1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chưa đơn vị nào dám khẳng định không có tham nhũng

(Dân trí) - “Có thể các địa phương không rà soát hết, cũng có thể họ mới đang ở giai đoạn đầu đánh giá... Chưa đơn vị nào có thể khẳng định là đơn vị mình không có tham nhũng” - Ông Bùi Ngọc Lam, Cục phó cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ nhận xét.

Theo quy định, sau khi phát hiện tham nhũng, trong vòng 5 ngày, thanh tra sẽ phải chuyển CQĐT. Nhưng một số trường hợp, đơn vị chậm chuyển, gây khó khăn cho công việc của CQĐT sau này?

Tôi nghĩ nên đánh giá theo một xu hướng tích cực, để cho hoạt động thanh tra, điều tra phối hợp tốt hơn. Còn theo quy định, các vụ việc thanh tra thấy đủ dấu hiệu, chứng cứ tội phạm thì phải chuyển CQĐT.

Sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra thời gian qua là rất chặt chẽ, một vài trường hợp cá biệt không thể là đại diện chung cho tình hình đó được.

Có những vụ việc mà thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhưng số vụ việc được giải quyết triệt để, xử lý hình sự rất ít. Phải chăng có hiện tượng bao che giữa các cơ quan?

Việc ở đâu đó, có một vài hiện tượng chỉ là cá biệt. Chúng ta cũng có biết một số trường hợp xử lý cán bộ chưa đúng, chưa nghiêm. Nhưng quan trọng là Chính phủ, toàn hệ thống chính trị đã đưa đồng loạt các cơ quan, bộ ngành vào cuộc.

Ông lí giải thế nào về việc phát hiện sai phạm lớn nhưng lại không xử lý hình sự?

Cái này cũng phải đánh giá một cách khách quan. Cũng có những vụ tham nhũng nhưng chưa đến mức hình sự, ví dụ, “tội nhũng nhiễu” ở ta, đúng là hành vi tham nhũng nhưng nhận số tiền rất nhỏ. Trong trường hợp này thì việc xử lý, giáo dục bằng các hình thức khác thì hợp tình, hợp lý hơn.

Về trách nhiệm người đứng đầu, phải chăng chúng ta chưa có một cơ chế thực sự có hiệu quả, dẫn tới việc các cơ quan không tự phát hiện được tham nhũng trong đơn vị mình và để tình trạng kéo dài quá lâu?

Quả thật, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong đó có nguyên nhân từ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra.

Việc chưa phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị là đúng. Nhưng báo chí cũng phải chia sẻ, thông cảm vì quy định trách nhiệm của người đứng đầu khi đơn vị xảy ra tham nhũng cũng mới vừa ban hành, hiện giờ đang kiểm nghiệm thực tiễn, cần có một thời gian nữa.

Và rõ ràng, chương trình hành động của chính phủ về phòng chống tham nhũng có nội dung: hoàn thiện, xác định rõ trách nhiệm và đánh giá nó, xử lý nghiêm với các trường hợp người đứng đầu để đơn vị tham nhũng, trong đó có việc tự thanh tra, kiểm tra.

Là cán bộ của một cơ quan chống tham nhũng, ông có thấy sự chuyển biến khi thực hiện quy chế trách nhiệm của người đứng đầu?

Có sự chuyển biến tích cực. Ít nhất là họ đã phải xác định trách nhiệm cụ thể của mình. Còn tất nhiên, đi vào thực tiễn còn có điểm này điểm kia cần hoàn thiện thì tôi nghĩ đợt tới sẽ thẩm tra, đánh giá về tính hiệu quả.

Trước đây, có khá nhiều các địa phương, đơn vị báo cáo là không có tham nhũng và cơ quan chức năng khẳng định chính những báo cáo đó là đáng ngờ. Hiện tại những báo cáo kiểu đó có còn?

Những vụ tham nhũng ở các địa phương thì đến nay là do họ tự báo cáo. Có thể các địa phương không rà soát hết, cũng có thể họ mới đang ở giai đoạn đầu đánh giá. Còn có thể nói đến nay, các đơn vị, bộ ngành, địa phương đều đã lao vào cuộc. Chưa đơn vị nào có thể khẳng định là đơn vị mình không có tham nhũng.

Xin cám ơn ông!

Phương Thảo - Kim Tân