1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa “lên” thủ đô, nông dân đã hết ruộng

Dự kiến 4 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Đông Xuân thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sẽ được sáp nhập về Hà Nội. Trong khi kế hoạch này vẫn đang nằm trên giấy thì người dân 4 xã đã thấp thỏm lo, bởi phần lớn họ chẳng còn mảnh ruộng nào để sinh nhai...

Người lớn lo...

 

Từ ngày có tin sẽ được sáp nhập về với Hà Nội, đi xe trên đường qua 4 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Đông Xuân, đâu đâu cũng có thể bắt gặp những nhóm thanh niên, phụ nữ và cả người già to nhỏ bàn tán về chuyện bán đất, bán ruộng và đền bù.

 

Hàng nghìn người dân tộc Mường ở 4 xã này từ bao đời nay chỉ biết làm rừng, làm ruộng bỗng chốc có mối quan tâm mới: “Có dự án nào lấy vào đất nhà mình hay không?”.

 

Ông Đinh Công Bào, người dân tộc Mường ở xóm Nhòn, xã Tiến Xuân than thở: “Cả nhà có 16 nhân khẩu, 10 sào đất ruộng và mấy héc-ta đồi rừng. Từ ngày có tin sẽ được nhập về Hà Nội, những dự án như khu biệt thự, nhà vườn và thể thao giải trí mọc lên như nấm. Chính quyền đã phê duyệt, ra quyết định thu hồi đất và đền bù cho dân 9,7 triệu/sào. Trước đây nhờ có 10 sào ruộng, 1 năm gia đình tôi chỉ phải lo ăn 3 - 4 tháng thì bây giờ ruộng bị ủi hết rồi, 16 người nhà tôi phải lo ăn đủ 12 tháng một năm”.

 

Tương tự như gia đình ông Bào, gia đình ông Lê Cao Sơn ở xóm Bãi Dài cũng bị thu hồi hết hơn 8 sào ruộng nên thu nhập của gia đình hiện chỉ còn trông vào mấy héc-ta rừng trồng trên đỉnh đồi sau nhà.

 

Ông Sơn nói như khóc: “Ruộng hết, rừng trồng vài ba năm mới thu hoạch được nên trong khoảng thời gian chờ rừng cho thu hoạch thì gia đình tôi chẳng biết sống bằng gì. Trước khi thu hồi đất, Ban dự án có nói là sẽ hỗ trợ người dân về việc làm nhưng rồi họ chỉ hỗ trợ 1,5 triệu/lao động để tìm việc làm. Số tiền đó còn chưa đủ để đổ xăng chạy xe máy đi xin việc ấy chứ, nói gì đến chuyện có việc làm”.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại các xóm Bãi Dài, Gò Mè, xóm Nhòn của xã Tiến Xuân đang ở trong tình trạng khó khăn khi ruộng không còn, rừng cũng có thể bị thu hồi, việc làm thì không có.

 

Ông Sơn tâm sự: “Dù được trở thành người Hà Nội hay vẫn là người Hòa Bình thì người dân chúng tôi vẫn cần phải có đất để canh tác và kiếm gạo bỏ vào miệng. Chúng tôi thực sự chỉ biết sống nhờ vào ruộng và rừng, nếu xã thu lại hết thì chẳng biết tìm ra kế nào mà sinh nhai”.

 

Không chỉ ở xã Tiến Xuân, người dân các xã Yên Trung - Yên Bình và Đông Xuân cũng đang phải phấp phỏng lo chuyện bị thu đất canh tác, bởi ngay sau khi có thông tin sẽ được sáp nhập về Hà Nội, rất nhiều công ty đã đổ về khu vực này để lập dự án xin đất.

 

Ông Hoàng Văn Bình ở xã Yên Bình cho biết: “Tôi có nghe mấy cán bộ xã nói về việc các công ty thi nhau lập dự án để xin đất, tuy nhiên hầu hết đều là những dự án xây dựng nhà vườn, biệt thự và khu vui chơi giải trí chứ chả thấy công ty nào lập dự án xin đất để mở xưởng sản xuất, tạo điều kiện cho dân địa phương có công ăn việc làm sau khi mất ruộng cả”.

 

Bà Đinh Thị Nhàn ở xã Đông Xuân nói: “Dân chúng tôi ở đây xưa nay chỉ biết con trâu, cái cày và gỗ rừng, giờ nếu chính quyền lấy hết đất rồi thì đến khi được trở thành người Hà Nội, dân chúng tôi cũng chẳng biết làm gì để sống. Với trình độ lớp 5 trường làng như chúng tôi thì dù có công ty nào tuyển lao động thì cũng chẳng có mấy người được nhận vào làm công nhân đâu. Bố mẹ vật vờ kiếm chẳng đủ ăn thì nói gì đến chuyện cho con cái học hành tử tế?”.

 

Trẻ con cũng phải nghĩ!

