1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lào Cai:

Chưa thu hồi đã ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Chưa thu hồi đất nhưng lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã ra quyết định giao đất, thu tiền của doanh nghiệp, sau đó lại dùng nguồn Ngân sách Nhà nước để GPMB… một dự án mà trình tự bị đảo lộn và có nhiều dấu hiệu bất bình thường.

Chưa thu hồi  đã giao đất
 
Dự án “xây dựng siêu thị, khách sạn” trên diện tích 1.554m2 đất tại khu vực tổ 30 phường Duyên Hải, TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) được UBND tỉnh giao cho Doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH xăng dầu Chiến Thắng (gọi tắt là DN Chiến Thắng) từ tháng 12/2004.
 
Nhưng cho đến nay dự án này vẫn bế tắc bởi sự phản ứng của các hộ dân do dự án có nhiều dấu hiệu bất bình thường.
 
Chưa thu hồi đã ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp  - 1

Một dự án kéo dài tới 6 năm và có nhiều dấu hiệu bất bình thường (ảnh: H. Ngân).
 
Theo tài liệu chúng tôi có được, bất thường đầu tiên là tại Quyết định 737/QĐ-UB, ngày 8/12/2004, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Phạm Văn Cường kí thì việc giao đất cho DN Chiến Thắng là ở phường Phố Mới, thị xã Lào Cai. Nhưng đến khi triển khai thì dự án lại được thực hiện ở… phường Duyên Hải (TP Lào Cai).
 
Điểm bất bình thường tiếp theo cũng tại công văn này là UBND tỉnh Lào Cai chưa thu hồi đất của người dân nhưng đã ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp, thu tiền của doanh nghiệp và mãi 2 năm sau, ngày 16/5/2006, UBND TP Lào Cai mới ra quyết định phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường thiệt hại di chuyển GPMB cho DN Chiến Thắng.
 
Ông Phạm Văn Minh (số nhà 154, tổ 30 phường Duyên Hải), một trong những hộ dân đang nằm trong diện bị GPMB bức xúc: “Chính quyền chưa có quyết định thu hồi đất của dân mà đã ra quyết định giao đất và thu tiền của doanh nghiệp thì không biết UBND tỉnh lấy đất ở đâu mà giao cho họ?”.
 
Trong khi đó, điều 32 Luật Đất đai quy định rất rõ:  “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi đã thu hồi đất đó”.
 
Ông Mình cho biết thêm, người dân không hề được thông báo về dự án và cũng không được thỏa thuận về giá cả đền bù cũng như các vấn đề vướng mắc liên quan đến dự án.
 
Tỉnh làm thay doanh nghiệp?
 
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, số tiền UBND tỉnh Lào Cai thu của doanh nghiệp khi chưa tiến hành GPMB là 1,2 tỉ đồng, nhưng trong quá trình thực hiện GPMB và đền bù cho các hộ dân chỉ hết hơn 700 triệu đồng.
 
Điều khiến dư luận băn khoăn là số tiền hơn 700 triệu đồng được UBND TP Lào Cai sử dụng GPMB là tiền Ngân sách Nhà nước. Liệu nguồn Ngân sách Nhà nước đã được sử dụng không đúng mục đích?  
 
Để làm rõ các vấn đề mà dư luận quan tâm, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Phạm Văn Cường, ông Cường cho hay, quyết định số 737 có sự nhầm lần từ phường Duyên Hải thành phường Phố Mới có thể là do… nhân viên đánh máy. Được biết, đến thời điểm này, tỉnh chưa có văn bản nào sửa sai cho quyết định đó.
 
Chưa thu hồi đã ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp  - 2
PCT UBND tỉnh Lào Cai Phạm Văn Cường: Dự án có điểm "vênh" nhưng về mặt bản chất dự án không thay đổi (ảnh: H. Ngân)
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở góc độ pháp lí thì văn bản đó không có hiệu lực pháp luật để thực hiện GPMB tại phường Duyên Hải.
 
Về trình tự thu hồi đất thực hiện dự án “có vấn đề”, ông Cường cho rằng, có thể về thủ tục văn bản giữa UBND tỉnh và UBND TP Lào Cai phối hợp còn bị “vênh” về mặt thời gian nhưng về mặt bản chất của dự án là không thay đổi.
 
Về việc lấy tiền ngân sách để GPMB cho DN Chiến Thắng, ông Cường khẳng định, nguyên tắc số tiền đó là của doanh nghiệp, còn khi tỉnh bỏ tiền ra GPMB “sạch” thì DN đầu tư vào đó phải hoàn trả lại số tiền. Trong trường hợp này UBND tỉnh Lào Cai đã thu tiền của DN Chiến Thắng thì sau này sẽ đối trừ dần cho DN, làm như vậy vẫn đúng với quy định của pháp luật.
 
Ông Cường trả lời như vậy, nhưng trên thực tế hiện nay khu vực đất để giao cho DN Chiến Thắng thực hiện dự án vẫn chưa phải là khu đất “sạch”. Vậy vì sao UBND tỉnh Lào Cai lại thu tiền trước của DN trong khi chưa có quỹ đất sạch trong tay.
 
Mặt khác đã thu tiền của DN để thực hiện việc GPMB, sau đó lại dùng khoản tiền Ngân sách nhà nước hơn 700 triệu đồng để GPMB cho DN. Phải chăng có điều gì bất thường trong dự án này?!
 
Dư luận đặt câu hỏi: Theo qui định, Nhà nước chỉ đứng ra GPMB, thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng… Còn trong trường hợp giao đất cụ thể cho DN tư nhân thì DN đứng ra thỏa thuận đền bù với người dân. Vậy lí do gì trong dự án này, chính quyền tỉnh lại quá sốt sắng làm thay cho DN (?).
 
Hồng Ngân