Chưa tạo được sự bình đẳng trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải
(Dân trí) - Nhiều quy định của pháp luật về quản lý vận tải đường bộ còn bất cập, có thể bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, hôm qua (1/9), Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo trực tuyến góp ý hoàn thiện Dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát "Nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam".
Dự thảo báo cáo của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra nhiều quy định của pháp luật về quản lý vận tải đường bộ còn bất cập, có thể bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp vận tải trong việc cấp phép, đăng ký kinh doanh, giám sát, kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải đường bộ trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực; ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vận tải ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, tác động xấu đến môi trường kinh doanh. Vẫn còn hiện tượng chưa tạo sự bình đẳng trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, đặc thù của ngành vận tải ô tô mang tính xã hội hóa cao, nguy cơ tham nhũng lớn. Với nhận thức như thế nên Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã rất chú trọng và đưa ra nhiều quy định, tăng cường thanh tra, kiểm tra để hạn chế thấp nhất nguy cơ tham nhũng. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay cần tích cực xem xét, có sự điều chỉnh để hài hòa các yêu cầu về đơn giản hóa các thủ tục; xác định ngành vận tải ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện để có những quy định cao hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hoàng - chuyên gia của UNDP, nêu quan điểm về việc phải nghiên cứu và đánh giá rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ; sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản dưới luật. Đồng thời tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm sự kết nối thông suốt về thông tin giữa các cơ quan công an và ngành giao thông vận tải…
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) khẳng định, kinh doanh vận tải đường bộ là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, nhiều loại hình hoạt động, thu hút rất nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia. Nhu cầu của xã hội về vận tải đường bộ rất lớn, số lượng phương tiện gia tăng nhanh.
Sự phát triển của khoa học công nghệ và việc ứng dụng vào kinh doanh vận tải đang đặt ra những đòi hỏi phải đổi mới cả phương thức quản lý và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp để hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Để giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, ông Nguyễn Tuấn Khanh cho biết dự thảo báo cáo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong kinh doanh vận tải đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như Dân trí phản ánh, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Thanh Nga (SN 1976, chuyên viên Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).
Bà Nga bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bà Nga được Tổng cục Đường bộ tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội duyệt cấp thẻ "luồng xanh" cho các đơn vị vận tải trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Lợi dụng việc được giao duyệt, cấp thẻ "luồng xanh", bà Nga đã móc nối, duyệt, cấp trái phép cho khoảng hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô và thu tiền hưởng lợi bất chính hơn 200 triệu đồng.
Hành vi của bà Nga đã ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay.