“Chúng ta có thể học kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc”
(Dân trí) - Ông Trần Văn Dũng - Vụ phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) - cho rằng những kinh nghiệm, bài học về phòng chống tham nhũng của Trung Quốc đã và đang thực hiện là điều cần được nghiên cứu, học tập trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự.
Tại cuộc họp báo chiều 17/4, ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp - cho rằng, giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. “Vì vậy việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong quá trình xây dựng sửa đổi Bộ luật Hình sự”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về hình phạt tử hình đang được thực hiện theo hướng: Quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này. Hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng (người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng), phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó sẽ mở rộng diện đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, mở rộng trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.
Trong khi đó, ông Trần Văn Dũng - Vụ phó Vụ Pháp luật hình sự hành chính - cho biết khoản 3 điều 38 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định trường hợp người bị kết án tử hình mà khắc phục được khoản tiền nhất định, có thể được giảm án từ hình phạt tử hình xuống còn chung thân.
Ông Trần Văn Dũng cho rằng kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc có thể trở thành bài học cho Việt Nam.“Chúng ta phải đặt quy định này trong xu thế chung về cải cách tư pháp mà chúng ta đang thực hiện, đó là giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù. 14 năm thi hành Bộ luật Hình sự đã cho thấy một điều: Đối với án tội tham nhũng thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, chỉ hơn 10%. Bài toán đặt ra là nếu cứ thi hành như hiện nay, người bị kết án tử hình cứ tử hình, đồng thời phải chấp hành khắc phục hậu quả thì sẽ không được đồng nào cả, nhà nước chúng ta không thu được đồng tham ô, tham nhũng nào cả”- ông Trần Văn Dũng nói.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Trần Văn Dũng thẳng thắn: “Bài học chống tham nhũng của Trung Quốc là cái mà chúng ta có thể nghiên cứu, học tập. Chúng tôi đưa vào dự thảo quy định, nếu người phạm tội tham nhũng có thể nộp lại 1/2 số tiền phạt theo bản án thì có thể giảm từ án tử hình xuống hình phạt chung thân. Đây là quy định mới, nhưng có thể giúp nhà nước ta có thể thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có”.
Ông Dũng phân tích tiếp: “Đã có ý kiến nói rằng quy định như vậy chỉ tạo điều kiện cho người có tiền thôi, nhưng nếu đặt trong bài toán không thu hồi được đồng nào mà vẫn phải đi thi hành tử hình một con người thì chúng tôi rất mong muốn các nhà báo chia sẻ quan điểm này. Chúng tôi không đặt vấn đề người có tiền thì thoát án, người không có tiền thì không thoát án. Đối với trường hợp án ma túy phạm tội thì đã bị loại ra rồi, không có chuyện án ma túy có tiền mà nộp phạt thì được thoát án đâu. Chúng tôi đang rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí về vấn đề này để đưa vào bộ luật hình sự sao cho phù hợp nhất”.
Điều tra viên “kỳ án vườn điều” được cấp thẻ hành nghề luật sư
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp - đã trả lời băn khoăn của dư luận xung quanh việc xem xét, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho ông Cao Văn Hùng - nguyên điều tra viên trong “kỳ án vườn điều” và vụ ông Huỳnh Văn Nén sát hại bà Lê Thị Bông (tỉnh Bình Thuận) đã bị VKSND Tối cao kháng nghị, yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Bà Nguyễn Thị Mai.Bà Mai cho biết ngày 10/3 vừa qua, ông Cao Văn Hùng đã có văn bản gửi Đoàn luật sư và Sở Tư pháp địa phương đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. “Chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ và thấy đáp ứng đầy đủ yêu cầu”- bà Mai nói.
Bà Mai thừa nhận việc này sẽ gây băn khoăn cho dư luận khi ông Cao Văn Hùng liên quan trực tiếp đến 2 vụ án rúng động cả nước. “Nhưng chúng tôi nghiên cứu thấy việc ông Cao Văn Hùng bị kỷ luật, giáng chức đã diễn ra được 14 năm rồi. Trong hồ sơ của ông ấy có đủ phiếu lý lịch tư pháp, không có án tích, trong khi đó kết quả tập sự hành nghề luật sư đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Theo quy định Luật luật sư 2012, tất cả các đoàn luật sư phải chuyển hồ sơ qua Sở Tư pháp để rà soát, xác minh nên khá chặt chẽ. Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho ông Cao Văn Hùng. Tôi chia sẻ với bức xúc rằng một điều tra viên như vậy tại sao lại cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng chúng tôi căn cứ vào quy định của pháp luật, người phạm tội mà được xóa án tích rồi thì các quyền của người ta được đảm bảo”- bà Mai nói.
Thế Kha