1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm do còn nhiều ý kiến khác nhau

(Dân trí) - “Thảo luận tại tổ, hội trường về dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi), đại biểu vẫn còn băn khoăn một số nội dung như mở rộng đối tượng, thời gian, mức lấy phiếu… Do vậy, Quốc hội đã lùi thông qua để nghiên cứu sâu sắc hơn”.

Ngày 24/6, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận được nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi) về lấy phiếu tín nhiện, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chưa thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm do còn nhiều ý kiến khác nhau
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội lùi thông qua dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi) do còn nhiều ý kiến khác nhau

Được biết việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi) về lấy phiếu tín nhiện, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vì còn nhiều ý kiến khác nhau. Vậy xin ông cho biết những quan điểm khác nhau, ý kiến khác nhau ở đây là gì?

Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện tại Kỳ họp thứ 6. Sau nhiều ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tổ chức việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 và đi đến việc sửa đổi Nghị quyết này.

Qua ý kiến thảo luận tại hội trường, tại tổ về dự thảo Nghị quyết này, đại biểu vẫn còn băn khoăn một số nội dung. Thứ nhất về việc mở rộng thêm đối tượng là trưởng ngành ở địa phương. Thứ hai nhiều đại biểu cũng còn có ý kiến khác nhau về vấn đề thời gian, có ý cho rằng một kỳ lấy một lần, có ý kiến một kỳ lấy 2 lần… Thứ 3 là các mức lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến cho rằng nên để 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiện thấp), cũng có quan điểm nên để 2 mức (tín nhiệm, tín nhiệm thấp).

Thực tế qua việc còn nhiều ý kiến khác nhau như vậy chúng tôi đã tiến hành lấy phiếu thăm dò các đại biểu tại hội trường. Trước việc còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã cho lùi lại việc thông qua dự thảo Nghị quyết 35 theo như chương trình đã dự kiến.

Trả lời đại biểu về việc lùi thời gian thông qua dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi), Quốc hội cho biết, có hơn 100 đại biểu chưa thể hiện chính kiến?

Khi phát phiếu thì phát đầy đủ cho các đại biểu có mặt tại hội trường. Đây là một kênh để tham khảo, còn cái quan trọng nhất là các ý kiến trao đổi, thảo luận ở tổ, hội trường. Trên cơ sở đó thấy rằng nhiều đại biểu phát biểu rất tâm huyết và cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Do vậy, cần phải dừng lại việc thông qua dự thảo Nghị quyết 35 (sửa đổi) để nghiên cứu sâu sắc hơn. Và cũng cần có thời gian để tìm hiểu, lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, lấy ý kiến cử tri từ đó có bản sửa đổi Nghị quyết 35 cho thật tốt trước khi thông qua.

Bên hành lang Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương có trả lời báo chí về vấn đề này và như ông nói việc sửa Nghị quyết 35 có nhiều ý kiến khác nhau, vậy xin hỏi Quốc hội có ý tưởng đưa ra 2 mức tín nhiệm hay không?

Ý kiến của bà Nương trao đổi với phóng viên trên cơ sở quá trình thảo luận tại tổ và trên hội trường. Ý kiến phát biểu 2 mức, thế nhưng cũng còn nhiều đại biểu trong tổ đề nghị giữ nguyên 3 mức.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)