 

“Đừng nghĩ rằng bọn trẻ chúng không biết gì, chúng cũng biết mình sắp trở thành người Hà Nội nên hay hỏi han, “hạnh họe” bố mẹ về chuyện học hành lắm đấy!”, bà Lê Thị Chuân ở xã Đông Xuân mở đầu câu chuyện. “Từ hôm ti vi nói đến chuyện được sáp nhập về Hà Nội, mấy đứa bé nhà tôi bắt đầu thắc mắc chuyện sẽ không được cộng điểm ưu tiên nữa. Con lớn nhà tôi đang học lớp 11 còn bảo, mình ở miền núi, học làm sao bằng được học sinh thành phố nên có muốn vào đại học cũng phải trông chờ nhiều vào điểm ưu tiên”.

 

Chưa “lên” thủ đô, nông dân đã hết ruộng  - 1

Lớp học, học sinh... thủ đô?

 

Tuy nhiên, theo bà Chuân, không phải nhà nào cũng có đủ điều kiện cho con ăn học đầy đủ và nuôi ước mơ vào đại học như gia đình bà. Bà kể: “Cậu em họ tôi ở bên xã Yên Trung làm lụng quanh năm mà chẳng đủ nuôi 3 đứa con ăn học. Giờ nhà lại không còn ruộng, mấy chục triệu tiền đền bù thu hồi ruộng đã dùng tiêu pha sắm sửa, giờ cũng chẳng còn được bao nhiêu. Mỗi lần đến nhà nó chơi, nhìn cảnh 3 đứa con nó lê la đất cát, sách vở rách nát mà không cầm được nước mắt”.

 

Trên con đường liên xã gập ghềnh từ Đồng Xuân tới Yên Bình, khi qua địa bàn xã Tiến Xuân, phóng viên bắt gặp 3 đứa trẻ người Mường đang ngồi bệt ven đường để chơi bài “ăn ảnh”. Đứa lớn nhất là Đinh Văn Quyết học lớp 6 nhưng người còi cọc như đứa trẻ lên 7 ở thành phố, hai đứa còn lại đều bắt đầu chập chững lớp 1 người cũng còi cọc. Trên tay chúng, một bộ bài tú lơ-khơ cũ không đủ quân, những tấm hình “siêu nhân” in trên bìa các-tông nhàu nát được dùng làm “chiến lợi phẩm” sau mỗi ván bài.

 

Sau màn làm quen bằng một túi kẹo, Quyết nói: “Hồi đầu năm học, mẹ cháu đã bảo cháu là nghỉ học ở nhà để đi làm giúp mẹ, cháu cũng đã định nghỉ rồi đấy chứ. Nhưng rồi khi biết sắp về Hà Nội, mẹ cháu lại bảo “Thôi đừng nghỉ học vội. Nếu về Hà Nội mà khá hơn thì bố mẹ cho đi học tiếp!” nên đến giờ cháu vẫn được đi học”.

 

Vào tới xã Tiến Xuân, chúng tôi được những người dân ở xóm Gò Mè chỉ tới căn nhà của gia đình ông Hoàng Văn Sáng với lời nhắn: “Gia đình đó tội nghiệp nhất đấy! Các chú phóng viên cứ đến đó xem có giúp được gì không?”. Đường vào nhà ông Sáng đầy nắng, bùn và ngập ngụa phân trâu.

 

Ông Sáng kể: “Tôi có 5 đứa con, giờ chỉ còn thằng út là chưa có gia đình. Khổ nhất là vợ chồng thằng tư, chồng thất nghiệp ở nhà làm ruộng, vợ lại bị bệnh tâm thần. Đẻ được đứa thứ 3 xong, con chưa đầy năm thì vợ bỏ đi lang thang mất tích đến hơn 15 tháng. Đến lúc gia đình tôi tìm được nó về thì phát hiện nó lại mang bầu đứa thứ 4, chẳng biết của ai. Giờ ruộng đất của nhà nó đã bị thu hồi sạch, tiền đền bù thì thuốc thang cho con dâu vài tháng cũng hết mà bệnh chẳng giảm được bao nhiêu. Mấy đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học mà giờ nheo nhóc, lê la chẳng biết lúc nào phải nghỉ”.

 

Hoàng Thị Hường - cháu ông Sáng - tâm sự: “Mẹ cháu bệnh nặng, bố làm chẳng đủ ăn nên đâm ra lại rượu chè, cháu đang nghĩ đến việc bỏ học ở nhà đi làm thuê phụ bố nhưng ông bà và mấy bác hàng xóm cứ ngăn. Có một bác ở Hà Nội mua đất gần nhà cháu còn hứa nếu cháu học hết lớp 9 sẽ xin cho cháu lên Hà Nội phụ việc bán hàng nên cháu cũng cố gắng học cho hết lớp 9, nhưng nhiều lúc cực lắm chú ạ. Không biết đến khi về Hà Nội các em cháu có được học hành tử tế hơn không?”.

 

Theo Công Thanh

VietNamnet