Chùm ảnh: Những “mặt hàng quá đát” ở Chợ Lách
(Dân trí) - Ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) có nhiều “mặt hàng” đã “quá hạn sử dụng” nhưng vẫn tồn tại rất… hùng hồn, như cầu, đường, bảng hiệu tuyên truyền, bảng địa giới hành chính…
Từ thị xã Vĩnh Long qua phà Đình Khao là đến huyện Chợ Lách, có tuyến quốc lộ 57 xuyên suốt huyện, dài khoảng 50km. Các xã thuộc huyện Chợ Lách nằm rải đều hai bên quốc lộ này, phần lớn đều đạt danh hiệu xã văn hóa.
Có dịp đến Chợ Lách, PV Dân trí được chứng kiến nhiều cảnh đáng buồn. Theo quan sát của PV, trên tuyến đường này có khá nhiều cây cầu. Những cây cầu đều có khung bằng sắt, nền cầu được lót bằng gỗ và các tấm vỉ sắt. Do phải oằn mình gánh lưu lượng xe lưu thông khá nhiều nên hầu hết những cây cầu này đều đã xuống cấp nghiêm trọng: gỗ gãy, các vỉ sắt bong tróc.
Điển hình như cầu Chợ Lách nối xã Sơn Định và thị trấn Chợ Lách, được xem là cây cầu dài nhất huyện. Nền cầu có nhiều mảnh gỗ đã gãy, các tấm vỉ sắt kết nối các mảnh gỗ bị… rớt đinh nên mỗi khi có xe đi qua là cầu lại kêu rầm rầm, nền cầu long lên như sắp “vỡ”. Do cầu hẹp, chỉ vừa một xe tải loại nhỏ đi qua; giờ lại xuống cấp nên chuyện nối dài chờ nhau qua cầu vẫn diễn ra hàng ngày.
Hay như cầu Cái Gà (xã Long Thới), các vỉ sắt cũng đã long hết. Bảng chỉ dẫn cảnh báo cầu yếu ngay đầu cầu bị che khuất bởi những tán cây khiến người đi đường thấy bảng mà như không thấy.
Một đoạn đường “quá đát” điển hình là đoạn giữa xã Sơn Định và thị trấn Chợ Lách. Đường có nhiều ổ gà, ổ voi nên cứ sau một trận mưa là nước đọng bùn lầy. Xe “cày” qua “cày lại, đường tha hồ mà xuống cấp.
Đặc biệt hơn cả là những tấm bảng, biển “quá hạn sử dụng” ở Chợ Lách: rất nhiều bảng tuyên truyền, bảng ghi địa giới hành chính đã mất chữ, mờ chữ, rụng chữ hoặc… không còn chữ, nhưng vẫn đứng đàng hoàng, “phục vụ nhân dân”.
Một số hình ảnh về những “món hàng quá đát” ở Chợ Lách mà PV Dân trí ghi lại được vào chiều qua, ngày 14/7.
Đường "quá đát"
Và những tấm bảng hiệu "quá đát" gây cười.
Huỳnh Hải