1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa đủ sức sát thương giặc “nội xâm” tham nhũng

Trò chuyện cùng Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng việc chống tham nhũng (PCTN) vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm vì vậy chưa đủ sức sát thương “giặc nội xâm” - tham nhũng.

Ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến.

Công khai quá trình xử lý án tham nhũng

Tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, ông có bình luận gì về nhận định này?

Đúng như nhận định của Thường vụ Quốc hội, qua tiếp xúc cử tri, và nhân dân vẫn chưa hài lòng và cho rằng công tác PCTN vẫn còn yếu, nhiều vụ tham nhũng lớn và điển hình vẫn chưa được đưa ra và xét xử, giặc tham nhũng chưa bị ngăn chặn và đẩy lùi. Và những vấn đề được bàn thảo trong phiên họp lần này đã được đại biểu Quốc hội nói tới trong nhiều năm nay, sẽ tiếp tục được thảo luận trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vào tháng tới.

“Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào giặc tham nhũng chúng ta phải công khai bản kê khai đó... Chỉ có như vậy, mới tạo điều kiện cho tai, mắt của nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không, coi như chúng ta đã bịt mắt, che tai người dân” - ĐBQH Lê Như Tiến.

Trước đây PCTN còn yếu kém, chúng ta cho rằng do hệ thống chính sách pháp luật bất cập, bộ máy chưa hoàn thiện, nhưng nay luật đã sửa, cơ quan chuyên trách đã có và được tổ chức đồng bộ từ T.Ư tới địa phương. Bên cạnh các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, giám sát, chúng ta có cơ quan chuyên trách là Ban Nội chính T.Ư và Ban Nội chính các tỉnh.

Nói cách khác, tới thời điểm này chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, nhưng giặc tham nhũng vẫn chưa bị tiêu diệt được bao nhiêu. Vì vậy, cũng có cử tri đặt câu hỏi có phải chúng ta đang án binh bất động vì còn “ém quân” chờ thời?

Tôi cho rằng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng cần có cơ chế công khai theo thời hạn hàng tháng, hàng quý để người dân biết, dân kiểm tra. Nếu không người dân sẽ tiếp tục hoài nghi về PCTN.

Có phải tình hình chống tham nhũng đang rơi vào tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, vì vậy giặc tham nhũng vẫn nằm ngoài tầm bắn?

Trong kinh tế, thời gian vừa qua vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải phân tán nguồn lực và kém hiệu quả. Trong PCTN, tôi cũng có cảm giác chúng ta vẫn chưa đánh vào trọng tâm, trọng điểm. Hay, nói như đại biểu Dương Trung Quốc, chúng ta chống “giặc nội xâm” - tham nhũng rất rầm rộ nhưng “chưa có viên đạn nào gây sát thương giặc”.

Hiện nay, việc xét xử những vụ tham nhũng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tha hóa đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước chưa được làm rốt ráo. Như các vụ án Vinashin, Vinalines… đã được báo chí, nhân dân nói đến rất nhiều, nhưng việc xử lý mới dừng lại ở những người đứng đầu các Tổng công ty đó. Theo tôi một mình các Tổng Công ty đó không thể gây ra hậu quả làm thiệt hại, thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng nếu không có sự buông lỏng, tạo kẽ hở, thậm chí tiếp tay của các cơ quan quản lý ở cấp cao hơn.

Vì thế công tác PCTN mới dừng ở thân, ngọn, chứ chưa tới gốc rễ của vấn đề. Muốn dò tới ngọn nguồn của tham nhũng, phải truy trách nhiệm của những người đứng đầu.

Chúng ta có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại thiếu cơ chế kết nối vì vậy để lỗ hổng cho tội phạm tham nhũng “lọt lưới”. Và để việc PCTN hiệu quả, tôi đề nghị cần có cơ quan PCTN độc lập.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm vừa qua phát hiện 73 vụ, nhưng chỉ có 4 người bị xử lý hình sự. Vậy việc xử lý trách nhiệm những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng dường như còn “giơ cao, đánh khẽ”?

Mặc dù luật nêu nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Phần lớn người đứng đầu có tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Vì vậy khi cơ quan có tham nhũng, họ liền tìm cách che chắn, đậy điệm cho khéo, nếu không chính họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì thế, xảy ra hiện tượng chính người đứng đầu lại bao che, biến báo, nhào nặn để tội phạm tham nhũng trở thành những người chỉ mắc khuyết điểm, xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở. Điều này dẫn đến hệ quả, năm nào cũng đánh giá tham nhũng ngày càng “tinh vi, phức tạp”, nhưng khi được hỏi lại có câu trả lời “cơ quan của tôi không có tham nhũng”.

Hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng

Mặc dù công tác thanh tra phát hiện rất nhiều sai phạm nhưng hầu như việc chuyển sang cơ quan điều tra lại rất hạn chế. Vậy có chuyện “nắn dòng, bẻ ghi” làm chuyển hướng trong quá trình thanh tra điều tra không, thưa ông?

Theo thông tin tôi nắm được, trên 64 nghìn vụ thanh tra của các cấp các ngành trên toàn quốc trong những năm vừa qua, mới chuyển cơ quan điều tra 464 vụ (chiếm 0,6% tổng số vụ). Trong những tháng đầu năm của năm 2013, phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng, nhưng mới chuyển cơ quan hình sự 11 vụ.

Tôi cho rằng có một xu hướng hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng. Nếu có xử lý lại theo hình thức chuyển công tác hoặc phê bình, nhắc nhở. Nhiều vụ được đưa ra xét xử lại ở dưới khung hình phạt, hoặc cho hưởng án treo. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi “có tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng hay không?”.

Tôi cho rằng là có. Vì một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ đã vào vòng lao lý do tham nhũng, hối lộ, bị xử lý. Tuy nhiên, theo lý giải của Thanh tra Chính phủ đó là do trình độ của cán bộ còn hạn chế. Nhưng theo tôi không phải lý do trình độ yếu kém của thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán mà còn có những điều “khó nói”, khó lý giải.

Mặc dù rất nhiều người có thông tin chạy án, nhưng để “bắt tận tay, day tận trán” thì không dễ, bởi như chúng ta nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, luôn luôn giấu mặt, giấu tay.

Về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012, đã có hơn 113 nghìn người kê khai lần đầu, hơn 519 nghìn người kê khai bổ sung, nhưng chỉ có 3 trường hợp được xác minh là không trung thực. Ông có bình luận gì về con số này?

Hiện nay, kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, vì kê khai mà chưa có công khai. Bản kê khai tài sản được niêm phong và cất vào tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ. Điều này tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng “rửa” tài sản, như khai báo không trung thực để người thân đứng tên. Và vì thế việc kê khai tài sản không còn mấy ý nghĩa.

Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào giặc tham nhũng chúng ta phải công khai bản kê khai đó. Cần công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác, nơi cư trú và tại nơi ứng cử (đối với các đại biểu dân cử). Chỉ có như vậy, mới tạo điều kiện cho tai, mắt của nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không, coi như chúng ta đã bịt mắt, che tai người dân.

Nói đến tai mắt của nhân dân, hiện nay có ý kiến cho rằng người dân đã không còn mặn mà tới việc PCTN?

Có môt nghịch lý bộ máy PCTN tầng tầng lớp lớp nhưng nhiều vụ tham nhũng lại do chính người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.

Nhưng hiện nay, có hiện tượng người dân đã thờ ơ, không còn nhiệt huyết phòng chống tham nhũng. Thứ nhất khi người dân phát hiện ra tham nhũng, cung cấp thông tin cho cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý, không được phản hồi. Thứ hai, người đứng lên đấu tranh PCTN lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng. Bởi kẻ tham nhũng vốn có sẵn tiền và quyền trong tay, lại không thiếu gì mưu mô, không từ một thủ đoạn nào để dằn mặt, trả thù những người tố cáo.

Trên thực tế nhiều người đứng ra tố cáo, thông tin về tham nhũng, chống tham nhũng trở thành những người “đơn thương độc mã”. Vì vậy tạo ra một thực tế “người ngay sợ kẻ gian” và tạo ra tâm lý “mặc kệ nó”.

Ngay cả đối với những nhà báo vào cuộc chống tham nhũng đôi khi cũng bị cản trở, đe dọa. Vì vậy cần phải coi việc nhà báo tham gia mặt trận PCTN như những người thi hành công vụ; và cản trở nhà báo khi tác nghiệp PCTN là cản trở chính những người thi hành công vụ.

Đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cũng phải tích cực tham gia giám sát. Bởi hơn ai hết họ là những người thay mặt nhân dân, có vị thế, có vị trí, bộ máy và được trao quyền. Họ chính là người phải tích cực giám sát và tổ chức giám sát tại cơ quan, địa phương mình. Nếu không sẽ không thể đòi hỏi trách nhiệm của nhân dân và bản thân họ cũng không thể đại diện cho nhân dân.

Xin cảm ơn ông.

 

Theo N.C.KHANH

Tiền phong