạn chế, bất cập về quy hoạch vùng nguyên liệu trong liên kết vùng, tích tụ và tập trung ruộng đất, kết cấu hạ tầng sản xuất và thông tin...
Từ đó, ông Bảo đề nghị, cần sớm sửa đổi luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong 10 năm qua, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân là hơn 6 triệu tỷ đồng, tương 260 tỷ USD. Tín dụng tăng trưởng 18,6%/năm và miễn giảm thuế cho khu vực này rất lớn.
Ông Phát kiến nghị đầu tư cho khu vực này cao hơn 12% và mức tăng trưởng tín dụng tối thiểu phải là 18,6%/năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu chính sách thuế đối với khu vực này. Về chính sách bảo hiểm nông nghiệp đúng là có khó khăn do rủi ro lớn. Bộ Tài chính sẽ xây dựng chính sách thuế theo hướng mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp để chia sẻ rủi ro.
"Đầu tư ngân sách nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có thể tăng gấp đôi so với giai đoạn trước để đáp ứng nhu cầu phát triển" - ông Hưng thông tin.