Chưa có thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ
(Dân trí) - Với yêu cầu chỉ rõ địa chỉ nơi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ chưa tốt, không ngại đưa ra những tồn tại, yếu kém, tiêu cực, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận, quy trình còn nhiều hạn chế, cũng chưa có thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua vừa có phiên họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức (từ ngày1/1/2010 đến ngày 31/12/2013).
Bộ trưởng Nội vụ: "Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục kỷ luật, thôi việc với cán bộ".
Các hạn chế được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhắc tới là, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo còn thiếu hợp lý, nhiều trường hợp thể hiện dân chủ hình thức; chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu và của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ; chưa gắn quyền hạn và trách nhiệm được giao. Chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương nhằm tránh tình trạng cục bộ, khép kín ít được thực hiện do chưa có quy định cụ thể”.
Đáng lưu ý, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng cán bộ; đặc biệt là quy định liên quan đến trình tự thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ (kể cả cán bộ cấp xã).
Để khắc phục các hạn chế, việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức sẽ được đổi mới. “Thông qua kinh nghiệm thực hiện tại Bộ Nội vụ và thành phố Hải Phòng, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng việc áp dụng hình thức thi tuyển công chức qua phần mềm vi tính; bảo đảm đến năm 2015 có 100% cơ quan ở trung ương và 70% cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức” – Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Với đối tượng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án đổi mới phương thức tuyển chọn. Theo đó, trong những năm đầu triển khai thực hiện, việc thi tuyển lãnh đạo chỉ nằm trong khâu tuyển chọn để tìm được người có đủ tài, đức; đủ tiêu chuẩn, điều kiện và tín nhiệm để giới thiệu cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện bổ nhiệm theo quy định (thay cho khâu lấy phiếu như hiện nay).
Ghi nhận nhiều kết quả nêu ra trong báo cáo giám sát song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn: “Có thông tin số lượng công chức ở cấp xã quá đông nhưng trình độ, năng lực đáp ứng vị trí công việc còn hạn chế. Thực tế thế nào, qua giám sát cho thấy điều gì để chấn chỉnh? Rồi phản ánh công chức, viên chức “ngồi chơi xơi nước” có đúng không? Tiêu cực trong thi cử, tuyển dụng không thể nói là không có. Vậy mức độ, nguyên nhân, giải pháp thế nào”?
Phó Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long yêu cầu Chính phủ chuẩn hóa hệ thống số liệu và phân tích, đánh giá tình hình sâu sắc hơn. Ông nêu nghi ngại về những số liệu vênh giữa các địa phương cũng như sự khác biệt lớn về mặt bằng chất lượng cán bộ ở mỗi tỉnh. Có tỉnh không có một tiến sỹ nào, có huyện, quận không có một chuyên viên chính nào. Vì sao số lượng công chức, viên chức chưa qua đào tạo ở nhiều cơ quan lên đến cả hàng nghìn người? Hiệu quả số cán bộ, công chức được gửi đào tạo ở nước ngoài ra sao?
Chủ nhiệm UB Pháp luật, Trưởng đoàn giám sát Phan Trung Lý nêu quan điểm, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức là nội dung giám sát rất quan trọng, được dư luận rất quan tâm. Do đó, báo cáo cần thể hiện rõ nét hơn.
“Đã là báo cáo giám sát thì phải có địa chỉ, tức chỉ ra được nơi nào làm tốt hay chưa tốt. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề nên chúng ta không ngại đưa ra những tồn tại, yếu kém, tiêu cực hiện nay”, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh.
Được biết, chuyên đề giám sát sẽ kết thúc vào tháng 9, báo cáo sẽ được hoàn thiện, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 để có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, khai mạc vào tháng 10 tới.
P.Thảo